Tiêu đề của website

Đào tạo trẻ của bóng chuyền Việt Nam: Chuyện muôn thuở

Mượn quân, đánh thuê trong thể thao là điều bình thường nhưng mặt bằng chung của bóng chuyền Việt Nam đang tồn tại sự chênh lệch lớn về tương quan giữa cầu thủ nguồn và cầu thủ mượn giữa các CLB. Điều đó một lần nữa nhắc lại về câu chuyện đào tạo trẻ.


Mượn quân, đánh thuê trong thể thao là điều bình thường nhưng mặt bằng chung của bóng chuyền Việt Nam đang tồn tại sự chênh lệch lớn về tương quan giữa cầu thủ nguồn và cầu thủ mượn giữa các CLB. Điều đó một lần nữa nhắc lại về câu chuyện đào tạo trẻ.

Dựa mãi vào bờ vai Thông Tin?

Thông tin Liên Việt Post Bank hiện là đội bóng chuyền nữ số một Việt Nam, đang sở hữu dàn cầu thủ đồng đều bởi mô hình đào tạo vận động viên trẻ được xem là có hệ thống nhất ở nước ta. Đội bóng quân đội không những ổn định về lực lượng vận động viên mà còn trở thành nguồn cung cấp cầu thủ cho các CLB khác khi có nhu cầu vay mượn nhằm tăng cường sức mạnh.

Tập đoàn cao su Bình Phước (thường gọi là Cao Su Phú Riềng) là trường hợp tương tự, khi có đến ba vận động viên của tuyển trẻ đang đầu quân dưới dạng cho mượn, có thể kể tên như chủ công Hồng Nhung, chuyền hai Vũ Thị Thu Hà và libero Đặng Thị Thoan. Điều đáng nói là ba gương mặt này khi gia nhập đội bóng Bình Phước đều trở thành những trụ cột ở các vị trí nêu trên của đội bóng này.

Bóng chuyền Việt Nam (vàng) đang thiếu những thế hệ kế cận. Ảnh: Lâm Thỏa.

Ví dụ trên đây là một trong số ít những trường hợp vay mượn, đào tạo vận động viên bóng chuyền hiện nay. Có thể thấy tình trạng nhân lực nguồn của các CLB lúc này đang trở thành vấn đề nan giải, khi mà gần như công tác đào tạo trẻ dù vẫn triển khai thực hiện nhưng không mấy hiệu quả. Điều đó dẫn đến việc khi đặt mục tiêu thứ hạng, những đội bóng yếu buộc phải đi mượn quân, và các cầu thủ trẻ có triển vọng của lò đào tạo Thông Tin luôn là đối tượng được hướng đến. Thực tế trên dẫn đến hai tín hiệu vui buồn trái chiều của bóng chuyền Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, điều đó đã lý giải tại sao Thông Tin Liên Việt Post Bank chục năm trở lại đây vẫn giữ vững ngôi hậu của bóng chuyền nữ Việt Nam và luôn là CLB có số lượng vận động viên góp mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia đông nhất. Hệ thống đào tạo trẻ bài bản với các cấp độ từ thấp lên cao với các đội từ ban đầu, năng khiếu, đội trẻ và đội một. Bốn tuyến vận động viên cho thấy chiều sâu của mô hình đào tạo có định hướng và đáp ứng các tiêu chí của bóng chuyền quốc tế ngày nay. Việc đưa các cầu thủ trẻ tham gia tập luyện và thi đấu tại các CLB khác là cách giúp cho các nhân tố vững vàng hơn về mặt tâm lý.

Thứ hai, việc Thông Tin Liên Việt Postbank nổi lên như một điển hình trong công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên vô tình lại “đi ngược” với mặt bằng chung của các CLB Việt Nam hiện nay. Không thể phủ nhận thực trạng đào tạo nguồn vận động viên kế thừa lúc này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Không chỉ các đội yếu mà kể cả những đội bóng đang chơi tại giải Vô địch quốc gia cũng đang ở trong tình trạng báo động này. Ở mỗi CLB, việc đào tạo trẻ vẫn triển khai thực hiện nhưng trụ cột thi đấu lại thuộc về các vận động viên mượn từ nơi khác.

Cần đi xa hơn giải trẻ

Giải bóng chuyền trẻ toàn quốc là giải đấu chính thức nằm trọng hệ thống giải của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam với sự tham gia của các đội bóng đến từ tỉnh, thành, ngành và CLB có phong trào bóng chuyền mạnh trên cả nước. Điều đó có nghĩa dù muốn hay không, các CLB bóng chuyền hiện nay đều phải có ít nhất một đội bóng trẻ để mang tính kế thừa và hơn hết là tham gia giải đấu này.

Những CLB có chất lượng đào tạo trẻ được đánh giá cao hiện nay ở Việt Nam (dựa vào thành tích các đội trẻ gặt hái được) cũng không thoát khỏi những cái tên quen thuộc như Thông Tin Liên Việt Postbank, VTV Bình Điền Long An hay Ngân hàng Công thương. Vậy còn những cái nôi bóng chuyền hàng đầu như Quảng Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc… của ngày xưa, tính kế thừa vô hình chung không còn được duy trì và dàn cầu thủ trẻ lúc này chỉ còn là chiếc bóng của quá khứ vốn dĩ huy hoàng.

Bóng chuyền là một trong những môn thể thao được yêu thích nhất ở Việt Nam, nhưng sự quy mô và tốc độ phát triển chưa được như ý. Ảnh: Lâm Thỏa.

Trao đổi với VnExpress, một chuyên gia tâm huyết với bóng chuyền Việt Nam cho rằng: “Việc đào tạo để tham gia các giải đấu trẻ hàng năm là mục đích. Tuy nhiên, nhìn vào định hướng, chiến lược và cách đào tạo, chúng ta có thể thấy không có gì thay đổi so với 10 năm về trước. Với xu thế của bóng chuyền hiện đại ngày nay, tiêu chí tuyển chọn và cách đào tạo của chúng ta còn lỗi thời. Điều đó dẫn đến vì sao mãi cho đến ngày nay, một số vị trí, điển hình như chuyền hai vẫn là nỗi lo lớn của chúng ta”.

Không thể phủ nhận sự hạn chế trong những giáo án tập luyện đang tồn tại ở phần lớn các CLB Việt Nam lúc này. Dẫu vậy, điểm sáng từ mô hình Thông Tin Liên Việt Post Bank cũng giúp cho các CLB có những cái nhìn khác về cách tuyển chọn cũng như đào tạo vận động viên nguồn.

Những cái tên như Thanh Thúy, Bùi Ngà, Lê Dung hay Đặng Thoan ở đội nữ hay Thanh Thuận, Thoại Khương, Quang Đoàn của nam như những hạt giống tốt, nếu biết cách bồi dưỡng và có định hướng sâu rộng sẽ tạo ra những bước tiến xa trong sự nghiệp cá nhân cũng như nâng chất cho bóng chuyền nước nhà.

Trân Trần - Vnexpress

Bóng chuyền Việt Nam hiện nay khi kể tên các trung tâm đào tạo trẻ chất lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Các trung tâm như Thông Tin Liên Việt Postbank, VTV BĐLA và mới đây là NHCT của nữ. TANB, Sanet Khánh Hòa, Vĩnh Long, Hà Nội của nam. Một số trung tâm lớn về đào tạo trẻ như: Thể Công, Thái Bình... giờ chỉ còn là những kỷ niệm buồn mỗi khi nhắc tới công tác đào tạo trẻ.

ANH TUẤN

 

 

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều