Tiêu đề của website

Bóng chuyền có còn là môn số 2?

Từ lâu, bóng đá thành môn thể thao Vua, còn bóng chuyền được mệnh danh là môn thể thao số 2 (sau bóng đá). Thế nhưng, những chuyện xảy ra gần đây khiến dư luận đặt câu hỏi: Bóng chuyền có còn là môn thể thao số 2?


Từ lâu, bóng đá thành môn thể thao Vua, còn bóng chuyền được mệnh danh là môn thể thao số 2 (sau bóng đá). Thế nhưng, những chuyện xảy ra gần đây khiến dư luận đặt câu hỏi: Bóng chuyền có còn là môn thể thao số 2?

Vừa qua, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã chốt lại danh sách các môn mà Việt Nam tham gia tranh tài tại ASIAD 2014. Đáng chú ý nhất là cả đội tuyển bóng chuyền nam lẫn tuyển nữ sẽ không có mặt tại ngày hội lớn nhất châu lục.

Còn nhớ tại ASIAD Quảng Châu cách đây 4 năm, tuyển nữ cũng không góp mặt. Lần cuối cùng mà bóng chuyền nữ hiện diện tại ASIAD là ở Doha năm 2006, các cô gái Việt Nam kết thúc ở vị trí thứ 7/9 với thành tích thua 6 thắng 1.

Việc cả 2 đội tuyển bóng chuyền không tham dự ASIAD 2014 là một tin khá “sốc” với giới hâm mộ bóng chuyền. Bởi kể từ đầu năm đến nay, bóng chuyền Việt Nam vẫn chỉ loay hoay với những giải mời, giải giao hữu trong nước. Đó là nữ, còn nam thì tệ hơn nhiều.

Bóng chuyền có còn là môn số 2? Ảnh: Quang Thắng.

Riêng về đội tuyển nữ thì vừa chốt danh sách chuẩn bị cho Cúp bóng chuyền châu Á diễn ra vào tháng 9 ở Trung Quốc với thành phần được trẻ hóa (chỉ còn 3 gương mặt cũ là Ngọc Hoa, Đỗ Thị Minh và Nguyễn Thị Xuân). Kể từ VTV Cup 2014, thành phần này được đánh giá cao, có triển vọng giúp bóng chuyền nữ Việt Nam thay đổi diện mạo thực sự ở các sân chơi châu lục.

Nhưng bỏ ASIAD 2014, cũng đồng nghĩa với việc những tay đập trẻ đang lên như Từ Thanh Thuận, Bùi Thị Ngà, Nguyễn Linh Chi hay Trần Thị Thanh Thúy... mất đi một cơ hội thử lửa ở sân chơi châu lục. Bóng chuyền Việt Nam muốn tiến gần đến trình độ châu lục như người Thái Lan từng làm và đã thành công, thì rõ ràng đây là một trong những cơ hội thuận lợi. Song, quyết định bỏ lửng kế hoạch của VFV đã không nhận được sự hưởng ứng từ dư luận.

Quyết định cắt suất bóng chuyền đến Hàn Quốc, theo tìm hiểu của chúng tôi, xuất phát từ một vài cá nhân chứ không có sự tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn.

Tổng cục TDTT khẳng định kinh phí không đủ để đưa nhiều đội tuyển đến ASIAD, nên động viên các môn có hoạt động liên đoàn vận động tài trợ và nếu được thì đi theo diện xã hội hóa. Tức là bóng chuyền luôn có cơ hội, vì VFV trên thực tế được cho là liên đoàn có khả năng tìm kiếm nguồn tài trợ dễ dàng hơn rất nhiều môn thể thao khác, chỉ xếp sau môn bóng đá.

Nhưng bóng chuyền đã không làm được như vậy mà đùng một cái, lại mất suất trước thời điểm đăng ký danh sách sơ bộ với BTC ASIAD 2014 hồi tháng 6. Điều này không chỉ làm giới hâm mộ sốc, mà còn khiến các nhà chuyên môn xây dựng nên kế hoạch thất vọng. Vì đa số các ủy viên thuộc BCH và thậm chí là các ủy viên thường vụ của VFV đều không được thông báo về sự thay đổi này!

Với khả năng chuyên môn thứ nhì khu vực Đông Nam Á, chẳng đến nỗi 2 đội tuyển bóng chuyền nam và nữ làm mất mặt bóng chuyền Việt Nam ở ASIAD 2014. Người hâm mộ trăn trở bao nhiêu thì những người cầm lái con thuyền bóng chuyền nước nhà lại tỏ ra bình thản bấy nhiêu. Việc không cử đội tham dự ASIAD 17 ở Incheon (Hàn Quốc) vào tháng 9 sắp tới đã cắt đứt khát vọng của các tuyển thủ trẻ tài năng và liệu bóng chuyền có còn xứng danh là môn thể thao số 2 của nước nhà?

 

Tường Vũ - Tiền Phong


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều