Tiêu đề của website

Đội bóng chuyền nam Quân đoàn 4 trước nguy cơ giải thể: NƯỚC MẮT NGƯỜI LÍNH…

Hôm qua, chúng tôi tới đúng lúc thầy trò HLV Phạm Chiến Thắng đang tập luyện ở Nhà thi đấu Quân đoàn 4, nhưng hình như phủ kín buổi tập ấy là một sự lặng lẽ và chỉ nghe tiếng quả bóng nện ì ạch xuống sàn, từng nhịp đứt quãng trong tiếng thở dài cũng đều đều của những Long Kiếm, Duy Khánh, Công Tiển, Văn Sang…


Hôm qua, chúng tôi tới đúng lúc thầy trò HLV Phạm Chiến Thắng đang tập luyện ở Nhà thi đấu Quân đoàn 4, nhưng hình như phủ kín buổi tập ấy là một sự lặng lẽ và chỉ nghe tiếng quả bóng nện ì ạch xuống sàn, từng nhịp đứt quãng trong tiếng thở dài cũng đều đều của những Long Kiếm, Duy Khánh, Công Tiển, Văn Sang…

Đội bóng Quân đoàn 4 vừa giành HCĐ Cúp Hùng Vương 2015. Ảnh: Dũng Phương

Thuở oai hùng còn đâu ?

Chúng tôi cũng bất ngờ trước cảm xúc nghẹn ngào của HLV trưởng Phạm Chiến Thắng và Giám đốc Trung tâm TDTT Quân đoàn 4, ông Lê Văn Thành - những người lính từng gắn bó và chứng kiến sự thăng trầm của một trong những đội bóng giàu truyền thống bậc nhất làng bóng chuyền nam Việt Nam - khi đề cập đến hung tin đội đang đối diện với nguy cơ giải thể.

Họ vốn cứng rắn là thế, từng vượt qua những thời khắc khó khăn nhất để duy trì đội bóng này, nhưng không thể kìm được lòng mình khi chúng tôi gặng hỏi: “Các anh nghĩ sao nếu đội bóng chuyền Quân đoàn 4 bị xóa tên thật?”. Câu trả lời cũng rất bất ngờ là… một sự im lặng. Có lẽ, chỉ những người trong cuộc, từng lăn lộn và trải nghiệm với bóng chuyền nơi đây từ ngày đầu cho đến tận hôm nay mới hiểu hết giá trị của thương hiệu Đội-bóng-chuyền-Quân-đoàn-4. Đấy là truyền thống. Đấy là sự tự hào. Và đấy cũng là chỗ dựa của bóng chuyền Việt Nam trong quá khứ và ở cả tương lai…

Xót xa thay, bề dày 40 năm xây dựng và trưởng thành của đội bóng chuyền từng là nơi sản sinh ra những thế hệ HLV, VĐV danh tiếng như Lương Khương Thượng, Nguyễn Thành Lâm, Phan Phước Điền, Trần Minh Khang, Đào Ngọc Chánh, Đặng Đức Xuyên, Lê Văn Thành… và sau này là Phạm Chiến Thắng, Công Thành, Duy Khánh, Long Kiếm, Công Tiển… đã rất gần là khả năng tan vỡ.

Vẻ mặt thẫn thờ của thầy trò đội bóng Quân đoàn 4 sau khi đón tin dữ.

Anh Phạm Chiến Thắng - thế hệ HLV trưởng thứ 5 của đội bóng này - tâm sự: “Anh em trong đội hầu hết đều yên lặng đón nhận thông tin tạm dừng cuộc chơi sau khi mùa giải 2015 khép lại. Là những người lính, chúng tôi phải tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên, vẫn sẽ thi đấu thật tốt, thật mãnh liệt trước khi kết thúc nhiệm vụ. Tôi chỉ tiếc lứa VĐV này đang chín tới, bắt đầu gặt hái thành công…”.

Quân đoàn 4 vừa chia tay vòng 1 giải VĐQG với tấm HCĐ Cúp Hùng Vương, là 1 trong 3 đội bóng nam mạnh nhất nửa mùa bóng. Thậm chí, trong bối cảnh Thể Công-BĐ 15 đang trầy trật với cuộc chơi, các tay đập Biên phòng vẫn đang chứng tỏ mình, thì thầy trò HLV Phạm Chiến Thắng đã chứng minh rằng khát vọng được tồn tại và tiếp tục làm đẹp cho bóng chuyền Việt Nam là động lực để Quân đoàn 4 hướng về tương lai.

Vẻ mặt thẫn thờ của thầy trò đội bóng Quân đoàn 4 sau khi đón tin dữ.

Trong lịch sử phát triển 40 năm của mình, bóng chuyền Quân đoàn 4 từng 6 lần vô địch Việt Nam ở thập niên 1980 của thế kỷ trước, cung cấp cho ĐTQG nhiều danh thủ và thậm chí mới đây, trong lễ kỷ niệm 40 năm truyền thống của đội, lãnh đạo Quân đoàn vẫn nhắc nhở phải tiếp tục duy trì, để ngoài trách nhiệm với bóng chuyền nước nhà, đội bóng còn tồn tại vì nhiều nhiệm vụ quan trọng khác nữa của đơn vị.

HLV Lương Khương Thượng - người đội trưởng đầu tiên của đội bóng chuyền Quân đoàn 4 -  không giấu được xúc động: “Tôi đã trưởng thành từ cái nôi Quân đoàn 4. Trong quá khứ, tập thể chiến sĩ, VĐV đã kề vai sát cánh bên nhau để phục vụ các nhiệm vụ quan trọng. Cho đến bây giờ, dù tôi hay nhiều đồng chí khác nữa đã hoặc đang tiếp tục xây dựng phong trào bóng chuyền cho Quân đoàn thì đều trân trọng truyền thống và muốn gìn giữ nó dài lâu. Tôi đau lòng thực sự khi nghe thông tin đội bóng đang đứng trước thực tế phải bỏ cuộc…”.

Vẫn cứu được nếu đồng lòng

Phảm chất của những người lính làm thể thao đương nhiên luôn giúp họ chẳng ngại bất kỳ gian khó nào. Trong chiến tranh, họ từng vừa cầm súng vừa chơi bóng và đã xây dựng nên hình ảnh tuyệt đẹp cho bóng chuyền Quân đoàn 4, thì giữa thời bình, để giữ vững truyền thống cho đội còn dễ dàng hơn nhiều và không hề thiếu giải pháp. Ông Lê Văn Thành - Giám đốc Trung tâm TDTT Quân đoàn 4 - cho biết: “Chủ trương của TDTT Quân đội nói chung và bóng chuyền nói riêng đã được chuẩn bị từ lâu rồi. Nhưng tôi không nghĩ chuyện lại đến sớm như thế. Chúng tôi đã trình bày với lãnh đạo Quân đoàn những phương án khả thi để giữ lại đội, từ việc vận động các nhà tài trợ như Becamex Bình Dương cho đến tận dụng các điều kiện sẵn có để tạo ra nguồn thu từ 2-3 tỷ đồng nuôi đội bóng và khả năng vẫn sống khỏe. Thậm chí, chúng tôi và bóng chuyền Biên phòng cùng kêu gọi mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia đóng góp 1 ngày lương trong năm để gộp cùng các khoản kêu gọi tài trợ duy trì đội bóng thì mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng, quân lệnh như sơn…”.

Nói như ông Thành, hiện tại đội bóng Quân đoàn 4 (hiện có 18 VĐV) vẫn đang được Becamex Bình Dương hỗ trợ 1 tỷ đồng/năm. Cộng thêm với các khoản thu từ các dịch vụ kinh doanh khác mà Quân đoàn bấy lâu nay tạo cho cơ chế (có thêm gần 2 tỷ đồng/năm), thầy trò HLV Phạm Chiến Thắng vẫn thuộc diện những đội bóng “sống khỏe” ở làng bóng chuyền nam Việt Nam, chứ không đến mức phập phù như Long An, Vĩnh Long, Bến Tre…

Tức là “đường sống” của đội bóng này đâu đã đến ngõ cụt? Và tức là gần 40 VĐV lớn nhỏ của Quân đoàn 4 đâu có lâm vào cảnh “dở cười, dở mếu” như lúc này?

Đội trưởng - tuyển thủ quốc gia Đặng Long Kiếm: “Mấy hôm nay, anh em xuống tinh thần thấy rõ khi biết được thông tin có thể đội phải giải tán. Bản thân tôi cũng cảm thấy rất buồn, dù ngoài mặt vẫn đang cố gắng động viên các đồng đội tập luyện và thực hiện nhiệm vụ hết năm nay. Tôi hy vọng các bác, các chú lãnh đạo của Bộ quốc phòng cũng như Quân đoàn suy nghĩ lại, tạo điều kiện cho không chỉ đội bóng Quân đoàn 4 mà cả Biên phòng, các đội bóng Quân khu khác nữa được tiếp tục cuộc chơi, vì sự phát triển của bóng chuyền Việt Nam”.

Hồi tháng 6, đội trẻ Quân đoàn 4 với 25 VĐV đã phải dừng cuộc chơi, sau khi nhận lệnh từ đơn vị chủ quản. Ban huấn luyện phải vin đến lý do “không đáp ứng chuyên môn” để trả các VĐV về địa phương và gia đình, hoặc tạo điều kiện về với đội bóng mới, dù đấy là lứa VĐV được đánh giá rất triển vọng. Quân đoàn 4 bỏ giải bóng chuyển trẻ quốc gia 2015 hồi cuối tháng 6, tức là gián tiếp thừa nhận đến cuối mùa họ có thể phải… giải tán.

Ngoài các đội bóng chuyền trong nhà, các tuyển thủ bóng chuyền bãi biển - một trong những “đặc sản” của Quân đoàn 4 cũng đã chuẩn bị tinh thần dừng cuộc chơi, sau khi có chủ trương từ đơn vị. Đáng nói, bóng chuyền bãi biển Việt Nam vẫn đang phát triển dựa chú yếu vào 3 đơn vị là Quân đoàn 4, Khánh Hòa và TPHCM. Nếu giải tán đội bóng này, đồng nghĩa với việc phong trào bóng chuyền bãi biển ở nước ta tạm thời… giải tán vì không đủ đơn vị tổ chức giải VĐQG thường niên.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều