Tiêu đề của website

Tổng Thư Ký Đầu Tiên Của Bóng Chuyền Việt Nam - Phạm Lượng: Trọn Vẹn 2 Chữ Tâm - Tài

Phạm Lượng là một trong 23 chiến sĩ đầu tiên của Đoàn công tác TDTT Quân đội (Thể Công) được thành lập sáng ngày 23/9/1954 tại Trường sĩ quan Lục quân Sơn Tây, theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


-

Từ anh bộ đội cụ Hồ trở thành VĐV bóng chuyền xuất sắc

Phạm Lượng là một trong 23 chiến sĩ đầu tiên của Đoàn công tác TDTT Quân đội (Thể Công) được thành lập sáng ngày 23/9/1954 tại Trường sĩ quan Lục quân Sơn Tây, theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội khi đó đã ra quyết định thành lập Đoàn. 17 ngày sau, Đoàn cùng đại quân tiến về giải phóng Thủ đô 10/10/1954, trong đó có “lính thể thao” vào tiếp quản sân Manzin (sân Cột cờ - Trung tâm TDTT Quân đội 17 và 19 Hoàng Diệu).

23 chiến sĩ Thể Công (gồm cả 3 cán bộ lãnh đạo đoàn) chỉ đủ quân số cho… 3 đội thể thao: Bóng đá 11 người; Bóng rổ 5 người và Bóng chuyền nam 7 người. Đội hình bóng chuyền nam gồm có: Phạm Lượng, cán bộ cấp trung đội làm huấn luyện viên kiêm cầu thủ. Đội trưởng là Đoàn Khá cùng các cầu thủ: Phạm Đình Nha, Nguyễn Doãn Cường, Dương Lương Hạnh, Nguyễn Văn Hèo, Lý Đức Kim.

Vỏn vẹn với tiểu đội thiếu như vậy, nhưng các anh đã thi đấu hết mình, giành được nhiều thành tích ở các giải thi đấu miền Bắc và quốc tế. Đội bóng chuyền Thể Công những năm đầu đã tham dự Giải Thể thao Quân đội Hữu nghị các nước xã hội chủ nghĩa (SKDA) và đi thi đấu ở Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Ba Lan, Bungari, CHDC Đức, Campuchia, Lào… Các cầu thủ bóng chuyền Thể Công, trong đó có Phạm Lượng đã được gọi vào đội tuyển tham gia thi đấu ở giải bóng chuyền hữu nghị Việt - Trung - Triều - Mông năm 1957 ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên và Ganefo Jakarta Indonesia năm 1963.

Với 25 lần dự giải miền Bắc và toàn quốc, Đội bóng chuyền Thể Công đã 15 lần đoạt chức vô địch, 4 lần đứng thứ nhì. Thời gian sau này, đội bổ sung thêm nhiều cầu thủ rất xuất sắc như: Nguyễn Thanh Thưởng, Đặng Nhật Lễ, Lâm Dũng, Phạm Quang Tuyến, Nguyễn Phú Đại, Cao Văn Dũng, Bùi Huy Giang, Nguyễn Hữu Dông, Nguyễn Đăng Cần… Nhưng lứa vận động viên đầu tiên của bóng chuyền Thể Công hồi đó vẫn để lại nhiều hình ảnh đẹp và rất ấn tượng. Họ đến với thể thao vì trách nhiệm và vinh dự quốc gia, vì danh dự người lính - anh bộ đội Cụ Hồ trên trận địa TDTT sau hoà bình năm 1954.

Xây dựng nền tảng vững chắc cho bóng chuyền Việt Nam

Khi được Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT, Tướng Hoàng Văn Thái điều động về để làm người chuyên quản bóng chuyền, trưởng bộ môn bóng chuyền đầu tiên của Uỷ ban TDTT, trung uý Phạm Lượng khi đó rất mừng. Bởi ở vị trí này, ông có thể mang hết cái Tâm và cái Tầm của mình ra cống hiến hết mình cho bóng chuyền Việt Nam. Là VĐV xuất sắc nhiều năm, ông luôn trăn trở phải làm sao đưa bóng chuyền Việt Nam phát triển ngang tầm với bạn bè quốc tế, bởi lực lượng bóng chuyền khi đó còn quá mỏng và yếu. Đam mê bóng chuyền, ông rất mong phong trào bóng chuyền được lan rộng, toả khắp ở mọi sân chơi trên đất nước, muốn đào tạo được một lực lượng VĐV đủ mạnh, thi đấu ngang tầm với những cường quốc thể thao khác.

Đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam tham dự giải bóng chuyền hữu nghị

Việt- Trung- Triều- Mông năm 1957 tại Bình Nhưỡng- Triều Tiên( �"ng Phạn Lượng, thứ 8 từ trái sang)

Nhận được nhiệm vụ, ông đã nung nấu và trình bày với Trung tướng Hoàng Văn Thái một kế hoạch với cái tên giản dị và dễ hiểu: “Xây dựng và phát triển môn thể thao bóng chuyền”. Sau này, ông tâm sự với tôi: “Hôm ấy, tôi đã trình bày với Trung tướng Hoàng Văn Thái rằng, bóng chuyền là môn thể thao của nhân dân, của quảng đại quần chúng. Sân không cần rộng, trang thiết bị không cầu kỳ, chỉ cần một trái bóng, cái lưới là có thể thành một trận đấu, một sân chơi cho mọi người, mọi giới, mọi ngành nghề”. Nghe vậy, Trung tướng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT cười ngất và khẳng định: “Phạm Lượng nói đúng, đây là cách đi, cách làm thể thao cách mạng đúng hướng. TDTT là để phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân lao động. Hơn thế nữa, bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân viên chức… đều có thể tham gia tập luyện và chơi môn thể thao này.”

Nói ít, làm nhiều, Phạm Lượng bắt tay ngay vào xây dựng phong trào. Với phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, anh hoà đồng và thuyết phục các địa phương rất nhanh. Anh liên tục đi công tác, đi thực tế 3 tháng, 6 tháng để xây dựng phong trào TDTT quần chúng ở Nghệ An, Ninh Bình, Thanh Hoá, Thái Bình, Thái Nguyên… Anh cũng rất chăm chú lắng nghe tiếng nói từ cơ sở. “Làm thế nào để có nhiều người được chơi môn thể thao bóng chuyền?”. Làm sao mà chơi được nếu thiếu cả bóng, cả lưới, chứ còn lúc đó, sân hợp tác xã nào cũng rộng, cũng đủ thoải mái để tập thể thao.

Thế là những người làm bóng chuyền thời kỳ đầu ấy, không chỉ hướng dẫn kỹ thuật, luật lệ thi đấu mà còn kiêm cả việc khai thác cơ sở vật chất để có bóng, có lưới phục vụ người tập luyện. 

Đích thân ông đi đặt làm lưới, làm bóng phục vụ phong trào. Xã Ninh Hiệp ở Gia Lâm ngày ấy “nhẵn mặt” ông bởi cả xã là một công xưởng lớn, chuyên khâu bóng, làm lưới phục vụ phong trào. Hồi ấy, có hàng ngàn quả bóng, hàng vạn chiếc lưới bóng chuyền 8 mắt, 10 mắt, 12 mắt đúng quy chuẩn để phục vụ phong trào TDTT cơ sở đang rất phát triển lúc bấy giờ đã được đưa xuống khắp các địa phương để phát triển phong trào..

Không chỉ mải mê phát triển phong trào, ông còn đam mê nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về bóng chuyền, phục vụ công tác nghiên cứu và huấn luyện tốt hơn. Thời bấy giờ, phương tiện thông tin hiếm hoi, rất “đói” tin tức, thiếu nguồn tài liệu thiết yếu phục vụ công tác huấn luyện. Vì vậy, ông đã chủ động liên hệ với các đồng nghiệp công tác trong ngành TDTT Trung Quốc, Triều Tiên, Liên Xô, Tiệp Khắc… để lấy tài liệu, thông tin về chuyên môn, kỹ thuật huấn luyện tiên tiến nhất của bóng chuyền vào lúc đó.

Song song với việc phát triển phong trào, ông rất chú trọng phát triển lực lượng bóng chuyền thành tích cao, xây dựng đội tuyển bóng chuyền ở các ngành, các bộ, xem đó như nguồn cung cấp chủ lực cho đội tuyển quốc gia. Những “huyền thoại” ngày trước như: đội tuyển bóng chuyền Thể Công, Trường Huấn luyện TDTT Trung ương, Tổng cục Đường sắt, Tổng cục Bưu Điện, Bộ Nông nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Công nghiệp nặng, đội tuyển Đặc khu Vĩnh Linh, Gang thép (Thái Nguyên), Xí nghiệp Than (Quảng Ninh), Công ty Kiến trúc Việt Trì (Phú Thọ), Nông trường Sao Vàng (Thanh Hoá), các đội bóng chuyền Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Bình… cùng hàng trăm đội bóng khác đều có ít nhiều công sức của người trưởng bộ môn bóng chuyền đầu tiên của ngành TDTT đầy tâm huyết này.

Trải qua nhiều chức vụ, từ Trưởng bộ môn bóng chuyền đầu tiên của Uỷ ban TDTT, sau đó được điều động làm Chủ nhiệm Khu tập huấn TDTT Trung ương (Trung tâm HLTTQG Hà Nội ngày nay), rồi trở thành Tổng thư kí đầu tiên của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam khoá 1, dù ở cương vị nào, trong lòng ông Phạm Lượng vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm “Bóng chuyền Việt Nam bao giờ tiến kịp và vượt trình độ bóng chuyền các nước Đông Nam Á, châu Á”.

Bạn bè, các HLV, hàng nghìn VĐV bóng chuyền Việt Nam và tôi, nhớ vị cố Tổng thư kí đầu tiên của bóng chuyền Việt Nam - Phạm Lượng cũng chính bởi những điều giản dị ấy

                                                                  TRƯƠNG XUÂN HÙNG theo Tạp Chí Thể Thao


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều