Tiêu đề của website

KHƯU MỸ MỸ: Người Đánh Nhanh Đầu Tiên

Một ngày xuân năm 1965, nhân dự xem trận đấu bóng rổ nữ giải hạng B miền Bắc tại CLB Ba Đình, ông Phan Thanh Lãng, HLV đội nữ BCVN bỗng thấy một cô gái cao lớn và nhanh nhẹn đang khoác áo đội nữ sinh trường Trung học Trung Hoa, rõ là một nữ cầu thủ có tiềm năng.


-

Một ngày xuân năm 1965, nhân dự xem trận đấu bóng rổ nữ giải hạng B miền Bắc tại CLB Ba Đình, ông Phan Thanh Lãng, HLV đội nữ BCVN bỗng thấy một cô gái cao lớn và nhanh nhẹn đang khoác áo đội nữ sinh trường Trung học Trung Hoa, rõ là một nữ cầu thủ có tiềm năng. Tan trận, ông Lãng đã đến động viên cô gái có khuôn mặt xinh xắn và đang còn mệt nhoài sau trận thắng và hỏi rằng có muốn theo nghiệp BC không. Ngay sau Tết năm ấy, ông Phạm Quang Tuyến-PCT Liên đoàn BCVN đã đến thăm cô gái nhí nhảnh kia tại ngôi nhà số 29 Đường Thành và chẳng bao lâu sau, Khưu Mỹ Mỹ-tên cô gái, chính thức xách va ly lên Nhổn và trở thành thành viên đội BC tại trung tâm huấn luyện miền Bắc. Từ đó, Khưu Mỹ Mỹ (viết đúng phải là Khâu Mỹ Mỹ) bắt đầu cuộc trường chinh ở sự nghiệp BC, lại có cái may mắn ban đầu là được thụ giáo bởi các HLV Phạm Quang Tuyến, Phan Thanh Lãng và Hà Tích Nhung-toàn những người tâm huyết và có trình độ. Lại có những đồng đội trứ danh, lớp trước là Hoàng Kim Liên, Nguyễn Thị Mùi, Đoàn Sơn Lịch, Ngọc Hoa, Hoàng Thị Quế, Nguyễn Lệ Bình...,lớp sau là Phúc, Lợi, Khả, Ngân và tháng 6, chuyến tập huấn quốc tế đầu đời của Khâu Mỹ Mỹ là tại Trường Xuân, Thẩm Dương của Trung Quốc. Cuộc sống sôi nổi và không kém lãng mạn của Khâu Mỹ Mỹ và những cô gái BC đã bắt đầu ngay trên đất bạn…

Người ta nói “nhất nghệ tinh…” là như thế. Ở Thẩm Dương khi ấy, phía bạn cũng có một đội bóng nữ, trong đó có phụ công mang áo số 1 chơi rất linh hoạt, nhất là các quả đánh nhanh-khi đó với BCVN còn đang là thứ xa xỉ, chưa ai biết thực hiện. Mỹ Mỹ chăm chú quan sát và háo hức lắm, cô quyết định học theo kiểu này và được sự ủng hộ của Ban huấn luyện, nhất là ông thày người Trung Quốc Lý Tôn Dung, nữ cầu thủ có tố chất điền kinh và bóng rổ ấy đã gặp thuận lợi với món “võ” mới mẻ này. Và thế là ĐTVN khi đó đã nhanh chóng hình thành đội hình thi đấu theo sơ đồ 2-4 với tay chuyền hai Lệ Bình, Kim Quế, hai chủ công Hoàng Kim Liên - Nguyễn Thị Mùi và 2 phụ công Khưu Mỹ Mỹ - Nguyễn Thị Hoa. Sơ đồ ấy đã đồng hành cùng BCVN đến những năm cuối của thế kỷ 20 trước khi chuyển qua sơ đồ 1-5, chỉ có 1 tay chuyền hai. Bằng sơ đồ này, đội nữ Việt Nam khi đó ổn định dần lối chơi, sau một chuyến tập huấn khác tại Bắc Kinh vào mùa hè năm 1966 và đến tháng 12, đội nữ BCVN cùng đoàn TTVN lên đường tham dự Tiểu Ganefo châu Á, tổ chức tại thủ đô Ph’nom pênh, Campuchia và đó là một cuộc chơi rất nhiều ý nghĩa đối với nền TDTT của miền Bắc XHCN trong cuộc thi đua và với chủ đề “ai thắng ai” trên mặt trận văn hóa thể thao nhiều ý nghĩa này.

Ngày ấy, thể thao châu Á đang hình thành một “bản đồ” với sự thống trị của mấy nền thể thao mạnh nhất là Trung Quốc,Triều Tiên, Nhật Bản, Tây Á và Hàn Quốc chưa có vị trí cao, các nước Đông Nam á như Thái Lan, Indonesia, Myanmar…đều thua xa so với chúng ta, riêng Campuchia được Quốc trưởng Norodom Xihanuc hết sức chăm sóc và có sức mạnh đáng kể và vì thế, Campuchia là đối thủ số 1 của TTVN. Sau khi điền kinh về thứ 3 và lấy HCĐ, bắn súng cũng na ná, là đến sân chơi BC nữ, trận tranh HCĐ đã diễn ra giữa 2 đối thủ nặng kí Việt Nam-Campuchia với sự hiện diện của Quốc trưởng Norodom Xihanuc và đặc biệt có các nhà lãnh đạo của miền Bắc và mặt trận DTGP miền Nam như các đồng chí Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Hiếu và Trần Bửu Kiếm. ĐTVN đã thua 2 đối thủ mạnh nhất là Trung Quốc và Triều Tiên, đều ở tỷ số 0-3 và bây giờ là trận quyết định. Bạn có chủ công sừng sỏ Sisarat (8) cao 1m83 và lực đánh rất ghê gớm, còn chúng ta, cặp chủ công Mùi-Liên cộng lại là xấp xỉ Sisarat, vậy ăn điểm bằng cách nào bây giờ, đó là suy nghĩ của cả đội cũng như BHL. Cuộc đấu vô cùng căng thẳng, bạn dẫn 2 hiệp và khán giả vỗ tay rất ghê. Vậy mà chính ở thời điểm ấy, phẩm chất tốt đẹp nhất của những cô gái Việt Nam như trỗi dậy, toàn đội lấy hết sức mạnh và nghị lực vào từng đường bóng rồi Mùi, Liên và Mỹ Mỹ, chao ơi phải đến lúc này, món võ mới của ĐTVN đã phát huy tác dụng, ít ai biết rằng tay đánh nhanh mang áo số 6 của đội Việt Nam mới 17 tuổi đã lên tuyển và vào cuộc cùng các liền chị tên tuổi, bỗng vụt lên với những quả nhanh ở phía sau chủ công Mùi lao vào đánh quả giả chồng, đến pha bóng sau lại chuyển thành lao ngắn và cứ thế, những cô gái Việt Nam đã lấy lại 2 hiệp sau, để đến hiệp quyết thắng và sân đấu hôm ấy như vỡ ra vì tiếng reo của những khán giả Việt Nam vào thời điểm Khưu Mỹ Mỹ (6) kết thúc quả đánh nhanh và ấn định chiến thắng 16-14, đem tấm HCĐ quý giá về. Bước ra sân bắt tay chúc mừng ĐTVN có các ông Trần Bửu Kiếm và Nguyễn Văn Hiếu, các cô gái Việt Nam mừng đến ứa nước mắt vì hạnh phúc…

Khâu Mỹ Mỹ là cầu thủ có thể hình đẹp. Lúc nhỏ chơi bóng rổ và điền kinh, chị đã làm quen với kỹ thuật chạy tốc độ và bật nhảy cho nên khi bước vào sân chơi bóng chuyền, những kỹ năng ấy đã giúp chị thành công rất nhanh chóng. Chị vụt chạy đà ở cự ly ngắn từ số 4 vào chân số 3 và bật nhảy đánh quả nhanh, hoặc giả từ số 2 ngược trở lại để nhảy lên xử lý trái bóng từ đôi tay chuyền hai rất điệu nghệ của Nguyễn Lệ Bình – tay chuyền hai cự phách một thời, đều hoàn hảo và nhanh gọn, hiệu quả. Ngày nay, những vũ khí loại này xem ra đã không còn lạ lẫm nhưng vào thời điểm 4 thập kỷ trước đây, những kỹ thuật ấy đã làm sang cho BCVN và giúp chúng ta có được vị thế xứng đáng trong đấu trường quốc tế.

Khưu Mỹ Mỹ là cầu thủ nhận được nhiều ưu ái của đồng nghiệp các thế hệ. Tôi từng nghe chuyền hai Lệ Bình ngợi khen tư cách và các kỹ năng đánh bóng của tay đánh nhanh cừ khôi này. Tôi cũng trao đổi về BC với ông Quản Trọng Hải, một cựu danh thủ và là một trong những HLV của Khâu Mỹ Mỹ. Quái kiệt Hải “quắp” cho biết ông đánh giá cao cô trò họ Khâu – “nó bật nhanh và ra tay nhanh đấy cậu ạ, chắc gì lũ trẻ bây giờ nhanh nhẹn hơn ”. Mới đây trong một lần dự xem vòng II giải VĐQG 2010, chị Nguyễn Thị Hiền, cựu tuyển thủ và cựu HLV ĐTVN tại SEA Games 21 đã tâm sự với tôi về cựu danh thủ này: “Tôi là vận động viên thuộc thế hệ đàn em của chị Mỹ. Trong mắt tôi, chị là cầu thủ giỏi, thi đấu trên sân rất năng động và vui vẻ, luôn động viên mọi người ngay ở những thời điểm khó khăn. Khi là HLV, chị Mỹ lại là người thày dễ gần gũi với học trò và chính phẩm chất này là điều tôi rất khâm phục. Khi còn là HLV, tôi xác định hãy học tập những gì thấy được ở chị cũng như ở các HLV khác…”

Khưu Mỹ Mỹ là cầu thủ BC có “tuổi thọ” thi đấu rất cao: chị ra sân đến năm 42 tuổi mới nghỉ và làm công tác huấn luyện. Sau khi đi tập huấn dài ngày ở Thượng Hải vào năm 1967, đến khi Trường huấn luyện giải tán, Mỹ Mỹ về đánh cho Dược phẩm TWI và lập nhiều công lao. Chị cùng các đồng đội Thủy, Dần, Mai, Lợi…đã giành nhiều trận thắng vang dội trước những đối thủ sừng sỏ đặc biệt là Bộ TLTT, năm 1977 chị được cử đi học TDTT tại Trường Từ Sơn và 4 năm sau lại trở về đội nhà, vừa thi đấu vừa là HLV. Chị đã có một gia đình hạnh phúc, ông xã Trịnh Xuân Tư cũng là một danh thủ lừng danh của BCVN. Họ quen nhau từ những lần tay đánh có biệt danh Tư “sông Hồng” được gọi lên tập huấn và đi thi đấu đội tuyển quốc gia. Tư “sông Hồng” chơi bóng chuyền và tham gia đội tuyển rất sớm, cùng lứa các danh thủ Phạm Quang Tuyến, Đặng Ngọc Lễ, Quản Trọng Hải, Nguyễn Thanh Thưởng, Bùi Huy Giang, Nguyễn Năng Sơn…trong số đó, Tư “sông Hồng” có những phẩm chất đặc biệt, nhất là sức bật đến mức khó tin. Gia đình ông bà Tư Mỹ có 3 cháu trai và một trong số này yêu mến và muốn theo đuổi sự nghiệp cuả cha mẹ…

Mùa Thu năm nay, trong những ngày Hà Nội tưng bừng lễ hội ngàn năm, tôi may mắn gặp lại bà Mỹ và gia đình. Họ là niềm tự hào của đại gia đình BCVN, là tấm gương phụ nữ Việt Nam giàu tài năng và nhiều tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

                                                                                    Nguyễn Lưu theo tạp chí thể thao                                                                                                                

 

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều