Tiêu đề của website

Cú đập như búa máy

“Nói đến Bùi Thị Huệ là nhắc tới một chủ công toàn diện với biệt danh cú đập như búa máy”, HLV Vital Thái Bình (V.TB), Thái Thanh Tùng không giấu được niềm tự hào khi nhận xét về cô học trò của mình.


 

“Nói đến Bùi Thị Huệ là nhắc tới một chủ công toàn diện với biệt danh cú đập như búa máy”, HLV Vital Thái Bình (V.TB), Thái Thanh Tùng không giấu được niềm tự hào khi nhận xét về cô học trò của mình.

“Búa máy”

Huệ cười vang khi được hỏi vì sao lại được tặng cho biệt danh này. Không từ chối, cũng chẳng thừa nhận, và kiên quyết không đính chính biệt danh đích thực của mình là gì, cô gái quê lúa chối đây đẩy: “Thấy được gọi vậy cũng chẳng để ý nên riết thành quen!”.

Chỉ cao 1m74, không phải chiều cao lý tưởng đối với một chủ công, nhưng Huệ lại là một trong những tay đập hiếm hoi có những cú đập uy lực “bung tay chắn” của đối phương, cũng như “phòng ngự siêu hạng” trên lưới. Biết chiều cao của mình có phần khiêm tốn, Huệ dành không ít thời gian cho những buổi tập thể lực riêng. Nhờ đó, sức bật của chị đưa bàn tay tới 2m95, làm tiền đề cho những cú đập trên chắn, cắm vạch 3m, và cũng từ đó biệt danh “búa máy” gắn liền với Bùi Thị Huệ.

“Huệ là một chủ công toàn diện: đập uy lực, chắn bóng trên lưới chắc chắn, có cú nhảy phát bóng hiệu quả hay khả năng tấn công từ hàng sau đạt hiệu suất cao”, HLV Thái Thanh Tùng phân tích. “Quả thật, nếu so sánh với các chủ công trong khu vực, Huệ chẳng kém VĐV nào, kể cả VĐV Thái Lan. Dù vậy, Huệ vẫn cần tập luyện thêm để khắc phục hạn chế... tham sức mạnh, tầm bóng chưa cao. Giá như, Huệ có thể kết hợp sức mạnh tự nhiên của mình với sự khéo léo trong một vài pha xử lý bóng trên lưới, hiệu suất ghi điểm của em sẽ còn cao hơn nhiều”.

 

 

Bùi Thị Huệ sinh ngày 27.2.1985; cao 1m74, nặng 70 kg, bắt đầu tập bóng chuyền năm 1997, chính thức lên đội 1 năm 2001, cùng năm được triệu tập vào ĐTQG, lần đầu tiên đeo băng đội trưởng, giúp V.TB lập cú hat-trick vô địch năm 2007, 4 lần á quân SEA Games 21, 22, 23, 24. Sở thích: đọc báo, xem phim tâm lý xã hội. Nghe nhạc: Cẩm Ly và Mỹ Tâm. Màu sắc yêu thích: đen và trắng.

 
Có thể vậy, bởi chính Huệ cũng thừa nhận “mình vẫn còn nhiều hạn chế”. Số 14 Việt Nam tâm sự rằng cô thích lối chơi của số 14 Thái Lan (Tatchiree), bởi khả năng phân phối sức mạnh và những quả đập uy lực nhưng “né” tay chắn rất hiệu quả. Dẫu sao, ở V.TB hay ĐTQG hiện tại, Bùi Thị Huệ vẫn đang khẳng định mình như một chủ công không thể thiếu. Chính nhờ những cú đập “búa máy” của “Huệ Thái Bình”, lần đầu tiên sau 30 năm chờ đợi, đội bóng chuyền “quê lúa 5 tấn” giành một cú hat-trick vô địch trong năm 2007, trong đó có chiến thắng nghẹt thở 3-2 trước Bình Điền Long An ở VTV Cup. Đó cũng là lần đầu tiên Huệ được tín nhiệm đeo băng đội trưởng.

 

Tập bóng chuyền, thi đấu điền kinh

“Huệ có tố chất thể thao rất rõ rệt”, HLV Thanh Tùng nhận xét. “Khi tôi về nắm đội, Huệ đã tập bóng chuyền ở Trung tâm TDTT của tỉnh, nhưng vẫn thi đấu điền kinh cho trường ở các giải tỉnh, giải trẻ và Hội khỏe Phù Đổng. Tôi nghe kể rằng, nếu không vì bóng chuyền là môn truyền thống của tỉnh, đã “nhấc” Huệ sang điền kinh. Ai đời, chơi nghiệp dư vậy mà giành tới 12 HCV, 1 HCB trong 3 năm thi đấu điền kinh; trong đó có tới 5 HC tại Hội khỏe Phù Đổng”.

Bùi Thị Huệ cười khúc khích khi nghe thuật lại những lời nhận xét của thầy. Huệ kể: “Hồi đó, em vẫn vừa đi học vừa tập bóng. Đến lúc có giải điền kinh, em xung phong đi thi cho trường (Lê Hồng Phong). Lúc được trao huy chương, thích thì có thích đấy, nhưng mà em vẫn “máu” bóng chuyền hơn điền kinh. Vì vậy, khi đó HLV điền kinh Bùi Trọng Thức ướm hỏi chuyển sang tập điền kinh (nhảy cao và chạy cự ly ngắn), nhưng mà em vẫn quyết ở lại”.

“Nhà em chẳng có ai chơi thể thao. Lúc đó, 12 tuổi, một lần bố em thấy trên truyền hình đăng thông báo tuyển sinh lớp bóng chuyền năng khiếu ở Trung tâm TDTT. Bố em hỏi có thích đi tuyển không, em chỉ nghĩ đơn giản mình lộc ngộc thế (cao 1m63), đi tập có khi không cao nữa, nên xin bố cho đi. Cả nhà em mọi người đều có chiều cao bình thường, mỗi mình em lều nghều, đôi khi cũng... Chắc là em theo gien trội của bên nhà ngoại (có nhiều người cao trên 1m7), chứ bên nhà nội em mọi người cũng chỉ cao bình thường thôi”.

“Bắt đầu tập từ năm 1997, đến năm 2000 thì em được vào đội chính. Lúc đó, được lên đội 1 thì thích lắm. Lúc bọn em tập ở đội trẻ, đều ngầm cạnh tranh xem đứa nào được lên đội chính đầu tiên, nên tập hăng lắm. Sau này (16 tuổi), lên đội tuyển quốc gia cũng thế! Lúc chưa lên thì háo hức lắm, vừa tò mò vừa hồi hộp; lúc lên rồi, cũng bình thường (cười). Bởi vì lên rồi mới biết các chị lớn ở đội ngày xưa cũng như mình, cũng tâm trạng, cũng ngô ngố”. 

Sau SEA Games sinh em bé

“Em mới lập gia đình được 5 tháng”, Huệ hồn nhiên khoe khi được hỏi về chuyện đời tư. “Chồng em cũng dân bóng chuyền, cũng người Thái Bình, cũng chơi chủ công, mỗi tội là thi đấu ở tỉnh khác (CA Vĩnh Phúc). Chúng em dự định sau SEA Games mới có kế hoạch sinh em bé và xây nhà ở thành phố (Thái Bình). Vì hiện tại, tiếng là vợ chồng nhưng mỗi đứa mỗi nơi. Nhiều lúc em buồn lắm, vì... chẳng có cơ hội cãi nhau, như những gia đình khác”.

Huệ dũng mãnh trên lưới là vậy, nhưng thật hồn nhiên, tươi trẻ khi kể chuyện cuộc sống ngoài bóng chuyền của mình. Nào là thích tất cả những gì liên quan tới con số 14, bởi 14 tuổi bắt đầu “mon men” lên đội 1 chơi bóng. Đến cả nơi hẹn chồng tương lai ra tâm sự ở trên Nhổn (Trung tâm HLTT QG 1) cũng phải là cây dừa số 14, chỉ tiếc “bây giờ người ta bứng cây dừa đi, và thay thế bằng cây lộc vừng rồi”. Đúng là, chuyện tình của dân chơi thể thao, kéo dài tới cả thập kỷ, mà thời gian thực tế ở bên nhau chỉ chưa đầy năm.

“Em quen Giáp (tên chồng của Bùi Thị Huệ) từ năm 1999”, Huệ nhớ lại. “Lúc đó, ở đội trẻ, em chơi thân với một bạn gái. Hai đứa cứ hay về nhà nhau chơi. Anh Giáp khi đó cũng tập bóng chuyền, thích em, nhưng cũng không dám nói gì, mà chỉ nhờ em gái trông bạn, giữ hộ anh. Mãi đến năm 2003, khi đó bọn em đều tập trung ở Nhổn, anh ấy mới chính thức đặt vấn đề. 6 năm yêu nhau, nhưng mà có mấy khi bọn em bên nhau đâu. Nhiều lúc cũng sợ mất anh ấy chứ, vì anh nhà em đẹp trai mà (cười vang)”.

Huệ hôm nay không chỉ mang trên mình trách nhiệm đội trưởng của V.TB, mà cao cả hơn là trách nhiệm của một người vợ đang tỉ mẩn lập kế hoạch xây dựng tổ ấm gia đình, sau bao tháng ngày cống hiến cho thể thao. Bóng chuyền cũng góp phần “se duyên vợ chồng” cho cô gái ấy. Bởi vậy, Huệ tâm nguyện, tất cả sẽ bắt đầu “từ sau SEA Games”!

Thành Lương


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Bài viết cùng chuyên mục
Nội dung đang được cập nhật.
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều