Tiêu đề của website

Tìm một lối đi

Tranh cãi quanh câu chuyện của chủ công Từ Thanh Thuận với bóng chuyền Vĩnh Long rốt cuộc cũng đã vãn hồi khi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) vào cuộc giải vây cho VĐV. Lần đầu tiên, VFV thể hiện được vai trò của tổ chức quản lý và cái cách mà ông tổng thư ký Lê Trí Trường vừa “ra tay” hứa hẹn mở ra một chương phát triển mới cho bóng chuyền nước nhà, mà tính chuyên nghiệp là cái đích cần phải hướng đến.


Tranh cãi quanh câu chuyện của chủ công Từ Thanh Thuận với bóng chuyền Vĩnh Long rốt cuộc cũng đã vãn hồi khi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) vào cuộc giải vây cho VĐV. Lần đầu tiên, VFV thể hiện được vai trò của tổ chức quản lý và cái cách mà ông tổng thư ký Lê Trí Trường vừa “ra tay” hứa hẹn mở ra một chương phát triển mới cho bóng chuyền nước nhà, mà tính chuyên nghiệp là cái đích cần phải hướng đến.

TTK Lê Trí Trường ghi điểm tuyệt đối sau vụ giải vây cho chủ công Từ Thanh Thuận.

Rõ ràng, VFV đã “ghi bàn” trong mắt của cả giới làm nghề lẫn giới truyền thông, bởi nhiệm kỳ trước dù vẫn nắm giữ toàn quyền nhưng nhà quản lý gần như không dám đứng ra bảo vệ quyền lợi cho VĐV khi họ rơi vào hoàn cảnh “đi cũng dở, ở không xong”. Có thể kể ra 2 trường hợp gây tranh cãi điển hình của các chủ công Nguyễn Hữu Hà và Nguyễn Văn Hạnh với đội bóng cũ Tràng An Ninh Bình. Họ gần như phải tự giải quyết mọi việc, thậm chí đến mức nhờ vào cả luật sư và giới truyền thông mới tháo gỡ được phần nào khó khăn. Đến được với đội bóng mới, họ cũng đã… bầm dập.

Thế cho nên, ngay cả khi có đến 4 đội bóng mới tuyên bố giải thể (nam Đức Long Gia Lai, 3 đội nữ Cao su Bình Phước, Hòa Phát Hưng Yên và Phòng không Không quân), dư luận vẫn tin rằng bóng chuyền đang thực sự bước vào giai đoạn quy hoạch lại, để chuyên nghiệp và bền vững hơn. Khi VĐV - chủ thể của môn chơi giàu tính tập thể này - được quan tâm và bảo vệ, đương nhiên các đội bóng sẽ nghiêm túc với chính cuộc chơi của mình. Đấy chính là cơ sở để tạo nên một môi trường bóng chuyền chuyên nghiệp.

Lâu nay, đến khi xảy ra rắc rối, VFV mới biết nhưng không giúp được gì nhiều cho VĐV và đội bóng. Vốn dĩ, tổ chức này vừa được xem như cơ quan đầu não của bóng chuyền, vừa giống như một “trọng tài” sẵn sàng đứng ra phân xử tranh cãi dựa theo quy chế và nguyên tắc hoạt động do chính họ đặt ra. Tuy nhiên, vai trò đó khá mờ nhạt trong suốt nhiệm kỳ cũ, chủ yếu vì nhiều nhà chuyên môn tâm huyết bị cắt mất quyền tham vấn, chỉ được “ngồi chơi xơi nước” và nhìn một vài cá nhân kiểm soát hoạt động của liên đoàn.

Giờ đây, khi VFV đã khoác lên mình bộ cánh mới, tìm được vị tổng thư ký làm việc toàn thời gian (thay vì kiêm nhiệm như trước), nhiều khả năng các hoạt động sẽ được chăm chút hơn. Tất nhiên, đây giống như một giai đoạn “thử việc” đối với vị trí điều hành chính VFV, chưa thể khẳng định mọi thứ sẽ trôi đi suôn sẻ và bóng chuyền đã chính thức rẽ sang một hướng mới tốt đẹp hơn.

Thời gian là câu trả lời chính xác nhất. Vì vậy, sau tín hiệu khả quan từ VFV, giới mộ điệu hy vọng bóng chuyền sẽ bắt đầu thay đổi, từ cách nghĩ cho đến cách làm và quan trọng hơn là cách tạo dựng niềm tin đối với các đội bóng, HLV, VĐV và những ai thực sự quan tâm đến môn chơi này. Chuyện này khó nhưng không phải không làm được, vấn đề là VFV có chịu “mở lòng” đón nhận những góp ý chân tình và mang tính xây dựng từ nhiều phía hay không mà thôi.

So với bóng đá, bóng chuyền còn phải học hỏi nhiều. Nhưng rút tỉa những điểm mạnh, điều tốt để phục vụ sự nghiệp phát triển của mình chứ không phải vận dụng đúng theo mô hình mà bóng đá đang làm, bởi lẽ “môn thể thao vua” đôi khi cũng loay hoay mà vẫn chưa tìm được lời giải cho bài toán tiến lên chuyên nghiệp.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin
Từ Thanh Thuận

Từ Thanh Thuận

Ngày sinh: 15/07/1992
Quê quán: Tiền Giang
CLB: Sanest Khánh Hòa
Vị trí: chủ công, đối chuyền
Số áo: 14
Tiêu điểm
Xem nhiều