Tiêu đề của website

Bóng chuyền Việt Nam loay hoay tìm hướng đào tạo chuẩn

Nhiều vận động viên (VĐV) bóng chuyền Việt Nam khi được gọi lên đội tuyển vẫn phải chỉnh sửa kỹ thuật, trong khi thể lực thì yếu. Về phía các huấn luyện viên (HLV) thì trình độ có hạn, ngay cả với các HLV đội tuyển quốc gia cũng vậy, thậm chí có người không nắm vững cả lý thuyết về thể lực, các chiến thuật thi đấu để truyền dạy học trò.


Bóng chuyền Việt Nam mong muốn vươn tới các thành tích cao nhưng vẫn "lực bất tòng tâm".

Việc tìm một HLV để đưa đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài cũng khó bởi lại gặp vấn đề... yếu ngoại ngữ. Chu trình huấn luyện VĐV bóng chuyền chuẩn, bắt kịp xu thế thi đấu hiện đại đang là vấn đề nổi cộm của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam.

Điểm lưu ý nhất và được nhiều HLV, các nhà đào tạo thể chất về bóng chuyền cùng lãnh đạo Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và Bộ môn bóng chuyền (Tổng cục Thể dục - Thể thao) thường xuyên đề cập là phải xây dựng được một chương trình đào tạo chuẩn. Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, đồng thời là Phó Tổng cục trưởng Thể dục -Thể thao Trần Đức Phấn cho biết: “Thực tế, từ trước đến nay, bóng chuyền Việt Nam trong mỗi câu lạc bộ và cả đội tuyển đều chỉ vận dụng kinh nghiệm của các huấn luyện viên để hướng dẫn cầu thủ bởi chúng ta chưa có một chuẩn chương trình đào tạo cụ thể. Sớm xây dựng một chuẩn chương trình là cần thiết, vì phải có chương trình đào tạo cụ thể, qua đó phổ cập đến các đội bóng, làm cơ sở cho công tác đào tạo vận động viên, mới nâng cao chất lượng nói chung được”. Nhiều nhà chuyên môn bóng chuyền có uy tín như: Nguyễn Xuân Dung, Trần Văn Thư, Lương Khương Thượng... cùng quan điểm với ông Phấn, tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đến từ những chuyên gia am hiểu về môn bóng chuyền nêu trên đều là những người thuộc lớp đi trước, đã lớn tuổi và trưởng thành từ trải nghiệm thực tế, ít có ý kiến đến từ các HLV trẻ. Theo ông Đinh Văn Lẫm, nguyên Trưởng bộ môn bóng chuyền thuộc Trường đại học Thể dục thể Thao Từ Sơn (Bắc Ninh), nhìn vào thực tế thì khó khăn trong việc thực hiện một chương trình đào tạo chuẩn lại “nằm ở cơ chế và tài chính”. Ông cho rằng: “Chỉ khi có tài chính thật ổn định và dài hơi thì các câu lạc bộ mới thực hiện được các chương trình đào tạo. Nếu mỗi đội bóng ở các câu lạc bộ luôn thấp thỏm về nguồn tài chính thì ai cũng chỉ đặt mục tiêu giành thành tích cao nhất trước đã chứ chưa vội tính lâu dài về công tác đào tạo”. Điều này có thể thấy qua các giai đoạn trước đây, khi nhiều đội bóng chuyền đã phải giải thể do doanh nghiệp kết thúc đầu tư như các đội nữ: Dệt Nam Định, Bưu điện Hà Nội, Vietso Petro, Hòa Phát Hưng Yên, Tập đoàn Cao-su Việt Nam, Xây lắp Dầu khí Thái Bình Dương và các đội nam: Tập đoàn Dầu khí, Đức Long Gia Lai...

Một đội bóng chuyền mạnh và tự tin trước hết phải thể hiện ở việc bảo đảm đủ tuyến VĐV trẻ lẫn đội hình tuyến một dạn dày kinh nghiệm và kỹ, chiến thuật. Những đội bóng này không những có thể đạt thành tích cao, không thể tụt hạng và luôn luôn đóng góp các tuyển thủ cho đội tuyển quốc gia. Mặt khác, bóng chuyền Việt Nam cũng không nên chỉ hướng vào trong nước, cần phải thường xuyên được tiếp sức từ những nền bóng chuyền phát triển ở các nước, thông qua lực lượng VĐV nước ngoài đến thi đấu cho các câu lạc bộ. Doanh nhân Đào Hữu Huyền (hiện đang đầu tư vào đội nữ Hóa chất Đức Giang Hà Nội) đã có ý kiến rất thiết thực khi cho rằng: Muốn nâng cao chất lượng giải vô địch bóng chuyền quốc gia và trình độ các đội bóng, cần phải cho phép các cầu thủ nước ngoài trở lại thi đấu. Trước đó, từ năm 2013, với quan điểm khuyến khích và bảo đảm nâng cao trình độ cho VĐV trong nước và tránh việc các đội chỉ tập trung vào thành tích, tìm cách thuê VĐV nước ngoài, bỏ bê việc đào tạo trẻ, Liên đoàn bóng chuyền đã cấm thuê cầu thủ ngoại. Sau ba năm thực hiện quy định này, về tổng thể, chất lượng chuyên môn giải vô địch quốc gia không cao và được phản ánh từ thực tế là thiếu vắng khán giả đến xem, cổ vũ.

Từ câu chuyện đi tìm một chương trình chuẩn trong đào tạo, sẽ thấy những mối liên quan trực tiếp đến quy chế tập trung đào tạo với đội tuyển quốc gia, nâng cao chuyên môn giải thi đấu trong nước và cả việc liệu có nên cắt giảm số lượng đội dự giải vô địch quốc gia hay không, bên cạnh công tác đào tạo HLV trẻ. Đó là những vấn đề mà bóng chuyền Việt Nam cần tập trung giải quyết để có thể mở rộng và phát triển một cách bền vững, hiệu quả, vươn tới những thành tích đỉnh cao.

 


Tác giả:BÍCH DIỆPNguồn: Nhân Dân
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều