Tiêu đề của website

Thay đổi thể thức thi đấu để giải bóng chuyền VĐQG 2017 hấp dẫn

TTK Lê Trí Trường từng khẳng định: “Muốn rút ngắn số lượng đội bóng nam và nữ dự giải VĐQG xuống 8 hay 10 thì cần tìm ra lý do thuyết phục, không thể cứ nói là được. VFV sẽ lắng nghe những chia sẻ từ những người làm bóng chuyền lâu năm. Một mình tôi thì không thể làm được, vì đây là cuộc chơi mang tính tập thể, rất cần sự đoàn kết và đồng lòng từ nhiều phía.”. Thật vậy, sau cuộc hội thảo cách đây không lâu, giải bóng chuyền VĐQG sẽ thống nhất rút ngắn xuống còn 8 đội theo lộ trình từ nay đến năm 2020. Ở thời điểm hiện tại, số lượng các đội bóng chuyền nữ ngày càng giảm, chuyên môn giữa các đội lại có sự chênh lệch khá lớn, chính vì vậy phương án chỉ có 1 đội bóng lên hạng và 2 đội bóng xuống hạng là hợp lý nhằm đảm bảo chất lượng tại sân chơi cao nhất của bóng chuyền Việt Nam.


Song song với việc giảm số lượng các đội bóng tham dự sân chơi cao nhất của bóng chuyền Việt Nam thì một trong những vẫn đề quan tâm của các đội bóng là thể thức thi đấu của bóng chuyền Việt Nam đã quá lỗi thời. Từ giải trẻ cho đến các giải đấu cao nhất thường bỏ qua vòng đấu tứ kết, ở giải đấu của cấp độ trẻ lại thường mang tính chất may rủi phụ thuộc vào bốc thăm chia bảng.

Các đội bóng rất muốn khán giả tới sân đông như Cúp Hùng Vương 2016 

“Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đang tính toán để xây dựng lại thể thức thi đấu và thời gian thi đấu cho hợp lý từ giải VĐQG cho tới các giải đấu ở cấp độ trẻ. Nếu chỉ chia bảng như hiện nay, có những đội bóng trong vài năm cũng không gặp nhau lần nào. Bóng chuyền Việt Nam còn nghèo, kinh phí các đội bóng còn hạn hẹp do vậy chúng ta không thể chơi theo dạng League như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… đang áp dụng. Thế nhưng không vì vậy mà chúng ta không thể có một giải VĐQG với thể thức thi đấu hấp dẫn. Chẳng hạn sau mỗi vòng đấu chúng ta có thể chia lại bảng dựa vào thành tích các đội tại vòng đấu trước đó. Các đội bóng tầm trung, nhóm dưới cũng phải có thể thức thi đấu hấp dẫn hơn nhằm tăng tính cạnh tranh…” TTK Lê Trí Trường cho biết thêm.

Với chuyên gia Nguyễn Thúy Oanh, người có thâm niên nhiều năm trong công tác đào tạo trẻ cũng như đảm nhận các vị trí khác nhau của ĐTQG cũng đưa ra những góp ý: “Một giải đấu VĐQG hấp dẫn ngoài yếu tố chất lượng các đội bóng thì thể thức thi đấu đóng vai trò quan trọng. Thể thức thi đấu như hiện tại của chúng ta là không còn phù hợp. Ở các giải trẻ, việc không có hạt giống, kết quả phụ thuộc vào bốc thăm chia bảng là quá may rủi. Ở các giải châu Á họ có thêm một vòng đấu loại thứ hai rồi tứ kết dành cho top 8. Bóng chuyền Việt Nam cũng nên áp dụng như vậy để đảm bảo tính công bằng. Đặc biệt với các đội bóng có trình độ tương đương.”

Thật vậy, một thực trạng của BCVN hiện nay như chưa có biện pháp giải quyết triệt để đó là việc xuất hiện các trận đấu xin cho. Cuộc cạnh tranh chỉ nằm ở top đầu hoặc nhóm dưới, các đội bóng trụ hạng ở nhóm giữa gần như thiếu mục tiêu hoặc tính cạnh tranh. Bóng chuyền Việt Nam trong giai đoạn cuối năm 2016 đã bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc khi đã có nhiều hơn các doanh nghiệp quay trở lại với bóng chuyền. Đây là cơ hội cũng như thách thức với những nhà quản lý phải làm sao có một giải VĐQG có thể thức thi đấu công bằng, nhiều cạnh tranh và hấp dẫn.

Dù mới nhận vai trò TTK, nhưng ông Lê Trí Trường cũng đã nhận thấy những bất cập trong hoạt động của môn thể thao chỉ đứng sau bóng đá về số lượng người hâm mộ trên cả nước. Trước thời điểm Đại hội nhiệm kỳ mới (2015-2020), giới làm nghề đã rất trông đợi vào cuộc cải tổ thực sự, kể cả ở thượng tầng quản lý (tức VFV) lẫn hạ tầng (là các tỉnh, thành, ngành và doanh nghiệp tham gia đầu tư cho bóng chuyền). Trong đó, VFV phải thể hiện được vai trò “thủ lĩnh”, thay vì chịu cảnh bị động hoặc chạy đằng sau sự vụ như trước đây.


Tác giả:Hà HưngNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều