Tiêu đề của website

Vì sao họ từ chối làm chủ tịch VFV?

Sự lo ngại về cơ chế của thể thao VN khiến mình bị “trói tay” là lý do quan trọng khiến các doanh nhân lắc đầu với lời mời ngồi ghế chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền VN (VFV)...


Sự lo ngại về cơ chế của thể thao VN khiến mình bị “trói tay” là lý do quan trọng khiến các doanh nhân lắc đầu với lời mời ngồi ghế chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền VN (VFV)...

Dù là môn thu hút khán giả, nhưng cơ chế nửa vời của ngành thể thao khiến bóng chuyền VN thiếu đi sự đột phá trong phát triển - Ảnh: T.P.

Hai doanh nhân được mời vào ghế chủ tịch VFV giải thích lý do họ từ chối.

“Từ chối cho đỡ mang tiếng”

Đó là chia sẻ của ông Lê Quốc Phong, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, với Tuổi Trẻ ngày 31-7 xung quanh việc ông từ chối ra ứng cử chủ tịch VFV.

Ông Phong nói: “Được mời ra ứng cử chủ tịch VFV hai nhiệm kỳ liên tiếp gần đây nhưng tôi đều không đồng ý. Lý do khiến tôi từ chối bởi tôi là người đã không làm thì thôi, khi làm cái gì phải làm tới cùng. Trong bối cảnh với cơ chế của nền thể thao VN hiện nay, muốn làm tới cùng để đem lại hiệu quả tốt cho lĩnh vực nào đó không phải chuyện đơn giản. Chẳng hạn về công tác đào tạo trẻ của bóng chuyền VN hiện nay, nói chính xác chỉ có ba trong tổng số vài chục CLB có công tác đào tạo trẻ tốt là VTV Bình Điền Long An, NHCT và LienVietPostBank. Các CLB khác gần như chỉ gom nhặt, vay mượn cầu thủ hết chỗ nọ đến chỗ kia. Một số địa phương như Q.Tân Bình (TP.HCM) cũng có đào tạo trẻ nhưng cách đào tạo chưa tới. Nếu đã làm chủ tịch VFV thì phải làm quyết liệt nhằm tạo ra sự thay đổi đột biến cho bóng chuyền VN, nhưng để làm được rất khó. Nếu làm chẳng tạo ra cái gì đột biến, thay đổi tích cực cho bóng chuyền VN, tốt nhất tôi từ chối cho đỡ mang tiếng. Hơn nữa, tôi cũng có nhiều việc khác phải làm nên không có nhiều thời gian tập trung điều hành công việc của VFV nếu đứng ra làm chủ tịch”.

Ông Lê Quốc Phong - Tổng giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền.

* Là chủ một doanh nghiệp có tiếng, điều hành trơn tru CLB bóng chuyền Bình Điền Long An rất mạnh, thế nhưng khi được giới thiệu ra làm chủ tịch VFV, tại sao ông lại cho rằng không thể làm tốt?

- Điều đầu tiên là cách tổ chức. Cách tổ chức của tôi là bất kỳ ai không phải người của công ty tôi nhưng nếu họ có trình độ, tôi sẵn sàng mời, thuê họ cùng với tôi để phát triển CLB. Còn cách của VFV hiện nay, điều đầu tiên là họ phải lấy người của VFV để làm vì họ có người, lấy người khác vào làm không được vì những người trong liên đoàn sẽ có ý kiến ngay. Về kinh phí, ví dụ trong trường hợp lễ khai mạc giải đấu do tôi tổ chức dù đã được chuẩn bị nhưng khi chương trình chạy chưa tới, chúng tôi sẵn sàng tăng kinh phí để làm tốt nhất có thể. Thế nhưng với liên đoàn thì họ không rót thêm kinh phí để làm tốt hơn, hoặc có kinh phí họ cũng không đề xuất.

* Theo ông, cơ chế nào khó tháo gỡ nhất của các liên đoàn thể thao khiến các doanh nhân giỏi, người tài của xã hội không muốn tham gia?

- Tôi nghĩ nguyên nhân chính là việc ngành thể thao chưa xác định rõ xã hội hóa thể thao hay để Nhà nước bao cấp. Cách làm của chúng ta hiện nay rất nửa vời, không hẳn xã hội hóa và cũng chẳng giống với cách giao tất cả cho Nhà nước quản lý. Xã hội hóa không phải là mỗi năm một ông bỏ ra 3-4 tỉ đồng để gắn tên doanh nghiệp vào CLB, còn một phần kinh phí vẫn do Nhà nước quản lý. Xã hội hóa thì CLB đó phải không dính dáng gì đến ngân sách nhà nước hết. Hiện nay chúng ta cứ làm theo kiểu CLB do tỉnh quản lý, thiếu tiền sau đó mời thêm các doanh nghiệp mỗi ông góp vài tỉ đồng vào để hỗ trợ, gắn tên. Cách làm này khiến thể thao không có động lực phát triển, doanh nghiệp suy nghĩ cứ bỏ tiền vào là xong việc. Bởi xác định xã hội hóa không rõ nên kinh phí nhà nước rót cho các liên đoàn thể thao chẳng đâu vào đâu. Vì cơ chế vướng nhiều thứ nên ngay tại Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM, ông Phạm Phú Ngọc Trai rất tâm huyết đấy nhưng sau nửa thời gian làm chủ tịch cũng phải rút.

Phải tìm người tầm cỡ hơn tôi”

Ông Nguyễn Đức Hưởng, phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank, nói với Tuổi Trẻ như thế xung quanh câu chuyện ông được giới thiệu làm chủ tịch VFV nhưng đã từ chối vào phút cuối.

Ông Hưởng nói: “Ông Trần Đức Phấn, tổng thư ký VFV, đã tha thiết mời tôi tham gia giữ cương vị chủ tịch VFV nhiệm kỳ VI. Về bản thân mình, thú thật tôi là người rất có cảm tình với bóng chuyền VN vì đây là một môn thể thao tập thể hiếm hoi còn nguyên sự trong sáng. Bóng chuyền chưa hề có điều tiếng gì về việc bán độ, về vấn đề doping hay các tiêu cực khác. Bóng chuyền cũng là môn thể thao được nhiều người hâm mộ yêu mến, ủng hộ. Các VĐV, những người liên quan đến bóng chuyền như các quan chức lãnh đạo bóng chuyền, các ông chủ đầu tư cho các CLB bóng chuyền... đều là những người có văn hóa, có tâm huyết, rất đáng trân trọng.

Vì những tình cảm đó, thật lòng mà nói ban đầu khi được mời ra làm chủ tịch liên đoàn khóa tới tôi đã nhận lời. Tuy nhiên sau khi suy nghĩ kỹ, tôi cảm thấy không yên tâm nếu ngồi vào vị trí đó. Lý do bởi tôi là người đam mê, đã làm là làm đến cùng với việc mình đã lựa chọn. Trong khi đó quỹ thời gian của tôi phải chia sẻ cho những công việc khác ở ngân hàng chứ không thể dành trọn vẹn thời gian cho bóng chuyền được, cuối cùng tôi từ chối. Đã làm bóng chuyền thì phải chuyên tâm, nhiệt huyết, hết mình. Người đứng đầu liên đoàn phải có chiến lược hành động lâu dài để nâng tầm bóng chuyền VN phát triển ngang tầm quốc tế. Vì thế, tôi cho rằng bóng chuyền VN phải tìm người tầm cỡ hơn tôi mới đảm đương được nhiệm vụ”.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều