Tiêu đề của website

Yếu Vì Chữ “Tội”

(CATP) Vừa rồi đã có rất nhiều những bài viết bày tỏ sự lo âu cho Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trước thềm SEA Games 27, thể hiện qua Cúp bóng chuyền quốc tế do VTV tổ chức. Tuy nhiều người bày tỏ sự lo âu, nhưng chung quy lại thì chỉ mỗi một chuyện, đó là sự già nua của đội tuyển.


(CATP) Vừa rồi đã có rất nhiều những bài viết bày tỏ sự lo âu cho Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trước thềm SEA Games 27, thể hiện qua Cúp bóng chuyền quốc tế do VTV tổ chức. Tuy nhiều người bày tỏ sự lo âu, nhưng chung quy lại thì chỉ mỗi một chuyện, đó là sự già nua của đội tuyển.

Một đồng nghiệp - nhà báo Phan Ngọc Tiến của VTV, người nhiều năm theo sát bóng chuyền VN, đồng thời cũng là Phó ban tổ chức giải VTV Cup 2013, cho biết đã có không ít khán giả gọi điện đến VTV nói rằng: cần có sự góp ý với HLV đội tuyển nữ VN, vì sao cứ mấy gương mặt cũ như Kim Huệ, Phạm Thị Yến, Hà Thị Hoa... mà xài mãi thế? Thứ nhất, những VĐV này đã không còn trẻ nữa, khi đều xấp xỉ tuổi 30. Thứ hai, họ đã chơi chính thức trong đội hình tuyển VN cả chục năm nay rồi, chẳng lẽ không có ai thay thế cho trẻ trung hơn? Thứ ba, chính vì tận dụng họ thái quá nên mới xảy ra chuyện mỗi ngày thi đấu một trận là hụt hơi. Rồi ở trận bán kết VTV Cup do phải lội ngược dòng vất vả trước đội Sơn Đông trong một trận đấu kéo dài 5 ván, nên khi vào chung kết gặp Giang Tô thì tất cả đều như kiệt lực, dù họ có một lợi thế rất lớn trước các đối thủ trẻ đến từ Trung Quốc, đó là sự ủng hộ cuồng nhiệt của khán giả Ninh Bình. 

Cách đặt vấn đề của người hâm mộ cũng như các nhà bình luận là không sai, khi đội ngũ kế thừa của những Kim Huệ, Phạm Thị Yến, Hà Thị Hoa... có vẻ chưa kịp xuất hiện. Và đó là vấn đề của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, một tổ chức không lấy gì làm mạnh mẽ cho lắm.

Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nói đến một chuyện khác, đó là điểm yếu cố hữu của các VĐV bóng chuyền Việt Nam, là khâu bắt bước một. Nếu ai chơi hay am hiểu bóng chuyền, ắt đều biết chơi môn thể thao này không chỉ cần có chủ công mạnh mẽ, phụ công thông minh; chuyền hai biến hóa, mà rất cần đến một chuyện trông hết sức đơn giản, đó là tất cả đều phải chuẩn trong khâu bắt bước một. Bởi, nếu bắt bước một không tốt thì không thể nào chuyền hai làm tốt phần việc của mình dù tài giỏi đến mấy. Và chuyền hai không hoàn thành nhiệm vụ thì làm sao chủ công, phụ công dứt điểm tốt cho được. 

Cái bệnh bắt bước một kém này, tôi nhớ cách đây 20 năm cũng đã có nhiều nhà báo, nhà chuyên môn đề cập đến. 20 năm đã qua, nhưng vẫn chưa chữa được một căn bệnh cơ bản, thì làm sao mong bóng chuyền bắt kịp Thái Lan? 

Theo các nhà huấn luyện, muốn giải quyết khâu bắt bước một không bị sai sót, chỉ có một cách duy nhất là khổ luyện. Nhưng hiện nay gần như không có đội bóng chuyền nào đẩy khối lượng tập luyện cho VĐV của mình tới mức đáng để gọi là “khổ luyện”. Nhiều HLV giải thích: “Các em nó lương bổng thấp, mình ép tập nặng quá thì tội”! 

Vâng, vì cái chữ “tội” ấy mà bóng chuyền Việt Nam không thể nào trị được bệnh yếu kém bắt bước một. Những người làm bóng chuyền, chơi bóng chuyền hãy làm ơn tìm xem lại bộ phim “Đường đến vinh quang” của Nhật Bản, kể lại câu chuyện của đội bóng chuyền nữ nước này đã phải tập luyện như thế nào để đoạt được HCV Olympic 1964. Ở đó không phải là khổ luyện mà là khổ sai. Chính vì thế, chỉ cần 20 năm là họ đã thành công sau khi đất nước tan hoang bởi đệ nhị thế chiến. Còn chúng ta, 20 năm không trị được bệnh yếu kém trong khâu đơn giản nhất của bóng chuyền. Đáng suy nghĩ chưa...   

                                                                                   Nhất Huy theo Công An TP.HCM


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều