Tiêu đề của website

Sau giải VĐQG 2018: Ba cây chuyền hai đáng kỳ vọng của bóng chuyền Việt Nam

Trên sân bóng chuyền, cây chuyền hai có thể đươc xem là linh hồn, bộ não hoạt động của cả một tập thể. Khác với hiệu quả nhãn tiền của các mũi tấn công qua những cú đánh, sản phẩm của người chuyền hai thể hiện toàn bộ tư duy và chiến thuật, kĩ thuật của mỗi đội bóng và vì thế, đi tìm những ngôi sao trên sân bóng chuyền, người ta hay liên tưởng đến những chuyền hai.


Nguyễn Thu Hoài (1998, 1m74, Ngân hàng Công thương)

Chuyền hai Nguyễn Thu Hoài.

Có tên trong danh sách chính thức tham dự ASIAD và các giải đấu lớn trong năm 2018. Thu Hoài đã khác rất nhiều về chuyên môn so với hình ảnh một cô bé còn “lơ ngơ” cách đây 2 năm khi lên nhận giải chuyền hai xuất sắc nhất giải bóng chuyền trẻ Đông nam Á. So với những bạn bè cùng trang lứa, Thu Hoài chính là cây chuyền hai có bước tiến dài nhất về chuyên môn và dần khẳng định được vai trò trụ cột của Ngân hàng Công thương khi đội bóng này bước vào giai đoạn trẻ hóa.

Gương mặt xinh đẹp sáng bừng trên sân đấu trong mỗi lần xuất hiện. Lại được sự dìu dắt của những người thầy đều là những cây chuyền hai nổi tiếng hàng đầu của bóng chuyền Việt Nam là HLV Nguyễn Thúy Oanh và Nguyễn Tuấn Kiệt. Nên không khó để ngay từ rất sớm, Thu Hoài định hình được kỹ năng với một lối chơi thiên về các chiến thuật hiện đại.

Trong suốt giải VĐQG và Cúp Hùng Vương 2018, không khó để nhận ra chính Hồng Đào và Thu Hoài là cặp chuyền hai thi đấu ổn định và có mặt trong sân nhiều nhất. Thậm chí trong nhiều thời điểm căng thẳng, cô bé 20 tuổi vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ dù áp lực đặt lên vai là không hề nhỏ. Sẽ còn nhiều thời gian để Thu Hoài đạt đến độ chín cả về suy nghĩ cũng như sự ổn định trong chuyên môn. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, không ai khác chính Nguyễn Thu Hoài sẽ là cây chuyền hai số 1 của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trong một, hai năm tới.

Hoàng Trung Kiên (1998, 1m81, Thể Công)

Cây chuyền hai Hoàng Trung Kiên (số 19).

Sinh năm 1998, cây chuyền hai Hoàng Trung Kiên của Thể Công hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một cây chuyền hai giỏi ngoại trừ việc hạn chế về chiều cao. Với khả năng nhảy chuyền, thuận tay trái, lại được đào tạo tại lò Thể Công với tư duy chiến thuật tốt, dù còn trẻ nhưng với những năm tháng rèn luyện trong quân đội giúp Trung Kiên sớm có được sự ổn định và chuẩn xác trong những đường chuyền.

Sinh ra trong một gia đình có cha là công an, cậu bé quê Gia Lai năm 15 tuổi khăn gói quả mướp ra tận Hà Nội tầm sư học đạo chỉ vì cha mẹ em rất yêu thích bóng chuyền. Biết điểm yếu của mình với chiều cao 1m81 là hạn chế, bởi vậy Trung Kiên luôn rất nỗ lực, kiên trì theo con đường mà mình đã chọn bởi bóng chuyền giờ với em không chỉ là công việc mà nó còn là tình yêu và đam mê.

Lê Quốc Thiện (1998, 1m90, Sanest Khánh Hòa)

Trái ngược với Trung Kiên thì Lê Quốc Thiện của Sanest Khánh Hòa lại được thừa hưởng một chiều cao trời phú với những tố chất phù hợp với bóng chuyền hiện đại ngoại trừ cách chuyền có phần hơi bản năng.

Chuyền hai Lê Quốc Thiện.

Sinh năm 1998, chiều cao vượt trội lên tới 1m90, với nhiều tố chất rất tốt từ sức bật, sự linh hoạt hay nhanh nhẹn. Chính vì thế, mỗi khi Quốc Thiện ở hàng trên chắn bóng thì đối phương hãy coi chừng. Chàng trai người Bình Định theo HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đánh giá là rất triển vọng, với khả năng phát bóng, chắn bóng, phòng thủ tốt, tuy nhiên còn bản năng và tự do trong cách chơi. Chuyền hai trẻ của Sanest Khánh Hòa phù hợp nhiều lối đánh, Thiện rất khỏe, nhanh và sáng nước, lại bật chắn đúng thời điểm, tâm lí tốt, ít nao núng và điều này là sự khác biệt so với nhiều chuyền hai trẻ hiện tại ở ta. Thế nhưng, thường thì ở đểm ngoài 20 mỗi sét đấu thì khả năng chuyền bóng của Thiện có vấn đề, đó chính là lý do dẫn đến những trận thua vô cùng đáng tiếc.

Sau sự thể hiện không tốt tại giải VĐQG, Lê Quốc Thiện đã bị HLV Phùng Công Hưng gạch tên, mất suất tập trung ĐTQG tham dự ASIAD và các giải đấu lớn. Tuy nhiên, cơ hội với Thiện còn rất rộng mở ở phía trước, nếu VĐV này tích cực trau dồi về chuyên môn cũng như thay đổi tích cực về tư duy.

Người ta vẫn thường nói, chuyên môn xuất phát từ tính cách, nhất là ở vị trí chuyền hai càng thể hiện rõ nét điều này. Chính vì vậy, để đào tạo nên một cây chuyền hai giỏi là rất khó, bởi đó là quá trình không chỉ rèn giũa chuyên môn mà còn rèn cả về tư duy và tính cách.

Lịch sử của bóng chuyền nữ Việt Nam gắn liền với lịch sử của những cây chuyền hai. Chúng ta từng có một Đào Hữu Uyển, Lệ Bình xuất sắc của Trường huấn luyện khi xưa, Trần Thị Yến – Bưu điện Quảng Ninh, Nguyễn Thúy Oanh – Bộ tư lệnh Thông tin, sau này là Nguyễn Tuấn Kiệt – Bưu điện Hà Nội, Lê Hồng Huy – công an TP. Hồ Chí Minh và cả chuyền hai Đặng Thị Hồng, người góp công xứng đáng trong tấm HCB đầu tiên của BCVN tại kỳ SEA Games 21 trên đất Malaysia. Và ở thời điểm hiện tại và trong tương lai khi mà SEA Games 2021 sẽ diễn ra tại Việt Nam, tuổi tác, phong độ khiến các đàn anh, đàn chị dần lui vào hậu trường thì thành tích của hai đội tuyển nam quốc gia khi đó, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những cây chuyền hai đang được kỳ vọng đã nêu ở trên đây.


Tác giả:HUY QUANGNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều