Tiêu đề của website

Bóng chuyền Việt Nam: Đi tìm lối thoát cho chất lượng giải đấu

Có một nghịch lý từ lâu nay với bóng chuyền Việt Nam chính là việc số lượng các đội bóng tham dự giải VĐQG còn nhiều hơn hẳn các đội bóng thi đấu ở hạng A1.


Có một nghịch lý từ lâu nay với bóng chuyền Việt Nam chính là việc số lượng các đội bóng tham dự giải VĐQG còn nhiều hơn hẳn các đội bóng thi đấu ở hạng A1. “BCVN cần nhanh chóng, nếu nói ngay lập tức cũng không sai, hãy nói không với sự vô lý trong cấu trúc các giải BC, làm sao lại có tình trạng số lượng đội ở hạng cao nhiều hơn số lượng đội ở hạng thấp? Tại những trận đấu chuyển hạng của mùa giải vừa qua, người xem đã thấy có khá nhiều những pha bóng mang tính phong trào và cả những trận đấu có dấu hiệu xin-cho, thật đáng tiếc!” nhà báo Nguyễn Lưu chia sẻ.

Tại châu Á, ngoại trừ Trung Quốc duy trì giải China League với quy mô “hoành tráng”. Thì những quốc gia khác trong khu vực số lượng đội bóng thi đấu ở hạng chuyên nghiệp đều rất ít, điển hình như Nhật Bản là 6 đội hay Thái Lan là 8 đội. Trong khi đó, giải bóng chuyền VĐQG Việt Nam lên tới 12 đội. Và chính điều này vô hình chung đang làm hại bóng chuyền Việt Nam.

Nếu như cách đây và năm, Giải Bóng chuyền VĐQG của Việt Nam có sự xuất hiện của các tay đập ngoại binh chính vì vậy mà trình độ giữa các đội không có khoảng cách lớn. Người ta vẫn thấy một Thanh Hóa khi bổ sung Malika đã xé nát nhà vô địch Thông Tin Liên Việt Postbank, hay hiện tượng Truyền hình Vĩnh Long có Chaisri lần lượt hạ VTV BĐLA hay Thông Tin Liên Việt Postabank để bước lên ngôi vô địch. Thế nhưng kể từ khi chấm rứt việc thuê mướn ngoại binh, có một thực tế mà ai cũng đã nhìn thấy hiện nay đó chính là việc bộc lộ rất nhiều bất cập ở  khoảng cách trình độ giữa các đội đã rất lớn, và ngày càng tiếp tục phân hóa. Vài mùa giải trở lại đây, nó đã thực sự khiến cho giải đấu quốc nội cao nhất của bóng chuyền Việt Nam rơi vào sự trì trệ, tụt hậu cũng như kìm hãm sự phát triển của cả môn.

Sự chênh lệch thường thấy tại Giải Bóng chuyền VĐQG Việt Nam.

Tình cảnh 12 đội phân thành nhiều đẳng cấp khác nhau, rõ nhất ở giải nữ, đã dẫn đến thảm họa về chất lượng chuyên môn của giải đấu vẫn mang danh đỉnh cao quốc nội ấy, nhất là vòng bảng. Nhiều cuộc chạm trán dù không xem nhưng người ta đã biết trước được kết quả, thậm chí là cả tỉ số. Đơn cử  như những cuộc đối đầu của top 3: Thông tin LienVietPostBank, VTV Bình Điền Long An hay Ngân hàng Công thương với các đội chiếu dưới như: Hải Dương, Quảng Ninh, Giấy Bãi Bằng… chẳng khác gì một màn “tra tấn” đối với cầu thủ 2 đội, cùng khán giả.

Cả giải VĐQG qua 2 vòng đấu bảng, 1 VCK mà chỉ có khoảng 4-5 trận đáng xem đủ biết sức hấp dẫn của giải đấu tệ hại đến mức nào. Chính vì vậy mà mục tiêu quan trọng bậc nhất là phát hiện, rèn giũa cầu thủ trẻ, nâng tầm cho các tuyển thủ quốc gia vì thế cũng bất thành. Qua cả chục mùa giải, số nhân tố mới, ở mức có thể đảm đương nhiệm vụ ở ĐTQG, được tạo nên ít đến mức có thể đếm được trên một bàn tay.

Đi tìm lối thoát ?

Có một thực tế rằng, bóng chuyền Việt Nam đang ở trong giai đoạn thoái trào. Đang và sẽ còn rất nhiều đội bóng thi nhau giải thể ở trong thời gian tới. Chính vì vậy, đây được coi là cơ hội tốt để các nhà quản lý tranh thủ rút gọn lại các đội bóng tham dự giải VĐQG.

Giải VĐQG của hầu hết các nước, rõ nhất với các nền bóng chuyền chuyên nghiệp đều đang duy trì mô hình tổ chức từ 6-8 đội. Đây là một kết quả đã được nhiều quốc gia nghiên cứu, tổng kết, áp dụng hiệu quả và thành công.

Ngoài quy mô, giải VĐQG hay ở nhiều giải đấu khác tại Việt Nam còn rơi vào lối mòn trong cách thức tổ chức. Điển hình như việc không có vòng tứ kết, không có đấu chéo, kết quả đôi khi phụ thuộc nhiều vào lá thăm may rủi. Hay việc vòng 1 được mặc định tổ chức tại các địa phương khu vực phía Bắc trong khi quyền đăng cai vòng 2, kèm theo VCK của giải thuộc về các địa phương phía Nam.

Một thực tế mà lâu nay ai cũng biết bóng chuyền đã và đang là môn thể thao số 2 Việt Nam về sự phổ cập và phong trào. Vấn đề đặt ra cho Liên đoàn BCVN không chỉ duy trì và nâng cao những mặt ấy; mà còn phải có bước đột phá về chất lượng, sức hấp dẫn của các giải đấu, tính chuyên nghiệp, cũng như thành tích quốc tế.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều