Tiêu đề của website

Mái nhà truyền thông bóng chuyền

Tôi đã cất công viết đến 5 tập của bộ sách “Nhà báo thể thao mà tôi nhớ”, một dạng ký chân dung thể thao ở Việt Nam. Trong mấy trăm phóng viên, già trẻ, trai gái hiện đã và đang hoạt động trong lĩnh vực thể thao có nhiều những người yêu mến và trân trọng với môn bóng chuyền.


Tôi đã cất công viết đến 5 tập của bộ sách “Nhà báo thể thao mà tôi nhớ”, một dạng ký chân dung thể thao ở Việt Nam. Trong mấy trăm phóng viên, già trẻ, trai gái hiện đã và đang hoạt động trong lĩnh vực thể thao có nhiều những người yêu mến và trân trọng với môn bóng chuyền. Dù con mắt tôi vẫn chưa thấy được một ai đó có cái tình đến mức đắm đuối với môn thể thao này, những PV mà tôi sẽ kể ra ở đây cũng là một bộ phận rất quan trọng và cần thiết của đời sống thể thao và nhất là của môn bóng chuyền. Thế nên dù cuối năm tết đến, sau khi nhắc lại hàng loạt các đề tài đủ loại của BCVN, tôi nghĩ rằng mình cần nói qua mấy nét về cái đại gia đình này – những phóng viên, nhà báo yêu mến của tôi đã và đang theo dõi môn bóng chuyền. Họ thuộc nhiều lứa tuổi, được phân bổ theo những loại hình báo chí khác nhau ở ta và tất nhiên là tôi khó có thể nhớ cho hết tất cả…

A. Báo giấy

Những trang viết về BC trên báo giấy ở ta được bắt đầu khá rõ ràng ở tờ Thể thao Việt Nam, khi còn rất ít những cây bút chuyên biệt, ngoài ông Hà Mạnh Thư, TTK Liên đoàn BCVN. Anh Thư rất tâm huyết và ít khi bỏ qua những hoạt động của bộ môn mình phụ trách trên tờ báo chuyên ngành. Bên cạnh đó là danh thủ Đào Hữu Uyển , nhất là sau khi đã nghỉ đấu ông đã viết được những ghi chép dài và các vấn đề nổi bật của BCVN. Tại tòa soạn báo TTVN, các nhà báo Lưu Tuấn Hiệp – Tố Mai – Phúc Hưng đều nỗ lực với BC và tham gia viết bài. Nay anh Hiệp đã nghỉ hưu, Tố Mai ít đất để dụng võ còn Phúc Hưng đã chuyển đi nơi khác, thi thoảng có dính chút ít với BC. Đông đảo nhất một thời có lẽ là tờ báo Thể thao TP.HCM, với một nhóm PV Đức Trường - Cao Nguyên – Phan Sơn – Thành Trí – Quốc Huy - Đào Tùng. Tôi nhớ Cao Nguyên. Khi còn sống, tôi rất mừng khi phát hiện Cao Nguyên học BC ở Đại học TDTT II, yêu bóng rổ, và chúng tôi đã bên nhau, ăn giơ đến độ nhà báo Lê Hiển viết rằng “ông Nguyễn Lưu mà gặp được Cao Nguyên cứ như là Khổng Minh gặp gỡ Khương Duy”. Cuộc tình của chúng tôi không bao lâu thì Cao Nguyên đã mất vì bị môt tai nạn giao thông, khiến mùa BC và bóng rổ năm ấy tôi như kẻ mất hồn, để rồi bao năm vẫn tiếp tục lăn lộn với BC và tiêp tục đi tìm đệ tử ruột.

PV Thanh Lâm luôn tâm huyết và hết mình với bóng chuyền.

Báo Sài Gòn giải phóng có nhóm phóng viên Việt Tâm - Thanh Lâm – Minh Chiến. Tôi tiếc cho Việt Tâm, từng gắn bó với BC mấy năm sau đó lại chuyền làn qua bóng đá, cũng khá, và bây giờ là Thanh Lâm, tôi đã xem anh này như tay viết khá ở làng BC thời kì “hậu Cao Nguyên”. Ngoài ra có một nhóm khác, yêu BC và từng lúc đã có gắn bó yêu thương môn chơi này. Đó là các bạn Huy Thịnh – Huy Thọ - Bích Thanh – Nguyên Khôi - Tấn Phúc – Hoàng Quỳnh - Lan Phương. Tiếc là không ai trong đó chuyên sâu được với BC vì nhiều lẽ và nhóm này đang có nhân tố mới là Đặng Việt Cường, chàng này cũng thuộc vào diện có triển vọng.

B. Báo hình

Bộ ba BLV Chu Kỳ Lân, Tiểu Huyền, Anh Tuấn của VTV.

Đội quân báo hình khá mạnh mẽ. Tiên phong là VTV với những gương mặt Phan Ngọc Tiến – Anh Tuấn – Tiểu Huyền – Chu Kỳ Lân. Phan Ngọc Tiến mê cả bóng chuyền, quần vợt lẫn bóng bàn nhưng nay là sếp nên ít xuất trận. Tiểu Huyền rất hăng hái, ham học hỏi và lại lên sóng được cả bóng đá nữ, nghe hấp dẫn ra trò. Tôi còn nhớ đạo diễn Trần Văn Quang từng cùng tôi chiến đấu môn BC thời ban sơ. Năm 1995, từ SEA Games 18 ở Chiang mai, anh Vũ Huy Hùng fax về nhà đài với nội dung ngắn gọn ”Chiều nay CK môn BC nam có chủ nhà Thái Lan, mời ông Lưu”. Chúng tôi ngồi trên cái bàn và phía dưới có 2 tivi đón sóng, chưa biết ra sao, lâu lâu sau chiếc tivi bên phải có tiếng nhạc và thấp thoáng trái BC, tôi liền nói nhanh “Mời các bạn theo dõi buổi tường thuật trực tiếp trận CK môn BC nam giữa Thái Lan – tôi cố nói chậm lại để chờ và khi ống kính thò ra cái đuôi lá cờ đang bay bèn tiếp ngay- và Myanmar”, rồi anh Quang với tôi cứ thế đã làm hết trận, thời xưa nó khổ nhưng vui như thế đó.

BLV Phạm Tam Điệp ngoài cùng bên phải bên cạnh nhà báo Đình Khải và BLV Quang Huy.

Nhà đài VTC yêu BC lắm. Họ có một ê-kip khả ái là Tam Điệp – Phạm Trường – Thành Lương - Bùi Minh Cần. Tôi chấm Tam Điệp, anh này thích nhiều thứ, bình được từ bóng đá, bóng chuyền và bóng bàn, vốn chuyên môn đủ để lên sóng và chém gió có người nghe. Năm trước, chú cháu vào mãi Quảng Trị làm nghề, xem mũi đánh Indonesia có ngoại hình y chang nam giới và mãi đến SEA Games 28 vừa rồi, chúng tôi lại chứng kiến cô Mangannang (10) làm mưa làm gió khi đã được cho phép thi đấu cho phái đẹp, dù hormone nam tính là quá dư thừa.

Năm qua, VTV Cáp xuất hiện nữ phóng viên Ngọc Trân, dáng nhỏ bé và ngộ nghĩnh như một nàng Libero thứ thiệt, vậy mà hang hái và xốc vác ra trò. Ngoài ra, trong mấy giải khác ở môn BC, tôi lại rất khó mà chọn thêm được các đồng nghiệp vững tay nghề.

C. Báo ảnh - Báo điện tử:

Những nhà báo thể thao có thâm niên đều không bỏ qua môn BC, đó là các cụ, các anh, các cháu Phan Sang – Thọ Quang - Đặng Tài Thụy – Ngọc Trường - Dư Hải – Quang Thắng – Quang Minh – Bạch Dương – Quang Liêm – Dũng Phương – Khải Hòa – Tuấn Tú – Như Huy. Cụ Phan Sang đã về cõi, sau khi các bạn Thọ Quang, Tài Thụy và Ngọc Trường đã ra đi, tiếc thay! Còn số nữa mà tôi không nhớ tên, các tay máy này nhìn chung đều khá và rất tâm huyết với nghề.

Bộ ba những phóng viên ảnh nổi tiếng trong làng bóng chuyền.

Trong các trang báo mạng, tôi ghi nhận Hà Quốc Hưng. Anh chàng còn non trẻ nhưng không ngại gian nan, luôn tìm tòi và lo được một tờ báo điện tử “Chuyên trang thông tin bóng chuyền” có lượng thông tin phong phú hơn hẳn trang web của VFV, dù đây đó có điều cần trao đổi song trang báo điện tử này có tính chiến đấu cao và có chuyên môn. Tôi yên tâm khi trang mạng này in lại những bài viết tâm huyết của mình.

Đại gia đình truyền thông của BCVN đã có đầy đủ yếu tố để cấu thành một tổ hợp của nghề báo, hy vọng tổ hợp ấy còn là tổ ấm của những con người đã và sẽ mãi mãi yêu thịch bóng chuyền.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều