Tiêu đề của website

Thiên tài "TÍ HON"

Giải BC châu Á đã kết thúc, vậy mà dư âm ngọt ngào của nó như vẫn còn đâu đây, trong đó nổi bật lên những gương mặt vô cùng đáng yêu, vì tài năng và vì những phẩm chất ưu tú khiến tất cả phải tâm phục…


Giải BC châu Á đã kết thúc, vậy mà dư âm ngọt ngào của nó như vẫn còn đâu đây, trong đó nổi bật lên những gương mặt vô cùng đáng yêu, vì tài năng và vì những phẩm chất ưu tú khiến tất cả phải tâm phục…

 

THIÊN TÀI “TÍ HON”

 

Tôi gọi tay cầu thủ chuyền hai kiệt xuất người Nhật Bản, Takeshita Yoshie là “Mắt nai”, là một “thiên tài tí hon” của bóng chuyền Nhật Bản vì cô gái cao có 1m59, nặng 52kg ấy là chủ nhân của bộ sưu tập 137 tấm huy chương các loại trong cuộc đời thể thao từ 11 năm trở lại đây, với 245 lần lên tuyển, 4 lần dự thi đấu Olympic và 7 lần tại giải vô địch thế giới. Dù đội tuyển Nhật Bản bất ngờ bị văng khỏi trận chung kết nên “Mắt nai” không thể tái diễn vinh quang như bao lần, tuy nhiên hình ảnh và những gì nhà thể thao kiệt xuất ấy để lại vẫn còn nguyên tính thời sự.

Mọi sự ngợi ca về tài năng lẫy lừng của chị dường như vẫn chưa đủ: trong sân, “Mắt nai” tiến lên sát lưới để nhìn kỹ và đoán định hướng đánh của đối phương xong mới quay về chuẩn bị đan lên. Chị nắm rất chắc sự khác biệt về khoảng cách của trái bóng được chuyền lên cho các quả chồng, biên, nhanh và trung bình. Vì thế, hầu như mọi “mâm cỗ” mà Takeshita dọn lên cho đồng đội đều hết sức ngon lành và nhiều khi biến thành điểm số hay lợi thế. Bằng khả năng quan sát tinh tế, chị có thể chắn bóng, chạy chỗ hợp lý và lập tức xuất hiện ở chỗ cần thiết để tổ chức phản công. Trên sân, lượng vận động của một chuyền hai là không ít, song “Mắt nai” kín hơi, rất ít mồ hôi và duy trì tốc độ vận động ổn định, vì chị có một nội lực khác người do từng tranh thủ rèn luyện sức bền theo cái cách mà những nhà vô địch Olympic 1964 của đất nước chị từng làm.

Trên sàn đấu Cung thể thao Quần Ngựa, người sành điệu chỉ trỏ và ngắm nhìn trái bóng tổ chức của cô gái nhỏ nhắn này và thấy rõ một nét đẹp ở chị khi có biên độ ở kỹ thuật nhỏ rất chuẩn, khiến trái bóng đứng và chủ nhân có một bộ pháp thật hiệu quả. Nhiều nhà chuyên môn còn thấy chị tranh thủ “bổ túc” cho phụ công Inoue Kaori (4) ngay trên sân, chưa hết, từ chân số 2 Takeshita lập tức moi được quả “búa bổ” của tay chiêu Youn Joo (12) ở số 2 bên kia để khởi phát phản công ăn điểm! Bất luận thế nào, sân bóng chuyền Việt Nam năm nay đã vinh dự đón tay chuyền hai số một thế giới ở một cuộc chơi đỉnh cao giàu ấn tượng.

                                                                                                            Ama Lâm

                                                                                                              (2009)


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều