Tiêu đề của website

Bóng chuyền Việt Nam: Một năm nhìn lại !

Tết đến, xuân về, mời các độc giả cùng Volleyball.vn điểm lại những sự kiện nổi bật của năm qua:


Tết đến, xuân về, mời các độc giả cùng Volleyball.vn điểm lại những sự kiện nổi bật của năm qua:

1.       Nguyễn Thị Ngọc Hoa rực sáng trên đất Thái

Trong lịch sử của môn Bóng chuyền xuất hiện ở Việt Nam, Nguyễn Thị Ngọc Hoa chính là nữ VĐV bóng chuyền đầu tiên có đủ trình độ đạt đến đẳng cấp châu lục. Qua hai mùa giải thi đấu tại Thái Lan, tài năng của cô gái Long An đã khiến bản thân người Thái phải ngả mũ thán phục, truyền thông nước này cũng dành tặng cho cô không ít lời khen có cánh. Thậm chí bản thân HLV Aphisak và Liên đoàn Bóng chuyền Thái Lan đã đồng ý và khẳng định Ngọc Hoa sẽ góp mặt tại giải Bóng chuyền CLB nữ châu Á 2015.

Việc giúp CLB Bangkok Glass đăng quang tại giải VĐQG nước này, có thể khẳng định Ngọc Hoa đã hoàn thành tốt sứ mệnh của một sứ giả khi đem bóng chuyền Việt Nam giới thiệu với bạn bè thế giới.

2.       Bóng chuyền nam Vĩnh Long giành HCV Đại hội TDTT Toàn quốc.

Việc Vĩnh Long và Long An cùng lọt vào chung kết Đại hội TDTT Toàn quốc lần thứ 7 cũng giống như hình ảnh học trò nghèo vượt khó khi chủ yếu sống nhờ vào ngân sách của tỉnh, trong khi đó, đối thủ của họ đều có các “ đại gia chống lưng” như Sanest Khánh Hòa và tuyển Quân đội.

Với sự xuất sắc của chủ công Từ Thanh Thuận, tuyển Vĩnh Long đã có chiến thắng trước tuyển Long An 3-1 trong trận chung kết, đoạt HCV thì đây cũng là một bước ngoặc lịch sử với môn bóng chuyền ĐH TDTT toàn quốc vì qua 32 năm, thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử có một đội bóng tỉnh lẻ lên ngôi vô địch ở môn bóng chuyền!

3.       Thể Công Binh đoàn 15 lên ngôi VĐQG sau 7 năm chờ đợi.

Trong một buổi tối mà Thể Công BĐ 15 đã chơi thăng hoa, giành chiến thắng chung cuộc 3-1 trước Đức Long Gia Lai trong trận chung kết VĐQG. Sau 7 năm chờ đợi, càng chàng trai áo lính, Thể công - Binh đoàn 15 đã lên ngôi vô địch một cách xứng đáng. Chiến thắng này còn ngọt ngào hơn, khi đây là dịp kỷ niệm 60 năm thành lập đội bóng. Chiến thắng này còn trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều đối với thầy trò HLV Phùng Công Hưng và thế hệ những VĐV tài năng như Hoàng Văn Phương, Phạm Thái Hưng, Phạm Văn Thành, Nguyễn Văn Thanh...

4.       Thông tin LVPB tiếp tục thống trị các giải đấu trong nước

Giải nam hấp dẫn, tạo được nhiều dấu ấn, đặc biệt là cú soán ngôi ngoạn mục của đội Thể Công BĐ 15 tại giải VĐQG. Trong khi đó, giải nữ mùa này có vẻ khởi sắc tuy nhiên Thông tin LVPostbank vẫn tiếp tục thống trị trên đỉnh khiến giới quan sát mất cảm hứng.

Ngôi Hậu mà các cô gái Thông tin LVPostbank giành được ở giải VĐQG đã là cúp vô địch thứ 7 trong vòng 10 năm trở lại đây. Đội bóng này không tìm được đối thủ xứng tầm ở sân chơi trong nước, tính cả về sự chuẩn bị lực lượng cũng như về trình độ chuyên môn và khả năng “cày ải” ở khắp các mặt trận. Tuy nhiên, có một thực tế, là trình độ của các VĐV Thông Tin vẫn còn bất cập khi chưa thể bắt nhịp với sân chơi quốc tế.

5.       TTK Trần Đức Phấn vẫn tại vị, cơ quan đầu não của BCVN là VFV chưa phát huy được vai trò đầu tàu.

Tổng thư ký VFV Trần Đức Phấn vẫn tại vị, không từ chức như nhiều người nghĩ sau khi để làng bóng chuyền trôi đi vô định và xảy ra quá nhiều biến cố dù đã quá một nhiệm kỳ ông điều hành. Đấy là vấn đề lớn nhất của VFV và mặc dù rất nhiều ủy viên trong BCH tổ chức này muốn giải quyết triệt để nhưng vẫn không thể làm nổi. Khi mọi thứ đã cắm rễ, đã ăn sâu vào đá rồi, thì có muốn cải tổ cũng khó, đấy là nói theo sự thừa nhận của chính những người đang làm bóng chuyền hiện nay.

Chính "thượng tầng quản lý" của VFV không ổn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nên làng bóng chuyền Việt Nam có thời điểm rơi vào trạng thái hỗn loạn và mất phương hướng hành động. Quyền lực chỉ nằm trong tay một vài cá nhân, khiến sức mạnh tập thể (vốn là ưu thế trước đây) giảm sút đáng kể, giảm đến mức nhiều người tâm huyết bắt đầu tỏ ra chán nản, không còn đưa ra những ý kiến tư vấn mang tính chiến lược cho bóng chuyền nữa.

Dấu ấn của VFV trở nên nhạt nhòa, trong cả năng lực quản lý lẫn điều hành hoạt động của làng bóng chuyền. Câu chuyện đi ở của Nguyễn Hữu Hà vào những ngày cuối năm như một giọt nước làm tràn ly, càng khiến khán giả hâm mộ trở nên căm phẫn một tổ chức xã hội đang điều hành một trong những môn thể thao được yêu mến bậc nhất này.

6.       U17 Việt Nam bị xử thua vì gian lận

Sự việc đội tuyển bóng chuyền U17 nữ Việt Nam bị các đội bóng khác và BTC tố cáo gian lận đồng thời xử thua trắng tại vòng bảng giải bóng chuyền U17 châu Á đã gây nên một làn sóng phẫn nộ không nhỏ từ phía người hâm mộ.

Vụ gian lận VĐV ở giải U.17 nữ châu Á khiến giới truyền thông quốc tế buộc phải lên tiếng phê phán, Ban tổ chức giải đấu này sau đó đã đưa ra án phạt đối với đội tuyển Việt Nam. Nhưng việc hủy bỏ thành tích không đáng nói bằng việc chúng ta đã gây ra điều tiếng không hay trước sự chứng kiến của bạn bè quốc tế. Đấy mới là nỗi đau.

7.       Vấn đề trọng tài, giám sát giải đấu

Mùa giải nào cũng vậy, trọng tài luôn là tâm điểm của mọi cuộc tranh cãi không hồi kết, thậm chí một số thành phần trong đội ngũ cầm cân nảy mực còn bị treo còi khi dính líu đến tiêu cực.

Điều đáng nói là mỗi khi sự cố xảy ra, không thấy bóng dáng của vị quan chức nào của VFV, kể cả Trưởng ban trọng tài lẫn các vị giám sát giải đứng lên tiếng giải thích hoặc đưa ra hướng xử lý để dàn xếp ổn thỏa tình hình. Thậm chí người trong giới bóng chuyền, lãnh đội của nhiều CLB cũng vô cùng bức xúc khẳng định, không chỉ trọng tài mà ngay cả giám sát cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều trận đấu dính đến tình trạng đổ bể.

8.       Bóng chuyền nữ Việt Nam đứng chót bảng tại Cúp Bóng chuyền nữ châu Á.

Sau khi để thua Thái Lan ở trận đấu nhằm giành quyền vào tranh hạng 5, các cô gái Việt Nam bước vào trận đấu cuối cùng tại Cúp bóng chuyền nữ châu Á 2014 bằng cuộc đụng độ với đối thủ Iran. Tuy nhiên, một trận đấu mà các cô gái Việt Nam đã bộc lộ rất nhiều sai lầm, đặc biệt ở tâm lý và kỹ thuật căn bản. Thất bại trước Iran, Việt Nam lần đầu tiên đứng cuối cùng tại một giải đấu - vị trí 8/8.

Đây được coi là một cú sốc lớn đối với người hâm mộ, một cú tát mạnh để cảnh báo vấn đề điều hành của VFV. Người hâm mộ đã hiểu rằng: "VFV không ươm mầm thì đừng mong hái quả. Với cách làm hời hợt, vô trách nhiệm và thiếu đầu tư của VFV như hiện nay, thì bóng chuyền Việt Nam dù không thiếu những tài năng, nhưng chắc vẫn còn phải chạy theo hít khói bóng chuyền nữ Thái lan dài dài."

9.       Bóng chuyền Việt Nam không tham dự ASIAD

Có thể với TTVN chẳng mấy quan trọng song rõ ràng việc hai đội tuyển bóng chuyền Việt Nam không tham dự ASIAD là một thảm họa của môn đang được quan tâm, yêu mến và có điều kiện phát triển thuận lợi bậc nhất. Trách nhiệm ở đây thuộc về bộ phận điều hành, quản lý trực tiếp - bộ môn và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Những người có trách nhiệm đã không hề có một tầm nhìn, hay nói cách khác khát vọng châu lục, với cách làm bài bản, dài hạn, và thay vào đó là một nếp thời vụ, ăn đong, phục thuộc đến mức lệ thuộc SEA Games - sân chơi mà các "chân dài" đã trải qua 7 kỳ "phận bạc" liên tiếp. 

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều