Tiêu đề của website

Câu chuyện bóng chuyền: Tìm một chỗ dựa.

Các đội bóng chuyền Quân đội ít nhiều cũng đang hoang mang sau thông tin sẽ buộc phải thu hẹp đầu tư kể từ mùa giải 2016. Giới làm nghề cho rằng ngoại trừ 2 tên tuổi đã được chọn đầu tư là Thể Công và Thông tin LVPostbank, chỉ còn Biên phòng đủ sức trụ lại làng bóng chuyền Việt Nam. 


Các đội bóng chuyền Quân đội ít nhiều cũng đang hoang mang sau thông tin sẽ buộc phải thu hẹp đầu tư kể từ mùa giải 2016. Giới làm nghề cho rằng ngoại trừ 2 tên tuổi đã được chọn đầu tư là Thể Công và Thông tin LVPostbank, chỉ còn Biên phòng đủ sức trụ lại làng bóng chuyền Việt Nam. Đến ngay cả tên tuổi lẫy lừng một thuở như Quân đoàn 4 cũng chưa chắc sẽ tiếp tục cuộc chơi…

Ông Đào Ngọc Chánh - Giám đốc Trung tâm TDTT Quân đoàn 4 - hôm qua đã thừa nhận với SGGP Thể Thao, sẽ rất khó để duy trì đội bóng Quân đoàn 4 một khi không nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ Quân đoàn. “Mỗi năm, chúng tôi phải tiêu tốn khoảng 6-7 tỷ đồng để phục vụ công tác chuyên môn cũng như đời sống cho các quân nhân-VĐV. Nếu chủ trương thu hẹp đầu tư cho bóng chuyền Quân đội triển khai từ năm tới, khả năng đội Quân đoàn 4 cũng phải dừng cuộc chơi, vì công tác vận động tài trợ để theo đúng hướng xã hội hóa hoàn toàn là rất khó khăn”, ông Chánh bày tỏ.

Khả năng đội bóng chuyền Quân đoàn 4 dừng cuộc chơi rất dễ xảy ra.

Đội bóng Quân đoàn 4 có bề dày truyền thống, suốt 40 năm qua vẫn luôn là 1 trong những tên tuổi đáng nể trong làng bóng chuyền nam, từng là nơi quy tụ các VĐV tài năng như Phan Phước Điền, Trần Minh Khang, Nguyễn Thành Lâm, Lương Khương Thượng, Đặng Đức Xuyên, Lê Văn Thành… mà giờ đây cũng chấp nhận phải rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” thì quả thật quá nghiệt ngã.

Nhưng chủ trương của Bộ quốc phòng chính là quân lệnh và không chỉ Quân đoàn 4, mà các đội bóng khác như Quân khu 5, Quân khu 9 (nam), Phòng không Không quân (nữ) buộc phải tuân thủ. Vấn đề là trong tình cảnh khó khăn, đâu là giải pháp thích hợp nhất để giữ lại không phải tất cả nhưng cũng thêm 1-2 đội bóng.

“Xã hội hóa thì chính xác rồi, nhưng lúc này thì khó thật. Nếu thành tích của các đội bóng ổn định và luôn có mặt trong các thứ hạng đầu của quốc gia như Thể Công, Biên phòng và Thông tin thì còn mời chào được các Mạnh thường quân chung tay góp sức. Đằng này, vì kinh phí hạn hẹp, nên các đội bóng quân đội còn lại khá trồi sụt phong độ khi không thể chiêu mộ những VĐV giỏi. Quả thật lúc này, lãnh đạo các đội bóng đang rất đau đầu tìm một chỗ dựa”, ông Chánh cho biết.

Cũng đã bàn đến phương án thành lập CLB Quân đội 2 để tập trung mọi nguồn lực từ các đội Quân đoàn 4, Quân khu 5 và Quân khu 9 ở phía Nam và trực thuộc quyền quản lý của Trung tâm TDTT Quốc phòng 2 (đặt tại Quân khu 7, TPHCM), nhưng ông Chánh cho biết đang chờ cấp trên xem xét.

Trong trường hợp phương án nói trên không thành, nói như ông Chánh, có lẽ phải nghĩ đến phương án dừng cuộc chơi bóng chuyền lại, dù trong thâm tâm những người làm bóng chuyền nơi đây, chẳng một ai mong điều đó xảy ra…


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều