Tiêu đề của website

Đức Long Gia Lai định giá chiếc cúp... 50 tỷ đồng

Trở lại mặt đất sau những ngày thăng hoa cùng đội bóng chuyền phố Núi vừa đoạt ngôi VĐQG  mùa giải 2013, bầu Pháp-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) khẳng định, chiếc cúp này có giá không rẻ chút nào.


Trở lại mặt đất sau những ngày thăng hoa cùng đội bóng chuyền phố Núi vừa đoạt ngôi VĐQG  mùa giải 2013, bầu Pháp-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) khẳng định, chiếc cúp này có giá không rẻ chút nào.


Ông Bùi Pháp (Chủ tịch Tập đoàn ĐLGL, trái) 
và Phan Xuân Vũ (giám đốc Sở VH,TT&DL, phải) nhận Cúp vô địch tại sân bay


- Để có được thành công như ngày hôm nay chắc hẳn bản thân ông và Tập đoàn ĐLGL đã tốn rất nhiều tâm sức với đội bóng này? 
Đúng hơn là chúng tôi đã phải lao tâm khổ tứ với đội bóng chuyền rất nhiều. Lắm lúc không thể nào ngủ được vì thành tích của đội bóng trồi sụt bất thường, nhiều khi tim tôi muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Nói thẳng ra, hiện nay trong tay tôi quản lý cả ngàn lao động, trong nhiều nhà máy, ở nhiều lĩnh vực khác nhau... nhưng mọi chuyện đâu lại vào đấy. Còn ở đội bóng chuyền chỉ có chừng 25 con người trở lại, nhưng lại lắm nhiêu khê, mỗi người một cá tính và thường xuyên bị báo chí săm soi từng bước chân.


- Xin ông giải thích rõ ràng hơn về chuyện này? 
Đó là lúc chúng tôi đầu tư vào đội bóng chuyền Đức Long - Quân khu 5. Thông thường nhà tài trợ chỉ chuyển cho đối tác cục tiền là xong và chờ ngày nghiệm thu kết quả, đằng này chúng tôi còn lặn lội khắp nơi tìm thêm nhân tài về đầu quân, tăng cường lực lượng cho toàn đội như: Hữu Hà, Wanchai, Văn Toại... Đổi lại chúng tôi được gì? Trong 3 năm đầu tư vào ĐL-QK5, chúng tôi chi hàng chục tỷ đồng, nhưng thành tích mang lại: 2 lần trụ hạng trực tiếp, 1 lần đi dự vòng chung kết ngược... Dân gian thường nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”; “dùng tiền mua kết quả”... nhưng với chúng tôi, đồng tiền tỷ lệ nghịch với thành tích, đó là lý do khiến ĐLGL ra riêng, thành lập hẳn đội bóng chuyền mang tên của chính tập đoàn mình.


- Có người nói “làm thể thao chẳng khác gì đem vàng thật đổi lấy vàng giả”. Vậy để có được chiếc cúp vàng vừa qua, ĐLGL đã tiêu tốn mất bao nhiêu tiền? 
Tính đến nay, ĐLGL đã tham gia làm bóng chuyền 5 năm: 3 năm mang tên Đức Long - Quân khu 5 và hơn 2 năm là ĐLGL, riêng năm 2011, cùng lúc chúng tôi quản lý 2 đội bóng chuyền. Trong 5 năm qua, Tập đoàn ĐLGL chi ra khoảng 50 tỷ đồng. Nói cách khác, để có được chiếc cúp VĐQG vừa qua, chúng tôi đã đầu tư lên tới 50 tỷ đồng. Số tiền này trong bóng đá thì không nhiều, nhưng trong bóng chuyền thì đây là con số không ít.


- Đồng tiền đi liền với khúc ruột, Tập đoàn ĐLGL được gì sau 5 năm đầu tư vào môn thể thao này? 
Tôi lấy con số thế này để các bạn hình dung, nếu lên google, chỉ cần gõ chữ Đức Long Gia Lai, trong vòng nửa giây sẽ cho ra 911.000 kết quả. Điều đó cho thấy, bóng chuyền là phương tiện rất hữu hiệu để làm thương hiệu cho các doanh nghiệp.


- Nhưng, bóng chuyền vẫn bị xếp sau môn bóng đá? 
Tiền nào của đó. Kinh phí mỗi năm chi ra nuôi đội bóng đá nhiều hơn bóng chuyền, nên thu hút được nhiều người quan tâm hơn. Theo tôi được biết, có thời gian hai môn thể thao này được xếp ngang hàng với nhau, thậm chí bóng chuyền còn trội hơn bóng đá. Đáng tiếc thời hoàng kim của bóng chuyền đã qua khá lâu rồi. Về giá trị quảng bá thương hiệu, tôi chưa hài lòng lắm với cách làm của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam như hiện nay. Trong thời buổi kinh tế thị trường, thương hiệu đóng vai trò cốt lõi, sống còn. Nhiều doanh nghiệp chỉ cần sống bằng thương hiệu là đủ... Bởi vậy, muốn thành công trên thương trường thì người người phải làm thương hiệu, nhà nhà làm thương hiệu... Thế nên, LĐBC VN phải làm thương hiệu. Làm thương hiệu có nhiều cách, phổ biến nhất là qua kênh truyền thông. Đáng tiếc, giải VĐQG là sân chơi quốc nội có chất lượng cao nhất hiện nay, nhưng khâu tuyên truyền quá kém. Báo chí ít quan tâm, có chăng họ chỉ đưa vài dòng lèo tèo cho có lệ. Truyền hình trực tiếp rất ít, nếu có thì lên sóng ở những kênh, những đài ít được người dân biết đến. Ngay cả trang web của LĐBC VN cũng cập nhật thông tin èo uột... Nhìn sang các đồng nghiệp làm bóng đá, lắm lúc tôi thấy tủi thân lắm.


- ĐLGL đã chuẩn bị gì cho mùa giải mới?  
Không phải bây giờ, vài tháng trước chúng tôi đã ký hợp đồng với 3 cầu thủ của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam: cặp phụ công Nguyễn Thanh Lam - Cao Xuân Thao và libero Tuấn Anh.

Bài và ảnh: Minh Vỹ


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều