Tiêu đề của website

Đinh Hoàng Trai: “Lính đánh thuê” lừng danh

Là VĐV nước ngoài đầu tiên xin nhập quốc tịch Việt Nam để thi đấu bóng chuyền từ năm 2010, Supachai Jitjumroon có lẽ là người hạnh phúc nhất trong những năm tháng khoác áo CLB Tràng An Ninh Bình.


Là VĐV nước ngoài đầu tiên xin nhập quốc tịch Việt Nam để thi đấu bóng chuyền từ năm 2010, Supachai Jitjumroon có lẽ là người hạnh phúc nhất trong những năm tháng khoác áo CLB Tràng An Ninh Bình.

So sánh khả năng nói tiếng Việt của anh với Issawa Singtong, một cầu thủ bóng đá đồng hương Thái Lan từng suýt được nhập tịch Việt Nam hồi còn khoác áo đội Đồng Tâm Long An, Supachai (tên Việt là Đinh Hoàng Trai, biệt danh… Trai “ròm”, để phân biệt với một đồng đội của anh ở đội tuyển Thái Lan và CLB Tràng An Ninh Bình trước đây là Supachai Sriphum thường được gọi là Trai “béo”) cười lớn: “Issawa sao nói giỏi bằng tôi! Gần tám năm chơi bóng ở Việt Nam, không chỉ nói tốt ngôn ngữ của các bạn, tôi còn hiểu biết rất nhiều về phong tục tập quán và văn hóa Việt Nam. Anh thấy đấy, tôi nói tiếng Việt bằng phương ngữ Ninh Bình, giọng Bắc hẳn hoi đấy nhé…”

Với xu hướng muốn nâng chất cho giải vô địch quốc gia, năm 2005, làng bóng chuyền Việt Nam mở cửa chào đón những ngoại binh đầu tiên sang thi đấu cho các CLB. Cùng với 3 đồng nghiệp nữ Cao Lian Zi, He Das (quốc tịch Trung Quốc, thi đấu cho Hải Dương) và đồng hương Pijamas Koijapo (Giấy Bãi Bằng), Supachai về đầu quân cho Tràng An Ninh Bình, một đội bóng non trẻ vừa thăng hạng đội mạnh trước đó chưa lâu. Có Trai “ròm” và không lâu sau là Trai “béo”, cộng thêm dàn nội binh đồng đều về trình độ, Tràng An Ninh Bình nhanh chóng nổi lên như là một hiện tượng, rồi trở thành một thế lực thực sự của bóng chuyền Việt Nam. 9 năm góp mặt ở sân chơi đội mạnh, đội bóng cố đô đã 3 lần vô địch (2006, 2010, 2012), nhiều lần Á quân, hạng ba và sở hữu nhiều loại danh hiệu của bóng chuyền nam Việt Nam.

Trong chuỗi thành tích lẫy lừng ấy, có những nỗ lực, đóng góp âm thầm và bền bỉ của Supachai, cầu thủ từng đeo băng đội trưởng đội tuyển Thái Lan “làm mưa làm gió” ở đấu trường Đông Nam Á suốt 7 kỳ SEA Games. Anh chính thức chia tay sự nghiệp quốc tế sau lần tranh tài trên sân nhà năm 2007, tại Nakhon Ratchasima.

“Rời đội tuyển, tôi sang Việt Nam mỗi năm đôi ba lần, lần đầu khoảng một tháng dự tranh vòng 1 và cúp Hùng Vương, lần thứ nhì cũng chừng ấy thời gian để thi đấu vòng 2 và vòng xếp hạng chung cuộc. Thời gian còn lại, tôi dành hết cho công việc chính của mình ở quê nhà là một nhân viên thuộc Sở Điện lực Bangkok. Thu nhập từ công việc này, cộng thêm tiền thưởng khi thi đấu cho đội tuyển Thái Lan và đội Sinh viên ĐH Bangkok trước kia, đủ để tôi mua nhà lầu, sắm xe ôtô. Vợ tôi là giáo viên tiếng Anh nên thu nhập cũng đủ để chúng tôi chăm lo cho hai con nhỏ. Vì thế, chuyện thi đấu ở Việt Nam là thỏa mãn sự yêu thích và niềm đam mê chứ không hẳn vì tài chính.Môi trường bóng chuyền ở Ninh Bình khiến tôi thích thú, hạnh phúc vì tình thầy trò, đồng nghiệp, anh em ở đây. Huấn luyện viên Nguyễn Mạnh Hùng hồi trước và Trần Văn Thư sau này đều coi cầu thủ chúng tôi như con cháu, cả hai thầy đều là người có trình độ chuyên môn cao nên thành tích đội luôn ở trong Top 4 quốc gia. Năm nay 34 tuổi rồi, tôi nghĩ mình có thể thi đấu thêm một hoặc hai mùa nữa sẽ chính thức giải nghệ. Không biết khi LĐBC Việt Nam không cho phép thuê ngoại binh nữa ở mùa giải 2013, các CLB có làm mọi cách để bổ sung những ngoại binh nhập tịch như tôi hay không nữa (cười)…”

Đinh Hoàng Trai đủ tự tin và hiểu biết để nói rất thật về tình hình làng bóng chuyền Việt Nam hiện nay. Các khoản chi mà mỗi CLB đưa ra để chiêu mộ ngoại binh theo thời vụ những năm qua, cứ tăng vùn vụt sau mỗi giải, không chỉ tạo thêm gánh nặng cho từng đội mà còn góp phần triệt tiêu sức cống hiến của các nội binh trẻ. Như trường hợp của Trai “ròm”, thoạt đầu khi mới có mặt ở Việt Nam, lương thực nhận của anh xê dịch khoảng 1.000 USD và giờ đây, 8 năm, anh nhận tổng cộng 5.000 USD cho khoảng 4 tuần lễ khoác áo Tràng An Ninh Bình. “Đó là do tôi lớn tuổi rồi, chỉ đánh phụ công và ngồi dự bị nhiều. Những cầu thủ trẻ hơn, là tuyển thủ quốc gia như Kittikun (Maseco TPHCM), Uranan (Thể Công) hay Jirayu (TA Ninh Bình)…, mùa rồi bỏ túi không dưới 8.000 USD cho khoảng một tháng đánh thuê ở Việt Nam! Sau này, ai đồng ý nhập tịch Việt Nam để thi đấu lâu dài ở đây, chắc khoản lót tay không dừng ở mức vài trăm triệu”, Hoàng Trai bộc bạch.

“Có ngoại binh không phải là điều xấu đâu, bởi cầu thủ giỏi giúp khán giả đến xem đông hơn, trình độ đội bóng và cả nền bóng chuyền cũng được cải thiện hơn.Vấn đề là cách làm thôi. Theo tôi, bóng chuyền Việt Nam đang đi đúng hướng khi không cho phép thuê ngoại binh vì năng lực chung của cầu thủ cũng được nâng lên rất nhiều trong thời gian qua. Các bạn cần thuê chuyên gia giỏi để đào tạo cầu thủ trẻ, giúp định hình cả một nền bóng chuyền từ gốc. Ở Thái Lan, giải vô địch quốc gia không hấp dẫn lắm nhưng đội tuyển quốc gia, nam lẫn nữ, đều có thứ hạng ở khu vực, châu lục và thế giới. Hơn phân nửa đội tuyển nữ Thái Lan đều đang đi đánh thuê ở châu Âu, ký hợp đồng 5-6 tháng với thu nhập từ 12.000-15.000USD/tháng! Đó là nhờ nền tảng từ tuyến trẻ, nhất là từ các đội bóng trường học, từ phổ thông lên đến đại học…Bóng chuyền Việt Nam mai này có thành công rực rỡ hơn, những cựu binh như tôi hẳn cũng được thơm lây!”, Đinh Hoàng Trai, “kẻ đánh thuê lừng lẫy”, kết thúc câu chuyện bằng một ước nguyện hết sức chân thành.

Sinh năm 1979, Supachai là cầu thủ trưởng thành từ hệ thống bóng chuyền trong trường học, rõ nhất với trường Đại học Điện lực Bangkok. Chơi ở vị trí phụ công, Supachai từng cùng ĐTQG Thái Lan vô địch SEA Games 7 lần, trong đó có 3 lần anh đóng vai đội trưởng. Bắt đầu sang đấu thuê cho Ninh Bình từ mùa 2005, Supachai lập kỷ lục là ngoại binh có thâm niên cao và liên tục nhất của bóng chuyền Việt Nam.

Trần Phương (Tạp chí thể thao)


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều