Tiêu đề của website

Vụ trưởng Tổng cục TDTT kiêm TTK Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Trần Đức Phấn: Giải thể là rủi ro phải chấp nhận

Tổng cục TDTT, Liên đoàn Bóng chuyền VN có được báo cáo về những vụ giải thể này không, thưa ông?


Liên tiếp 2 đội bóng chuyền nữ Vietsov Petro và Bia - Sài Gòn Thái Bình Dương đã và chuẩn bị giải thể. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Phấn (ảnh).

Tổng cục TDTT, Liên đoàn Bóng chuyền VN có được báo cáo về những vụ giải thể này không, thưa ông?

- Đến nay, chúng tôi chỉ mới nhận được công văn thông báo chính thức từ Vietsov Petro. Khi nắm được thông tin đội giải thể, chúng tôi cũng đã trao đổi với lãnh đạo đội. Tuy nhiên, họ vẫn quyết định thì là quyền của họ, liên đoàn (LĐ) không can thiệp được. Giải thể là chuyện không mong muốn, nhưng nó vẫn xảy ra, đó là rủi ro không tránh khỏi. Càng tiếc hơn khi đó là những đội đang có thành tích tốt như nam Dầu khí, nữ Vietsov Petro, trong khi có những địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, thậm chí Hà Nội, phấn đấu nhiều năm vẫn không thể trở lại được thời hoàng kim.

Chủ quản những đội bóng trên là DN, sự đầu tư của họ phụ thuộc vào mục tiêu, lợi ích của DN, vì vậy, LĐBC không thể can thiệp. Chúng tôi chỉ lo được việc giải quyết hậu quả, bảo đảm quyền lợi cho các VĐV thôi.

´ Giải quyết hậu quả như thế nào, thưa ông?

- Khi đội bóng chuẩn bị giải thể, LĐBC đều có động thái động viên họ ở lại, nhưng nếu việc giải thể vẫn diễn ra, và có vấn đề liên quan đến VĐV thì LĐ sẽ có ý kiến. Tuy nhiên về cơ bản, những đội bị giải thể trong thời gian qua đều giải quyết ổn thỏa cho VĐV. Đội nam Dầu khí giải thể từ tháng 7 năm ngoái, các VĐV đều có nơi chốn, đến nay không ai có ý kiến gì. Đội nữ Vietsov Petro theo tôi biết cũng lo ổn thỏa: Những VĐV không thi đấu nữa thì được bố trí việc làm, còn những VĐV vẫn muốn chơi tiếp thì cũng có thể tìm được chỗ mới thích hợp.

´ Cũng không hẳn thế. Trao đổi với Lao Động hôm qua, VĐV Trà Giang của Vietsov Petro cho biết cô có thể giải nghệ vì quá chán với việc đến 2 đội thì cả 2 đều lần lượt bị giải thể! Có cách nào để các CLB ổn định hơn, tránh việc DN lập đội bóng, rồi không thích làm nữa, thì giải thể?

- Chúng ta phải xác định một điều là không có xã hội hóa thì đội bóng khó phát triển. Các DN khi chịu trách nhiệm quản lý đội bóng, có khi chịu 100 % hoặc 70 % kinh phí, điều kiện cho đội sẽ tốt hơn. Trở lại với vấn đề rủi ro đã nói trên, nhiều khi DN rất muốn, nhưng không thể làm nữa thì phải chấp nhận. Khi đó, VĐV có khả năng sẽ đến các đội khác, những VĐV còn lại DN, LĐ vẫn lo cho họ.

Thật ra bóng chuyền VN không có nhiều VĐV, nên những VĐV đó vẫn có nhiều cơ hội. Tất nhiên với mức lương mấy chục triệu đồng khi ở Vietsov Petro rồi khi chuyển sang đội khác chỉ có mức lương hơn chục triệu, nhiều VĐV sẽ thấy không hài lòng. Nhưng việc VĐV phải chấp nhận giảm lương cũng là chuyện bình thường. Thậm chí với các VĐV trẻ muốn cống hiến, nghĩ rằng tiền không phải là điều quan trọng nhất với họ lúc này, thì với mức lương đó họ cũng vẫn rất thoải mái.

´ Tuy vậy trong tương lai, LĐBC VN cũng phải có một chế tài nào đó để hạn chế việc các CLB thành lập rồi lại giải tán vô tội vạ, như LĐBĐVN đã làm với việc yêu cầu các CLB dự V-League phải nộp một khoản tiền “cọc” vài trăm triệu đồng?

- Theo tôi, với một DN, khi họ muốn giải thể đội bóng thì vài trăm triệu đồng với họ cũng đơn giản. Nhưng đúng là sắp tới chúng ta sẽ phải nghiên cứu để đưa ra chế tài nào đó, nhằm đạt được cả 2 mục đích: Vừa giảm thiểu rủi ro, vừa động viên được DN tham gia tài trợ bóng chuyền.

´ Vietsov Petro giải thể và sắp tới là Bia - Sài Gòn Thái Bình Dương, giải đội mạnh sẽ chỉ còn 10 đội, liệu điều đó có ảnh hưởng đến chất lượng giải, thưa ông?

- Về chuyên môn thì không ảnh hưởng gì, bởi tuy số đội ít đi, nhưng VĐV thì vẫn chỉ có vậy thôi. Những VĐV giỏi từ các đội vừa giải thể sẽ sang đội khác.

- Xin cảm ơn ông.

 

Quang Minh

Báo Lao Động


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều