Tiêu đề của website

Kiểu làm “chuyên nghiệp hóa - phá bóng chuyền”: Sự thật về tâm thư khiến 2 đội bóng… giải thể

Trong năm 2013, “virus giải thể” đã biến giải bóng đá VĐQG (V.League) trở thành một vùng dịch thì ngay đầu năm 2014 này, giới thể thao “sốc” khi nghe thông tin 2 đội bóng chuyền nữ có thành tích tốt là Vietsov Petro và Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương rủ nhau giải thể. Hàng loạt cầu thủ bóng chuyền nữ Việt Nam bỗng thất nghiệp, bị đẩy ra đường.


Trà Giang (số 6) đã có bức tâm thư khiến hai đội bóng bị giải thể...

Trong năm 2013, “virus giải thể” đã biến giải bóng đá VĐQG (V.League) trở thành một vùng dịch thì ngay đầu năm 2014 này, giới thể thao “sốc” khi nghe thông tin 2 đội bóng chuyền nữ có thành tích tốt là Vietsov Petro và Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương rủ nhau giải thể. Hàng loạt cầu thủ bóng chuyền nữ Việt Nam bỗng thất nghiệp, bị đẩy ra đường.

Cú sốc từ một lá tâm thư tuyển thủ

Giữa tháng 2.2014, tuyển thủ bóng chuyền Đinh Thị Trà Giang đã đăng bức tâm thư trên facebook gửi Tổng Giám đốc Vietsov Petro Từ Thành Nghĩa để phản ánh về tình trạng “bơ vơ không biết công việc như thế nào”. Theo Trà Giang: “Bây giờ chúng cháu đều tự lo ăn uống sinh hoạt, không tiền ăn, không tiền lương, không người quan tâm, không ai lo lắng. Cháu lớn, nên cũng có tiền để ăn và sinh hoạt hằng ngày, nhưng mấy em trẻ vào cũng không có nhiều tiền, hôm cháu đi ra ngoài về thấy mấy đứa nấu mì ở bếp.

Cháu hỏi sao không ra ngoài ăn, mấy đứa chỉ nói là bọn em 3 người gom vào được 26 nghìn mua mì và được ít rau chị à! Cháu không biết nói gì, nếu như các bác, các cô, các chú, các anh, các chị có những người con, người cháu, người em như thế này, mọi người sẽ nghĩ sao ạ?

Chiều, cháu chỉ biết mang hết đồ ăn ở phòng cháu cho các em, qua phòng nhìn mấy đứa kêu đói, dù không phải chị ruột, nhưng cháu thấy đau lòng lắm ạ! Hôm sau cháu đi chợ mua đồ về để mấy chị em nấu cơm ăn, nhưng mình cháu sao nuôi các em được (6 em). Hiện tại cháu không có lương, tiền ăn cháu dùng bằng tiền tích góp, nhưng không có bao nhiêu”.

Những bức xúc này là trước tết nguyên đán, toàn bộ đội bóng chuyền nữ Vietsov Petro nhận được tin sét đánh là Vietsov Petro sẽ không tiếp tục nuôi đội nữa mà chuyển giao toàn bộ quân số cho đội Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương. 17 cầu thủ Vietsov Petro hoang mang và lo lắng, hơn nữa thủ tục chuyển giao kéo dài qua tết. Trong suốt 1 tháng rưỡi, cả đội không được ai ngó ngàng, không tiền ăn, không tiền lương...

Sau khi tâm thư của Trà Giang đăng trên facebook cá nhân của cô được 3 ngày, toàn bộ đội nhận thêm tin dữ: Ngày 18.2, Vietsov Petro ra quyết định giải thể đội bóng chuyền nữ.

Thế nhưng, sau khi Vietsov Petro tuyên bố nghỉ chơi bóng chuyền thì đến lượt lãnh đạo CLB Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương cũng tuyên bố: “Cũng giải thể luôn đội bóng chuyền này”.

Thế là, Đinh Thị Trà Giang với tâm thư của mình đã bị cho là “gián tiếp” khiến 2 đội bóng bị xóa sổ.

Tâm sự của Trà Giang

Đinh Thị Trà Giang sinh năm 1992, trong một gia đình có bố là giáo viên, mẹ làm nội trợ tại Lạng Sơn. Phụ công cao 1m78 Đinh Thị Trà Giang hiện là trụ cột hàng đầu của ĐTQG bóng chuyền nữ. Cách đây 7 năm, khi đội bóng cũ Hà Nội xuống hạng rồi giải thế, chị chuyển vào Vũng Tàu đầu quân cho Vietsov Petro.

Trao đổi với Lao Động hôm qua (24.2), Trà Giang nói: “Tôi không ngờ, lá tâm thư kêu cứu của mình đã phần nào gián tiếp dẫn đến việc 2 đội Vietsov Petro và Bia Sài Gòn Thái Bình Dương giải thể cùng một ngày. Nhưng tôi thanh thản vì nó đã cho người ta thấy sự thật về cách làm bóng chuyền ăn xổi. Với bản thân mình cũng đầy cay đắng vì sự bạc bẽo của bóng chuyền - doanh nghiệp, nhưng điều tôi đau khổ nhất chính là khả năng 10 cầu thủ trẻ của đội có thể phải mất nghiệp, ra đường.

Chúng tôi thực sự không biết sẽ về đâu. Tất cả đều đang chán nản và hoang mang. Mới có mấy tháng mà thực sự như một cơn ác mộng. Đội Vietsov Petro đang yên ổn, vừa giành hạng 3 quốc gia xong thì được thông báo giải tán, chuẩn bị chuyển lên Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương. Nhưng rồi chờ dài cổ gần 2 tháng, không tập luyện, thi đấu, không có lương, phải tự lo ăn uống. Rồi bây giờ, mọi hậu quả trút hết lên đầu cầu thủ. Nói thật, như tôi còn đỡ vì ít ra cũng có cơ hội để tìm đội bóng mới, chỉ thương các em trẻ...

Tôi nghe nói việc Vietsov Petro giải tán đội bóng là do chủ trương chung, nhưng cũng không thể biến người lao động, nhất là lao động đặc thù trở thành nạn nhân một cách bất công như thế. Tôi không hiểu họ có gì nghĩ đến cuộc sống, tương lai của cầu thủ, và trách nhiệm của họ ở đâu? 7 năm trước, khi được mời về, tôi đã được hứa hẹn về một mẫu hình đội bóng chuyên nghiệp, về mức lương thưởng cao, một chỗ làm ổn định sau khi giải nghệ, để đến mức xác định lập nghiệp luôn ở đây, nhưng giờ thì... vỡ mộng”.

Tuyển thủ này nói thêm: “Thực sự tôi sợ kiểu bóng chuyền - doanh nghiệp và cách làm bóng chuyền nửa vời lắm. Mới 23 tuổi, song tôi đã 2 lần làm nạn nhân của hai đội kiểu ấy. Tôi chẳng hiểu tại sao người ta cứ nói như đúng rồi trước việc một đội bóng của doanh nghiệp bị giải tán rằng đó là “chuyện và quyền của họ”.

Các nhà quản lý của bộ môn và Liên đoàn phải có cách điều chỉnh, ứng phó mạnh mẽ, chứ còn cứ bị động và phụ thuộc chỉ hại cho chính bóng chuyền và khổ cho cầu thủ. Có lẽ chính vì các đội cũng luôn làm kiểu ăn đong thời vụ, chạy theo thành tích trước mắt, nên bảo sao các cầu thủ chẳng phải luôn tự lo cho chính mình”.

Đội bóng giải thể, các cầu thủ thất nghiệp và câu hỏi là vai trò của Liên đoàn bóng chuyền ở đâu trong việc bảo vệ quyền lợi cho các cầu thủ? Lao Động sẽ tiếp tục phản ánh trong số báo sau.

Cường Đặng – Thành An

***

Lãnh đạo CLB Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương giải thích:

 Giải thể vì chán làm bóng chuyềnSau 3 năm tồn tại, CLB bóng chuyền Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương gần như chắc chắn sẽ phải giải thể do lãnh đạo đội này “không thích làm bóng chuyền nữa”.HLV trưởng CLB Bia Sài Gòn Thái Bình Dương Trần Minh Khang cho biết: “99 % là CLB sẽ phải giải tán. Lãnh đạo đã quyết rồi, chỉ còn chờ thủ tục giấy tờ là công bố. Lý do một phần là do sau vụ chuyển nhượng Vietso Petro đổ bể, CLB chỉ còn 6 VĐV, không đủ quân số (tối thiểu 12 người) để thi đấu do đã cho phép chuyển nhượng một số VĐV để chuẩn bị đón VĐV mới. Nhưng cái chính là lãnh đạo công ty sau “cú sốc” Vietso Petro đã không còn nhiệt tình đầu tư cho đội nữa”. “Bao nhiêu tâm huyết, công sức bỏ ra để xây dựng đội bóng, giờ giải thể, chúng tôi cũng buồn lắm, nhưng biết làm sao được. Doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư, họ không thích nữa thì phải chấp nhận thôi” - ông Khang buồn rầu cho biết.Tại sao có nhiều VĐV thất nghiệp, mà Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương lại không tìm đủ người để thi đấu, HLV Trần Minh Khang lý giải: “Cả nước hiện chỉ có chừng hơn 100 VĐV bóng chuyền chuyên nghiệp, có thể thi đấu tốt. Trong khi đó, giải đội mạnh của bóng chuyền VN hiện có 12 đội, tính trung bình mỗi đội 12 VĐV thì số VĐV nói trên tính ra còn thiếu, vì vậy mới dẫn đến tình trạng khan hiếm VĐV. Với mùa giải diễn ra vào tháng 7 năm nay thì việc tuyển chọn, chuyển nhượng VĐV đã phải hoàn thành từ tháng 12 năm ngoái rồi, bây giờ có tiền cũng không mua được VĐV giỏi nữa”.

Bích Thanh

Theo Báo Lao Động


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều