Tiêu đề của website

Ảo ảnh chuyên nghiệp

Sau phút giây bàng hoàng đón nhận liên tiếp thông tin 2 đội bóng chuyền nữ Vietsov Petro và Bia Sài Gòn-Thái Bình Dương bất ngờ giải thể, giới làm nghề rốt cuộc cũng tỉnh lại và thừa nhận đấy là hệ lụy của một cuộc chơi thiếu bền vững, không có tính định hướng ngay từ vạch xuất phát.


Sau phút giây bàng hoàng đón nhận liên tiếp thông tin 2 đội bóng chuyền nữ Vietsov Petro và Bia Sài Gòn-Thái Bình Dương bất ngờ giải thể, giới làm nghề rốt cuộc cũng tỉnh lại và thừa nhận đấy là hệ lụy của một cuộc chơi thiếu bền vững, không có tính định hướng ngay từ vạch xuất phát.

Thường thì ở giai đoạn khó khăn về kinh tế, các nhà đầu tư rút lui khỏi thể thao nói chung và bóng chuyền nói riêng vì không nuôi nổi đội bóng, cạn kiệt nguồn tài chính… Nhưng trong trường hợp của 2 đội bóng chuyền nữ dầu khí kể trên, nó lại đến theo cách khác, cách mà lâu nay thể thao Việt Nam đang mắc mứu: thiếu chuyên nghiệp!

Ông Đỗ Trung Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Pacific, đồng thời là người đã có ý định sáp nhập 2 cái tên nói trên thành đội bóng Bia Sài Gòn - Vietsov Petro, chua chát thừa nhận doanh nghiệp như ông một năm bỏ ra vài tỷ đồng để nuôi một đội bóng chuyền không khó, mà lại được lợi về thương hiệu. Nhưng khi càng dấn sâu vào cuộc chơi, ông càng dễ nhận ra những bất cập, rắc rối nảy sinh. Nó không hề rõ ràng và rành mạch giống như phép tính 1+1=2.

Mọi thứ rất mong manh và dễ vỡ, khi các CLB quản lý VĐV theo cách riêng, chi tiêu tùy hứng... khi cơ quan đầu não là Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) chưa thể hiện được vai trò định hướng, giám sát, áp dụng các chế tài đối với các thành viên (các CLB) của mình.

Quản trị con người vẫn luôn là điều khó khăn nhất, trên mọi lĩnh vực. Trong thể thao, điều đó càng phức tạp, vì ràng buộc giữa CLB và VĐV không vững, thiếu quy phạm chuẩn mực từ nhà quản lý nên chẳng thể kiểm soát và giải quyết rắc rối một khi có nảy sinh vấn đề. Rất nhiều nhà tài trợ đến rồi lại chia tay bóng chuyền nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung vì những mắc mứu như thế.

Tranh cãi về số phận của đội bóng Vietsov Petro, của Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương hay gần đây là đội bóng chuyền nam Tập đoàn Dầu khí quốc gia, chắc chắn còn kéo dài, dĩ nhiên sẽ trở thành những điểm đen trong sự phát triển của bóng chuyền Việt Nam, chủ yếu về công tác quản lý, sử dụng nguồn nhân lực.

Tất nhiên, đổ hết lỗi cho nhà quản lý sẽ thiếu thuyết phục, vì một phần lỗi cũng thuộc về VĐV - chủ thể của cuộc chơi bóng chuyền. VĐV than khổ và phàn nàn mình đang bị CLB bỏ rơi, hất hủi trong lúc khó khăn. Nhưng ngược lại, rất ít VĐV thể hiện sự cầu thị, bày tỏ thái độ hợp tác, chia sẻ trong bối cảnh CLB hay nhà đầu tư đang chật vật giải quyết vấn đề, tìm kiếm nguồn tài chính để tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với bóng chuyền.

Đôi khi VĐV chưa biết cách trân trọng những cơ hội mà mình đang có, hoặc sắp có. Điều đó cũng chứng minh ý thức chuyên nghiệp của VĐV không cao, gần như không kiểm soát được suy nghĩ nên dễ rơi vào trạng thái tuyệt vọng và hành động thiếu chín chắn.

Không ngoa ngôn, nhưng thể thao Việt Nam đến giờ mới chỉ học được một nửa chữ “chuyên nghiệp”. Ngay như bóng đá - môn thể thao có cơ hội chuyên nghiệp hóa thuận lợi nhất, vẫn còn dang dở, vẫn tồn tại những bất ổn và thiếu bền vững. Vì thế, những môn thể thao khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, thậm chí còn bi đát hơn.

Vấn đề là giới chức thể thao Việt Nam biết lỗi xuất phát từ đâu, biết phải thay đổi từ tư duy đến hành động, từ quy hoạch chiến lược đến thực tế phát triển ở từng môn, nhưng chưa cụ thể hóa được một lộ trình mang tính đồng bộ, cái gì cũng mập mờ, cũng chỉ mang tính chất tương đối...

Chuyên nghiệp vì thế đối với thể thao Việt Nam giống như một ảo ảnh không hơn không kém!

 

Lê Hùng (SGGP)


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều