Tiêu đề của website

Bóng chuyền VN không sử dụng “ngoại binh” từ mùa giải 2013: Đi ngược xu thế?

Từ mùa giải 2013, giải VĐQG sẽ chính thức không có ngoại binh. Giải thích cho sự thay đổi này, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) cho rằng, quy định như vậy để tạo sân chơi cho các VĐV trẻ, giảm chi phí cho các CLB. Đây là…

Từ mùa giải 2013, giải VĐQG sẽ chính thức không có ngoại binh. Giải thích cho sự thay đổi này, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) cho rằng, quy định như vậy để tạo sân chơi cho các VĐV trẻ, giảm chi phí cho các CLB. Đây là những mặt lợi đã được nhìn thấy, nhưng việc cấm ngoại binh cũng mang đến không ít băn khoăn...
Thực tế thì VFV đã đưa ra lộ trình cắt giảm ngoại binh xuống còn 1 người cho 1 đội ở mùa giải 2012, trước khi “bài ngoại” trong năm 2013. Trước quy định của VFV, tất nhiên, những đội bóng “con nhà nghèo” đã ủng hộ hết mình, vì bao năm qua họ bị thiệt thòi khi không có tiền để sắm ngoại binh “xịn”. Tuy nhiên, với phần lớn các đội còn lại, tất cả đều cho rằng quy định của VFV đang kéo tụt sự phát triển của bóng chuyền Việt Nam. Hay nói cách khác, bóng chuyền Việt Nam đang đi ngược xu thế. HLV Nguyễn Mạnh Hùng (CLB Tập đoàn Dầu khí) cho rằng, trong 9 mùa giải vừa qua, ngoại binh đã mang đến nhiều nét mới, tạo nên sự hấp dẫn cho giải đấu. “Ngoại binh không chỉ giúp các trận đấu có chất lượng chuyên môn cao hơn, kéo khán giả tới sân đông hơn. Đặc biệt, ngoại binh đã tạo ra tính cạnh tranh cao, giúp các VĐV nội học được nhiều về tác phong chuyên nghiệp”, ông Hùng nói. Hầu hết các nền bóng chuyền phát triển trên thế giới đều sử dụng ngoại binh, cũng vì mục đích như ông Hùng nói. Thậm chí như giải VĐQG Nga, năm 2011 có 2 ngoại binh, năm 2013 còn sử dụng tới 3 ngoại binh. Chính một lãnh đạo Liên đoàn bóng chuyền Nga từng khẳng định rằng: “Sử dụng ngoại binh không hề ảnh hưởng đến công tác đào tạo trẻ”. Ngay như các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia... cũng đều sử dụng ngoại binh và chất lượng giải đấu tăng lên rõ rệt sau từng năm. Điều đáng nói là Thái Lan vẫn sản sinh ra rất nhiều VĐV trẻ và trình làng ở mỗi kỳ SEA Games. TTK VFV Trần Đức Phấn cho rằng, sự phát triển của bóng chuyền Việt Nam có những đặc thù riêng, không thể áp theo các nước khác được. Nhiều HLV cũng phải thừa nhận, ít nhiều việc sử dụng ngoại binh đã kìm hãm sự phát triển của các VĐV trẻ. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến các VĐV trẻ “chậm lớn”, chính là bởi VFV có quá ít các giải đấu mang tính cọ xát. Như giải VĐQG, cũng chỉ thi đấu khoảng 1 tuần là kết thúc (1 lượt). Sự đi xuống của bóng chuyền Việt Nam ở sân chơi SEA Games vài năm gần đây, cũng vì các VĐV không được quan tâm đúng mức, ít tập huấn nước ngoài, chứ hoàn toàn không phải do ngoại binh quá nhiều ở giải VĐQG.
Không sử dụng ngoại binh tại giải VĐQG có phải là cách làm đúng của bóng chuyền Việt Nam? Ảnh: An Nhi.
HLV Huỳnh Thúc Phong (Khánh Hòa) tỏ ra khá quan ngại về quy định mới của VFV. Theo ông Phong, với việc chơi bằng toàn “cây nhà lá vườn”, rất dễ nảy sinh bệnh ngôi sao. Các VĐV trong đội sẽ không có tính cạnh tranh, còn các CLB cũng sẽ trở về với truyền thống “cá lớn nuốt cá bé”. Thực tế thì trong những năm bóng chuyền có ngoại binh, cuộc đua tới ngôi vô địch luôn hấp dẫn, chứ không chỉ còn là cuộc chơi riêng của những tên tuổi lớn như Thể Công, Biên Phòng... Điều đó cho thấy, không chỉ tập trung vào công tác chuyên môn, các đội cũng cần đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nhiều tài trợ, doanh nghiệp để có tài chính, tăng cường chất lượng ngoại binh. “Quy định mới này sẽ giúp các đội bóng trong nước có sự đánh giá đúng về thực lực cũng như công tác đào tạo cầu thủ trẻ của mình. Tuy nhiên, ngoại binh vẫn rất cần thiết ở một giải đấu đỉnh cao. Ngoại binh không chỉ mang tới sự hấp dẫn ở mỗi trận đấu, tạo điều kiện cho cầu thủ của VĐV nội có cơ hội cọ xát, học hỏi kinh nghiệm, mà còn giúp các đội ý thức hơn về sự chuyên nghiệp”, ông Phong nhấn mạnh. Như vậy, vấn đề cốt lõi ở đây chính là công tác tuyển chọn và đào tạo trẻ ở các CLB như thế nào, công tác quản lý, tổ chức giải đấu của VFV ra sao, chứ không thể đánh đồng việc đào tạo trẻ với việc sử dụng ngoại binh được. Không có ngoại binh sẽ có mặt được và mất. Vì thế, mùa giải 2013 được xem năm thử nghiệm và cùng chờ những thay đổi như thế nào khi không có ngoại binh.
Giảm số lượng để tăng chất lượng Nếu như bóng đá phải giảm số lượng các đội vì khủng hoảng kinh tế, thì bóng chuyền cũng sẽ giảm từ 12 đội xuống còn 8-10 đội trong mùa giải 2013, để nâng cao chất lượng giải VĐQG. Theo TTK Trần Đức Phấn, đây là thay đổi gần như bắt buộc để nâng chất lượng giải đấu, kéo khán giả tới sân. “Trong 12 đội tại giải VĐQG, có thể chia làm 3 tốp, thì riêng tốp 1 và tốp 2 đã có sự chênh lệch về trình độ, chứ chưa nói gì về tốp 3. Chính vì thế, có rất nhiều trận đấu có chất lượng chuyên môn rất thấp, tẻ nhạt. Do đó, giải VĐQG cần loại bớt những đội không có chất lượng chuyên môn không đạt yêu cầu”, ông Phấn nói. Tại cuộc họp BCH VFV ngày 25/1 tới đây, BCH sẽ thông qua quyết định giảm số đội. “Mong muốn của VFV là giảm xuống còn 8 đội, tổ chức thi đấu vòng tròn 2 lượt để đảm bảo sự sòng phẳng và giúp giải đấu có chất lượng chuyên môn cao. Thực tế với việc tổ chức chia bảng như những năm trước, có những đội 5-6 năm chưa gặp nhau lần nào. Đó thực sự là một hạn chế”, ông Phấn cho biết. Tiến Dũng

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều