Tiêu đề của website

Cựu binh Kim Huệ và nghịch cảnh bóng chuyền Việt Nam

Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2018 mới đây  là lần thứ 3 cựu binh 36 tuổi Phạm Kim Huệ nói lời chia tay rồi lại phải trở lại để vào vai người “giải cứu” CLB của mình. 


Muốn thôi cũng chẳng nổi…

Kết thúc mùa giải 2016 với chức vô địch lịch sử cùng Ngân hàng Công thương Việt Nam, phụ công sinh năm 1982 Kim Huệ tuyên bố giải nghệ, được bổ sung vào thành phần Ban huấn luyện. Thế nhưng rốt cuộc, ở vòng 2 giải VĐQG 2017, cựu đội trưởng Đội tuyển Quốc gia vẫn xuất hiện trong các trận đấu của đội bóng ngành ngân hàng trong vai trò của một thủ lĩnh. Dù muốn nghỉ đấu, Huệ không thể từ chối lời đề nghị tha thiết của lãnh đạo cùng các đồng đội, nhất là trong bối cảnh không có người thay thế xứng đáng do những thử nghiệm khi không có Kim Huệ đều thất bại. Bất chấp việc Ngân hàng Công thương Việt Nam không bảo vệ thành công ngôi vị, chỉ đứng thứ 3, Huệ vẫn là một trong những cầu thủ chơi hay nhất giải.

Kết thúc mùa 2017, một lần nữa Huệ lại nói lời chia tay, và như chia sẻ của tượng đài Hà Thu Dậu, HLV Ngân hàng Công thương Việt Nam thì chẳng ai “nỡ giữ” cô nữa, bởi cả hai mùa rồi bà mẹ một con này đều xin nghỉ mà rốt cuộc vẫn phải gồng mình gắng sức cày ải khi đội quá cần mình. Còn với Huệ, đó đơn giản là thời điểm “nên và phải dừng lại để lo cho mình cùng cô con gái nhỏ quanh năm xa mẹ”.

Điệp khúc “phi thân”

Ai cũng nghĩ Huệ sẽ được nghỉ thật. Trên thực tế trong suốt giai đoạn chuẩn bị, cũng như vòng một giải vô địch quốc gia 2018, cô đã tập trung cao độ cho vai trò của một HLV phó của Ngân hàng Công thương Việt Nam. Huệ làm rất tốt công việc của mình, và thậm chí, Huệ còn được tin tưởng giao phó vị trí trợ lý ở Đội tuyển Trẻ Quốc gia.

Thế nhưng, Kim Huệ lại vừa phải quyết định tái xuất một lần nữa, chí ít là cho đến hết mùa giải 2018. Những gì đã thể hiện ở vòng một cho thấy, đội bóng chẳng những không có người, có phương án thay thế dù chỉ phần nào khoảng trống Huệ để lại, mà thực sự rơi vào khủng khoảng khi thiếu Huệ.  Tại cúp Hùng Vương 2018, họ chấp nhận đứng thứ ba, thua cả Thông tin LienVietPostBank đang trẻ hóa, và kém hẳn Bình Điền Long An. Chưa kể, mới đây, đội lại mất tới 5 cầu thủ vì nhiều lý do khác nhau.

Từ nhiều tuần nay, bên cạnh trách nhiệm của một HLV phó, Huệ  còn phải tranh thủ thời gian, nỗi lực tối đa để tập các bài thể lực, chuyên môn để sẵn sàng cùng các đàn em bước vào giai đoạn lượt về đầy thử thách của giải vô địch quốc gia.

Nghịch cảnh của bóng chuyền Việt Nam

Kim Huệ với đẳng cấp và sự chuyên nghiệp hiếm có của mình vẫn đủ sức thi thố với phong độ cao nhất ở giải đấu cao nhất của bóng chuyền Việt Nam. Tiếng là vừa là HLV kiêm cầu thủ, chỉ đóng vai dự bị, song gần như chắc chắn Kim Huệ sẽ phải gồng mình gắng sức “cày ải” trong cả giải. Huệ vẫn có thể dẫn dắt Ngân hàng Công thương Việt Nam cạnh tranh ngôi cao nhất.

Cuộc tái xuất của Huệ chứng tỏ tài năng, niềm đam mê, sự bền bỉ phi thường của cựu binh 36 tuổi. Chỉ có điều, nó cũng phơi bày nghịch cảnh về  lực lượng, đào tạo trẻ của bóng chuyền Việt Nam.

Các “lão bà” đã qua thời đỉnh cao của mình, vẫn đang phủ bóng lên cả một giải đấu. Ngoài Kim Huệ, cũng ở  Ngân hàng Công thương Việt Nam, còn có sự trở lại của tay chuyền hai 35 tuổi Hà Thị Hoa sau thời gian nghỉ sinh con thứ hai. Trong khi đó, đội ĐKVĐ Bình Điền Long An vẫn đang phụ thuộc đến mức lệ thuộc vào ngôi sao 31 tuổi Ngọc Hoa. Thái Bình mấy mùa giải gần đây có đạt thứ hạng tốt hay không, thậm chí có trụ hạng nổi hay không, đều dựa cả vào một tay của “búa máy” ngày nao giờ đã 33 tuổi Bùi Huệ.

Bóng chuyền nữ, vẫn manh danh là môn số 2 của TTVN , chỉ sau bóng đá, dang thiếu hụt cầu thủ chất lượng nghiêm trọng, chứ chưa nói đến tài năng. Thiếu đến mức một ngôi sao, một cầu thủ giỏi phải nghỉ thi đấu vì chấn thương hay giải nghệ, cả một đội bóng, kể cả một vài trung tâm như Thông tin LienVietPostBank, Ngân hàng Công thương Việt Nam cũng lập tức lao đao. Thiếu tới mức thị trường chuyển nhượng đóng băng dù nhu cầu rất cao. Khi ra đời cách đây hai năm, đội bóng nhà giàu Hóa chất Đức Giang Hà Nội từng chính thức đặt vấn đề với chủ công đội tuyển quốc gia Hà Ngọc Diễm mức phí lót tay 1,5 tỷ đồng, kèm theo khoản lương 30 triệu đồng/tháng, hay gợi ý cựu binh Phạm Yến chuyển về đầu quân trong vai trò HLV kiêm VĐV với mức giá 3 tỉ đồng đều bất thành. Họ chỉ có thể kiếm được những cầu thủ làng nhàng, để rồi rơi vào nghịch cảnh thừa tiền - thiếu người, và thua tan tác. Tương tự như thế là đội bóng cũng rất nhiều tiền của Kinh Bắc.

Môn của các “chân dài” vẫn đang phải trả giá cho một thời gian dài buông lỏng mảng phát hiện đào tạo trẻ, chạy theo thành tích trước mắt, theo tư duy ăn xổi, nhất là trong 10 năm chạy đua thuê dùng thời vụ cầu thủ nước ngoài (2004- 2014).

Kết thúc mùa 2018, phụ công Phạm Thị Kim Huệ đã  nối dài số lần liên tiếp dự tranh giải vô địch quốc gia lên con số 18- một kỷ lục độc nhất vô nhị của không chỉ môn bóng chuyền mà cả làng thể thao Việt. Chị cũng sở hữu kỳ tích 8 lần tham dự SEA Games, mà đáng ra là 9 nếu không vắng mặt ở kỳ Đại hội 2007. Chỉ có Huệ mới 16 tuổi đã chiếm vị trí chính thức rồi  19 tuổi đã đeo băng đội trưởng, đóng vai trụ cột số 1 ở cả CLB lẫn ĐTQG. Thời đỉnh cao 2002 - 2007, không ai ở khu vực Đông Nam Á có thể chơi hay hơn Huệ ở vị trí phụ công.

Tác giả:NHỊ HƯỜNGNguồn: Ngày Nay
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều