Tiêu đề của website

Chuyển nhượng VĐV vẫn là vấn đề nhức nhối

Mấy ngày gần đây câu chuyện đi ở của Bích Tuyền và việc giải thể đội 1 của Truyền hình Vĩnh Long đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí, cũng là đề tài gây rất nhiều tranh cãi từ phía người hâm mộ. Trong đó, mấu chốt vẫn nằm ở việc quy chế chuyển nhượng VĐV còn nhiều lỗ hổng, công tác đào tạo yếu kém tạo điều kiện cho việc giành giật, đi đêm cướp VĐV của nhau. Sáng nay (23/1)  đã diễn ra cuộc họp thường vụ của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, nội dung chính nằm ở việc sớm ban hành lại quy chế chuyển nhượng để tạo điều kiện cho các VĐV, nhưng cũng phải có hành lang pháp lý chung từ vấn đề hợp đồng đào tạo để bảo vệ quyền lợi của những CLB chú trọng công tác đào tạo trẻ.


Nguyễn Thị Bích Tuyền (số 10) đang là tâm điểm của dư luận về vấn đề chuyển nhượng.

Nhiều ý kiến đồng quan điểm cho rằng để đào tạo nên một VĐV giỏi là rất tốn kém và gian nan. Nó đòi hỏi rất nhiều công sức và tiền bạc của đơn vị chủ quản. Thế nhưng, một thực trạng hiện nay là khi các VĐV vẫn còn hợp đồng lại bị nhiều CLB khác chèo kéo đi đêm, không thông qua đơn vị chủ quản. Điều này dẫn đến việc gây tâm lý hoang mang, chán nản làm ảnh hưởng tới tinh thần của VĐV, thành tích của nhiều đội bóng vì thế mà bị giảm sút. Nhưng cũng không phải vì bản hợp đồng mà VĐV phải hưởng một mức lương không tương xứng, phải đánh đổi cả đời để phục vụ. Bởi vậy, khi có hành lang pháp lý chung, từ hợp đồng đào tạo, lẫn các quy định phải thông qua đơn vị trung gian là Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam thì mới chấm dứt được tình trạng tranh cãi về hợp đồng giữa VĐV và đơn vị chủ quản.

Bóng chuyền Việt Nam từng chứng kiến, nhiều CLB, nhiều mô hình được lập ra khi bắt đầu đều tỏ rõ sự quyết tâm và đam mê. Thế nhưng, sau vài mùa chạy đua không có thành tích, việc chuyển nhượng không đạt được hiệu quả cũng là lúc nhiều đội bóng tan rã. Vậy là quanh đi quẩn lại, người ta mới thấy rằng chỉ những đội bóng với công tác đào tạo trẻ bền vững, dưới sự dẫn dắt của những ông bầu có tâm mới là những đội bóng trường tồn, vừa đảm bảo được hai yếu tố chuyên môn và thương hiệu.

Trong 2 thập kỷ gần đây, dễ thấy chỉ có duy nhất 2 CLB có thành tích và lực lượng ổn định chính là VTV Bình Điền Long An và Thông tin LienVietPostBank. Ở hai đội bóng này vẫn luôn có những nhân tố nổi bật và cốt lõi chính là việc góp sức, tăng cường sức mạnh cho ĐTQG. Để tập trung đào tạo trẻ đó là một quá trình đầu tư rất “tốn kém”. Nhưng về lâu dài đó lại là một điều có lợi cho những CLB vốn có truyền thống về đào tạo trẻ. Nhắc đến việc “ăn xổi ở thì” mới thấy hết được cái nguy hại của cách làm mua nguyên một đội hoặc mua những VĐV đẳng cấp về để thi đấu và cạnh tranh vị trí...song khi túi tiền vơi đi là lúc CLB bắt đầu lao dốc. Những bài học nhãn tiền như Bảo Long Hà Tây, Hòa Phát Hưng Yên, Vietsov Petro… là minh chứng cho sự phát triển bột phát.

Đặc điểm chung của những đội bóng này một phần đến từ việc muốn phát triển quá nhanh và cần thành tích, một phần do lơ là công tác đào tạo trẻ với sự đầu tư thiên lệch nên đã buông lỏng tuyến dưới. Trong khi đó, nguồn VĐV giỏi khan hiếm, điểm trên đầu ngón tay bóng chuyền Việt Nam được bao người như: Ngọc Hoa, Kim Huệ, Thanh Thúy, Từ Thanh Thuận… nên chăng không phải cứ muốn là có thể mua, có tiền là sẽ có quyền.

Rất nhiều biện pháp đã được đưa ra và cũng có những chuyển động tích cực, nhưng chưa đủ mức cần thiết. Hầu hết các đội chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng về lực lượng cùng vòng tròn luẩn quẩn của sức ép thành tích trước mắt, dù giờ đây sự quan tâm và điều kiện kinh phí chung đã tốt hơn nhiều.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều