Tiêu đề của website

Dành cho người yêu bóng chuyền: CHUYỀN HAI LỆ BÌNH

Nhắc đến những tay chuyền hai một thời của nữ BCVN người ta vẫn hay nhắc đến các gương mặt Bảo Oanh, Lệ Bình, Kim Quế và mấy người nữa, trong số đó, chuyền hai Lệ Bình là nhân vật được xem là độc đáo nhất.


Nhắc đến những tay chuyền hai một thời của nữ BCVN người ta vẫn hay nhắc đến các gương mặt Bảo Oanh, Lệ Bình, Kim Quế và mấy người nữa, trong số đó, chuyền hai Lệ Bình là nhân vật được xem là độc đáo nhất.

Nguyễn Thị Lệ Bình sinh năm 1944 tại TX Hà Đông trong một gia đình lao động. Mới 15 tuổi, cô gái đã cao gần 1m70 và có năng khiếu thể thao, nhất là ở hai môn chuyền sáu và bóng chuyền. Chỉ ít lâu sau, Lệ Bình lọt vào mắt xanh của nhà tuyển trạch, HLV Phan Thanh Lãng. Thế là cô gái Hà Đông trở thành cầu thủ ít tuổi nhất của Trường Huấn luyện TDTT TW, gọi tắt là Trường huấn luyện (THL).

Cuốn biên niên sử của BCVN ghi rằng thưở ấy, thập kỉ 60 của TK 20, nhân tài BC đều dồn về THL, đội nam có các danh thủ Đào Hữu Uyển, Nguyễn Thanh Thưởng, Lê Đình Phụng, Nguyễn Năng Sơn, Lâm Dũng…còn ở phái đẹp là các chị Nguyễn Thị Khiêm, Nguyễn Thị Mùi, Hoàng Kim Liên, rồi Nguyễn Thị Lệ Bình, Lê Bảo Oanh, Hoàng Kim Quế, Nguyễn Thị Phúc…và miền Bắc hồi đó, không một đội bóng nam, nữ nào đủ sức hạ bệ hai đội BC của THL.

Từ phải sang Kim Liên, Lệ Bình, Bảo Oanh, Mỹ Mỹ trong sắc áo đội tuyển Việt nam DCCH năm 1962.

BC ngày đó gian nan lắm. Thời chiến, nên sân bãi chỉ có một mặt sân xi măng là cùng mà chưa có sàn gỗ hay thảm bằng nỉ như bây giờ, bên điền kinh thì toàn chạy nhảy ngoài trời, cho nên mới có câu ca “Bóng chuyển mỏi gối, điền kinh hói đầu”. Trang thiết bị cũng rất thô sơ, cầu thủ chỉ di giày bata khi thi đấu còn lúc tập hay đi đất (!). Chưa hết, trái bóng khâu tay ngày đó to và nặng hơn trái Mikasa bây giờ nhiều lắm, thế nên người chuyền bóng phải cho đôi tay rắn chắc như thế nào mới làm tốt nhiệm vụ.

BC ngày đó đơn giản hơn bây giờ, khi chơi với sơ đồ 2-4, tức là 2 chuyền hai và 4 tấn công. Hai chủ công ở đội nữ là Nguyễn Thị Mùi và Hoàng Kim Liên, đi cùng họ lần lượt là chuyền hai Bảo Oanh và Lệ Bình và cả hai đều hay. Vậy mà đội bóng đã như một khối đoàn kết, rất đồng đều về ý chí và tung hoành trên các sân bãi trong và ngoài nước. Họ tham dự GANEFO 1063 tại thủ đô Jakarta, Indonesia, Tiểu Ganefo 1966 tại Cam –pu-chia, đi tập huấn và thi đấu ở Trung Quốc, Triều Tiên và đến đâu cũng được bà con yêu mến, nhất là với tay chuyền hai Lệ Bình.

Lệ Bình có bàn tay dẻo và khéo lắm. Các kỹ năng chuyền bóng đều thuần thục, đặc biệt có quả bỏ nhó it ai phát hiện và hóa giải: khi nhận bóng, chị hạ thấp trọng tâm trong khi chủ công cứ chạy đà rồi “đặt” nhẹ trái bóng qua lưới và sát ngay lưới đối phương và những khi chị ra đòn thành công là cả đấu trưởng lại ồ lên tiếng khen ngợi. Khi “hoa khôi” Bảo Oanh nghỉ đấu, Lệ Bình đã trở nên tay chuyền hạng nhất ở đội bóng hạng nhất, coi như trên đỉnh cao của sự nghiệp. Trong chuyến tập huấn thi đấu dài ngày ở Thượng Hải, Trung Quốc, tôi chứng kiến sự khâm phục của khán giả Trung Quốc khi xem Lệ Bình thi đấu. Trong mặt bằng chuyền hai ở Việt Nam cả một thời gian khá dài, các tay chuyền như Kim Quế (THL), Thoan, Gái (Thái Bình) đều chưa là đối trọng của Lệ Bình. Cựu danh thủ Nguyễn Thị Mùi, tay đánh số một của THL hồi đó kể rằng “Lệ Bình rất khéo, tiếp thu kĩ thuật mới rất nhanh”, ý nói là sau năm 1965, tuyển BCVN (nữ) bắt đầu có thêm lối đánh nhanh khá hiệu quả với phụ công Khưu Mỹ Mỹ và người chuyền bóng cho Mỹ không ai khác hơn Lệ Bình.

Lệ Bình (hàng ngồi bìa trái áo đen) cùng cán bộ, VĐV THL năm 1962: Khoa (BC), Hải (BC), Uyển (BC)

Hàng ngồi trên từ trái: ông Trương Tấn Bửu, Liên (BC), ông Phan Ngươn Đang…

Hàng đứng: Lý Đức Kim (giữa), Lê Thế Thọ (cạnh anh Kim), Phụng (BC, thứ 3 phải qua)…

Lệ Bình là người thông minh, ham hiểu biết. Ngoài chơi bóng, chị còn yêu văn chương, ham tìm tòi những sự lạ điều hay nên dễ được bè bạn yêu mến. Chị ham điện ảnh và từng có những nhận xét khá dí dỏm và có cá tính về môn nghệ thuật thứ bảy, điều mà không phải bất kì một nhà thể thao nào cũng tinh thông.

Sau khi THL giải tán, Lệ Bình được đi học làm HLV ở ĐH TDTT Từ Sơn, cùng khóa với liền chị Nguyễn Thị Anh Loan, là vợ của cựu danh thủ Phạm Quang Tuyến, nguyên PCT Liên đoàn BCVN khóa 1. Tuy nhiên, cũng sau thời gian này, Lệ Bình không có điều kiện đến với thể thao chuyên nghiệp, dù chị luôn đặt tình cảm vào trái bóng chuyền và những đồng đội thân yêu từng sát vai nhau ngày nào trên sân bãi. Nhiều năm sau này, sức khỏe của Lệ Bình không được tốt và chị phải nghiến răng chống chọi với căn bệnh quái ác, tuy thế, đầu năm nay Lệ Bình vẫn cố gắng tới dự buổi gặp gỡ những thành viên THV, tổ chức ở 36 Trần Phú, Hà Nội.

Mấy hôm nay, chị Lệ Bình không được khỏe. Căn bệnh quái ác đã buộc tay chuyền hai kiệt xuất một thời của BCVN đối diện với án tử. Tôi viết mấy lời này, mong bạn hữu BC của chúng ta cùng nhau chia sẻ với chị Lệ Bình và sẽ cùng nhau giúp chị chống chọi đến giờ phút cuối cùng…

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều