Tiêu đề của website

Cứu bóng chuyền việt nam, có nên thay máu VFV ?

Chỉ xếp sau bóng đá về sự ảnh hưởng và sức thu hút, bóng chuyền luôn được đánh giá là một trong những môn thế mạnh của thể thao Việt Nam. Tiếc rằng, vài năm trở lại đây, bóng chuyền đang có chiều hướng tuột dốc, đặc biệt về chất lượng, về sự hỗn loạn trong phương pháp điều hành của Liên đoàn. 


Chỉ xếp sau bóng đá về sự ảnh hưởng và sức thu hút, bóng chuyền luôn được đánh giá là một trong những môn thế mạnh của thể thao Việt Nam. Tiếc rằng, vài năm trở lại đây, bóng chuyền đang có chiều hướng tuột dốc, đặc biệt về chất lượng, về sự hỗn loạn trong phương pháp điều hành của Liên đoàn.

Người trong giới bóng chuyền đang bức xúc, từ các HLV cho đến chuyên gia đầu ngành về sự hỗn loạn kéo dài suốt thời gian qua. LĐBC Việt Nam (VFV) tiếng là có nhiều ban bệ, nhưng hoạt động thiếu khoa học, chỉ tập trung ở một vài người. Còn lại, rất nhiều người dường như chỉ biết “ngồi chơi, xơi nước”…

Một nhiệm kỳ thất bại

Năm tới, nhiệm kỳ 5 (2008-2012) sẽ kết thúc, nhưng có thể khẳng định rằng đây là nhiệm kỳ thất bại đối với bóng chuyền Việt Nam. Lời hứa về một viễn cảnh tươi đẹp từ phía Ban chấp hành nhiệm kỳ 5 chắc nhiều người vẫn nhớ và dấy lên niềm tin, rằng sớm thôi, bóng chuyền Việt Nam sẽ chuyển mình mạnh mẽ và khởi sắc.

Trước khi rút lui, cố Tổng thư ký Hà Mạnh Thư đã gửi gắm tất cả tâm huyết, trăn trở của mình vào thế hệ kế cận. Nhiều chuyện ông chưa làm được, thì dứt khoát người kế vị sẽ làm được và làm tốt hơn nữa. Làm bóng chuyền thời ông Thư, kiếm tiền khó, nhưng được cái vui vẻ, ai cũng nhiệt tình và hăng hái xắn tay vào việc. Không khí nói chung là phấn khởi…

Thế nhưng, ngay nhiệm kỳ đầu tiên sau thời cố TTK Hà Mạnh Thư, bóng chuyền Việt Nam dưới tay điều hành của người khác, bắt đầu… đi xuống. Đồng ý rằng, BCH nhiệm kỳ 5 đã kiếm được rất nhiều tiền, nhờ có ông Chủ tịch đến từ ngành dầu khí, có nhiều ông Phó Chủ tịch là doanh nhân. Đồng ý rằng, bây giờ bóng chuyền Việt Nam không thiếu giải đấu tập huấn, giao hữu quốc tế… Tuy nhiên, người trong giới bóng chuyền vẫn buồn.

Vì sao phải buồn? Vì mọi thứ quá ư hỗn độn, vì chất lượng các đội bóng, chất lượng của giải đấu và kể cả chất lượng VĐV trong nước không hề được nâng lên như người ta đã tin tưởng. Trong khi đó, chiến lược đưa ngoại binh đến ở giải VĐQG, giải hạng A bắt đầu tạo nên hiệu ứng xấu, mà lúc này, chuyện đẩy giá, tranh cướp ngoại binh đang khiến làng bóng chuyền trở nên xấu xí. Như thế có phải bóng chuyền Việt Nam đang xuống cấp và kéo theo những điều tiếng xấu hay không?

Nhiều lần rồi, những người giàu kinh nghiệm và có uy tín trong giới bóng chuyền như ông Nguyễn Thành Lâm, ông Trần Văn Thư, ông Trần Minh Khang, ông Nguyễn Bá Nghị đã góp ý chân tình, với hy vọng đưa bóng chuyền về lại đúng hướng, làm lợi cho cả một tập thể chứ không phải làm lợi cho bất kỳ cá nhân nào đó. Thế nhưng, người điều hành VFV gần như bỏ ngoài tai, cứ ý riêng mà làm.

Nói mãi chẳng suy chuyển được gì, thành ra họ đâm nản, chẳng muốn phàn nàn nữa. Thậm chí, những con người tâm huyết ấy đủ sức cứu bóng chuyền Việt Nam khỏi cảnh đáng buồn hiện nay, nhưng rồi họ quay lưng, bởi nếu xắn tay vào có khi lại mang tiếng là “phá đám”.

Có nên cải tổ không?

Hồi đầu năm, ông TTK Trần Đức Phấn từng tuyên bố sẽ rút lui, để nhường vị trí lại cho một người có tâm huyết, có tài và có mối quan hệ tốt điều hành VFV. Đấy là khi ông Phấn nhận thêm nhiệm vụ mới vô cùng quan trọng: Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao! Nắm Vụ 1 rất quan trọng, can hệ đến chiến lược phát triển thể thao đỉnh cao của nước nhà. Bận trăm công, nghìn việc như thế, ông Phấn phải trần mình ra mà lo, thêm chuyện của bóng chuyền nữa, chỉ e lỡ cả đôi đường.

Ông Phấn từng hứa sẽ sớm tìm ra người kế nhiệm, phần ông sẽ dồn sức cho thể thao nước nhà và dĩ nhiên vẫn dành sự ưu ái nhất định cho bóng chuyền. Thế nhưng, năm 2011 hết đến nơi rồi, bóng chuyền Việt Nam đã khép lại với nỗi buồn SEA Games 26, với những điều tiếng về quy chế chuyện nhượng VĐV, về sự gian lận của trọng tài ở vòng 1 giải VĐQG, về cách thức chọn người cho các ĐTQG… mà mọi chuyện vẫn “y như cũ”!?

BCH nhiệm kỳ 5 có nhiều người, nhiều ban bệ, nhưng chính thức làm việc hình như chỉ có vài người, còn lại hầu hết các ủy viên, và ngay cả như ông Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn cũng phải chấp nhận cảnh… ngồi chơi, hoặc lờ đi mọi chuyện. Không hiểu, ông Chủ tịch VFV Lê Minh Hồng có biết chuyện này không nhỉ? Ông Hồng đem đến cho bóng chuyền rất nhiều thứ, đặc biệt là giúp làm giàu cho ngân sách hoạt động của VFV kể từ ngày ngồi vào ghế Chủ tịch VFV. Thế nhưng, có khi nào ông Hồng đánh giá và hỏi rằng cấp dưới của mình đã làm tốt hay chưa, đã sử dụng đồng tiền cho hợp lý và vì sự phát triển chung của bóng chuyền hay chưa?

Ông Trần Minh Khang - một người có uy tín trong giới bóng chuyền - mới đây nói thẳng: “Có lẽ, đã đến lúc người trong giới phải hành động thôi, chán phàn nàn rồi. Hành động để cứu bóng chuyền, vì nếu không tự cứu mình, có lẽ sẽ chẳng ai cứu cả. Nhiều đồng nghiệp nói với tôi rằng ông là ủy viên trong BCH VFV mà không làm gì để cứu vãn tình hình hiện nay là có tội. Tôi muốn, nhiều người cũng muốn lắm. Nhưng muốn là một chuyện, còn làm được hay không thì phải biết ý tứ lãnh đạo Tổng cục TDTT, các vị khác trong VFV có ủng hộ hay không”.

Ông Khang nói đúng, và có lẽ, giới bóng chuyền giờ đây nên nghĩ đến cùng một hướng, rằng cải tổ công tác quản lý, hoạt động của VFV là điều cấp thiết. Thứ nhất, để đưa bóng chuyền về lại đúng quỹ đạo phát triển của mình. Thứ nhì, để đảm bảo rằng làng bóng chuyền không thiếu người làm được việc, không thiếu người tâm huyết, mà chỉ thiếu… tinh thần đoàn kết!

                                                                                                           

                                                                                           Thanh Lâm (SGGP)


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều