Tiêu đề của website

Bóng chuyền đỉnh cao TPHCM sạch bóng: “Cái chết” được báo trước

Sau đội nữ Tân Bình, đội nam CLB TPHCM chính thức rớt hạng khiến TP lớn nhất nước không còn đại diện nào ở sân chơi đội mạnh quốc gia

Sau đội nữ Tân Bình, đội nam CLB TPHCM chính thức rớt hạng khiến TP lớn nhất nước không còn đại diện nào ở sân chơi đội mạnh quốc gia
Đêm 18-10 trở thành đêm buồn của bóng chuyền TPHCM khi đội tuyển nam CLB TPHCM chính thức rớt hạng sau khi thất bại 1-3 trước Quân khu 5 ở vòng chung kết ngược. Trước đó, đội nữ Tân Bình TPHCM cũng đã nói lời chia tay tại Giải Các đội mạnh toàn quốc 2010, khiến TP lớn nhất nước không còn một đại diện nào ở sân chơi cao nhất cấp quốc gia. “Buông súng” trước giờ ra trận Yếu kém của CLB TPHCM đã sớm được nhiều người nhìn ra khi ở lượt đi đội bóng này chỉ giành được 2 trận thắng mong manh và lượt về thi đấu đầy chật vật. CLB TPHCM không rớt hạng mới lạ bởi 2 tháng trước đây, lời báo động đã sớm được lên tiếng khi hàng loạt cầu thủ trụ cột phải nói lời chia tay vì tiền lương không đủ sống, tiền tài trợ đội bóng cũng không còn. Yếu tố này tạo tâm lý uể oải trong quá trình tập luyện của toàn đội chuẩn bị lượt về, thậm chí có tư tưởng “buông súng” trước lúc vào trận. Loay hoay trước viễn cảnh đầy khó khăn trên, điều lạ thay khi lãnh đạo ngành thể thao và cả Liên đoàn Bóng chuyền (LĐBC) TPHCM chỉ biết động viên bằng lời, còn chuyện hỗ trợ nguồn tiền giúp các cầu thủ hưng phấn hơn thì dường như bế tắc.
Thành Công (phải) của TPHCM tấn công trong trận thua Quân khu 7 ở vòng 2 Giải Bóng chuyền đội mạnh quốc gia 2010. Ảnh: Trung Khiêm
HLV Lê Hồng Hảo thẳng thắn nhìn nhận: “Nguyên nhân thất bại ngoài yếu tố chuyên môn là lực lượng không đồng đều, nội và ngoại binh thi đấu không ổn định thì một số cầu thủ có tư tưởng chán nản vì trước đó nguyện vọng được chuyển sang thi đấu cho đội khác của họ không được giải quyết”. Ông Nguyễn Bá Nghị, Phó Chủ tịch LĐBC TP, ung dung nhận xét: “Rớt hạng là kết quả không quá bất ngờ”! Với đội nữ Tân Bình TPHCM, số phận của họ cũng được định trước. Theo giới am tường, khả năng yếu kém về chuyên môn chỉ là phần ngọn còn phần gốc là sự phối hợp, gắn kết của LĐBC TP với đơn vị quản lý còn nhiều bất cập. Tự xóa sổ Chuyện rớt hạng đối với bóng chuyền TPHCM không phải bây giờ mới có. Bốn năm trước, đội Bưu Điện TP (tiền thân CLB TPHCM hiện nay) đã từng trải qua nỗi đau này nhưng sau đó bằng nỗ lực của một số người tâm huyết, trong đó có ông Phạm Phú Ngọc Trai, nguyên Chủ tịch LĐBC TPHCM, bộ mặt của bóng chuyền đỉnh cao TP có phần sáng sủa hơn. Tuy nhiên, việc tồn tại ở sân chơi đỉnh cao cũng không thể kéo dài một phần do cơ chế chưa chuyên nghiệp, nhưng điều quan trọng hơn là bóng chuyền TPHCM đã tự đánh mất thương hiệu của chính mình khi nội tình quản lý có quá nhiều ẩn khuất. Trước hết, việc hai đơn vị là Dệt may Thành Công và Thép Việt rút lui không tài trợ cho bóng chuyền TPHCM đã tạo ra sự khủng hoảng tài chính, ảnh hưởng đến thu nhập của VĐV không phải là không có lý do. Tiếp đến, chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký LĐBC TPHCM lần lượt rút lui vì ngao ngán... đủ nói lên cung cách tổ chức, điều hành, quản lý của bộ máy tổ chức xã hội này có lỗ hổng. Việc bổ nhiệm, thay đổi trưởng bộ môn bóng chuyền của lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM không những không đủ thuyết phục mà còn tạo nên sự rối ren, gây hoang mang trong đội ngũ VĐV. Đó là chưa kể những bức xúc của nhiều VĐV khiếu kiện chế độ đãi ngộ của họ bị xâm phạm nhưng tất cả đều rơi vào sự im lặng.

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều