Tiêu đề của website

Đường lên độc lập

Từ đỉnh dốc Can nhìn xuống, toàn cảnh TP. Hòa Bình sầm uất với dòng Đà Giang như một con đường khổng lồ chạy qua. Thế mà để vượt dốc Can vào xã Độc Lập của huyện Kỳ Sơn phải qua 14 km đường dốc vô cùng vất vả. Bởi thế, Độc Lập…

Từ đỉnh dốc Can nhìn xuống, toàn cảnh TP. Hòa Bình sầm uất với dòng Đà Giang như một con đường khổng lồ chạy qua. Thế mà để vượt dốc Can vào xã Độc Lập của huyện Kỳ Sơn phải qua 14 km đường dốc vô cùng vất vả. Bởi thế, Độc Lập vẫn là xã vùng miền núi khó khăn. Để vượt khó và phát triển, đã từ lâu, người dân Độc Lập xác định phải phát huy nội lực, trong đó tăng cường đoàn kết và giữ vững công tác an ninh là vô cùng quan trọng…
1. Cách đây khoảng trên dưới 300 năm, núi rừng Hòa Bình còn vô cùng hoang sơ. Một lần, ông Lý Thuôm (Lý trưởng tên Thuôm, họ Nguyễn) cai quản vùng Trung Minh – Kỳ Sơn đưa người lên khu động Can chặt gỗ làm nhà. Thấy có bưa bãi, ông Lý Thuôm về mang gia nhân lên khai phá ruộng nương. 5 người đàn ông đầu tiên lên trú ngụ tại động Can ngày ngày khai hoang lập điền. Rồi họ đưa gia đình lên sinh sống và qua vài đời đã phát triển thành 5 chi họ Nguyễn ở vùng đất này. Sau đó có một người họ Bùi ở Mông Hóa theo lên lập thêm chi họ Bùi cho đến nay. Khi đã có dân, lập làng vùng đất này thuộc tổng Quỳnh Lâm. Thời Pháp thuộc thành lập xã gọi là xã Na Nội gồm các xóm: Dối, Can, Song, Mùi, Na Nội, Gốc Mít và Động Mán. Sau Cách mạng Tháng Tám, xã Na Nội đổi thành xã Độc Lập thuộc huyện Kỳ Sơn. Nói về lịch sử vùng đất này, cụ Nguyễn Văn Hộ, 80 tuổi cho biết, thời thuộc Pháp, hai người yêu nước là Tổng Kiêm và Đốc Bang đã đồn trú ở Na Nội để từ đây kéo quân về cướp tỉnh Hòa Bình. Hiện nay còn có các địa danh như đồi Cắm Cờ ở xóm Gốc Mít - nơi Tổng Kiêm và Đốc Bang dựng cờ khởi nghĩa; suối Trại Quan ở xóm Can là nơi chỉ huy nghĩa quân đóng trại.
Khi đất nước chưa có độc lập, đời sống của nhân dân vùng này vô cùng khó khăn. Tuy gần tỉnh lỵ nhưng do đi lại cách trở nên nơi đây vẫn là vùng sâu, xa gần như biệt lập với các địa phương khác. Nhất cử, nhất động do Nhà Lang điều khiển. Nhà ai có công việc gì phải mổ lợn hoặc săn được con thú đều phải dâng lên Lang một đùi sau và đầy đủ các bộ phận của con vật. Câu “ăn biếu, thiếu bắt” có nghĩa là có ăn thì phải biếu, mà biếu thiếu thì bị bắt tội và “Quan sai, ngài khiến” còn truyền tụng trong những người cao tuổi cho đến bây giờ. Không những thế, trong làng đặt ra những phong tục rất phiền hà để mua vui nhưng làm khổ người dân. Cụ ông Nguyễn Văn Hộ và cụ bà Nguyễn Thị Đậu kể lại: Sáng mồng Một Tết, nhà nào cũng phải làm cỗ tầng mang ra đình. Mồng Ba Tết, ông chủ tế đánh trống ở đình thì trong làng mới được giã gạo, chặt củi gọi là động thổ. Mồng Năm Tết, mỗi nhà một con gà luộc, một chai rượu mang ra đình lễ xong thì mới xuống đồng. Mồng Sáu, mồng Bảy Tết làm lán “chơi tiệc”, hình thức như cắm trại bây giờ. Mỗi nhà phải tự dựng lán ở một bãi rộng, làm cây đu và mang cỗ ra ăn tập trung. Trong mân cỗ có rất nhiều loại bánh, nhưng nhất thiết phải có bánh chè lam. Làm bánh chè lam rất vất vả. Trước hết phải rang thóc nếp cho nổ, rồi nhặt lấy những hạt nổ gọi là hoa giã nhuyễn sau đó hòa với đường phên, nước gừng làm chè lam. Đặc biệt mỗi nhà phải nộp một đôi bánh chưng gói tới 5 cân gạo gọi là bánh đu để thưởng cho người đu và khiêng kiệu. Bánh mang ra nộp có người đo kích cỡ, nếu chưa đủ tiêu chuẩn thì phải phạt từ một đến hai chai rượu. Mồng Tám Tết mới khiêng cối hương về trả tại đình. Nhiều nhà khó khăn phải bán ruộng để làm cỗ ngày Tết. 2. Chính vì nỗi thống khổ như vậy, nên sau Cách mạng Tháng Tám thành công, lập chính quyền, nhân dân đồng tâm đề nghị đặt tên xã là xã Độc Lập. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, người dân Độc Lập hăng hái xây dựng cuộc sống mới và tập trung sức người, sức của đóng góp vào hai cuộc kháng chiến chống xâm lược. Hàng trăm người con ưu tú của Độc Lập lên đường tòng quân và chiến đấu ở các chiến trường. Điển hình như gia đình mẹ Nguyễn Thị Đậu có 5 con tòng quân đánh Mỹ và người con trai cả đã hy sinh. Trong hàng chục liệt sỹ của xã Độc Lập thì riêng xóm Can có tới bảy người. Xương máu của con dân xã Độc Lập góp phần tô thắm truyền thống quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Từ 5 người dân họ Nguyễn và một người họ Bùi lên khai phá lập làng, trải qua 3 thế kỷ, tới nay Độc Lập đã thành một xã có gần 400 hộ với trên 2.000 nhân khẩu. Nghề nghiệp của nhân dân ở đây chủ yếu làm ruộng và trồng rừng. Kinh tế ngày một mở mang, phát triển. Trong xã có nhiều hộ làm kinh tế giỏi như hộ anh Phương Tiến ở xóm Mùi, hộ cựu chiến binh Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Minh Hồi ở xóm Sòng, hộ ông Mừng, ông Niên ở xóm Can… trồng rừng và chăn nuôi, mỗi năm thu trên 50 triệu đồng. Hệ thống trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang. Năm học 2010 – 2011, toàn xã có 20 em học các trường đại học và cao đẳng; mỗi năm có hàng chục em theo học THPT tại huyện Kỳ Sơn và trường dân tộc nội trú của tỉnh. Cùng với sự đi lên của đời sống kinh tế, Đảng bộ xã Độc Lập đặc biệt quan tâm xây dựng đời sống văn hóa của nhân dân. Mỗi xóm có một đội văn nghệ và một đội bóng chuyền. Vào các dịp Tết Độc lập mồng 2 tháng 9, Tết Nguyên đán, hội giao quân, vào năm học mới và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân… xã đều tổ chức liên hoan văn nghệ và thi đấu bóng chuyền. Không chỉ trong phạm vi xã, đội tuyển văn nghệ và bóng chuyền của xã Độc Lập còn tham gia hội diễn, hội thao toàn huyện và giao lưu với các địa phương, đơn vị trong khu vực. Qua những hoạt động đó, người dân Độc Lập càng thêm yêu quê hương và hăng hái tham gia các phong trào thi đua cách mạng. Khi cái tốt nảy nở và phát triển thì cái xấu phải lùi bước và đi tới triệt tiêu. Già làng Nguyễn Văn Hộ ở xóm Can kể: Trong hương ước của chúng tôi, các dòng họ và từng gia đình phải quản lý, bảo ban con cháu mình. Nếu người nào vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội hay những điều cấm ghi trong hương ước thì chi họ, dòng họ đưa ra kiểm điểm. Kiểm điểm đến lần thứ 3 mà không sửa thì khai trừ ra khỏi họ. Cụ Hộ dẫn chứng (một trường hợp và cũng là trường hợp duy nhất cho tới nay) đó là vào những năm 1985, 1986, ông Nguyễn Văn T. ở xóm Can đối xử với cha mẹ không tốt, dòng họ đưa ra kiểm điểm mà không sửa chữa nên bị khai trừ khỏi họ. Sau 2 năm không có ai đến nhà, không được tham gia mọi sinh hoạt trong họ, ông T. đã ăn năn, sửa chữa và xin được kết nạp lại vào dòng họ. Cho tới nay bản thân ông T. và gia đình gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều quý báu và đáng tự hào là trong vài năm gần đây cả xã không xảy ra vụ việc gì phải đưa lên huyện giải quyết, không tranh chấp, khiếu kiện. Đặc biệt tuy giáp với phường Đồng Tiến của TP. Hòa Bình – nơi đã từng là điểm nóng về ma túy nhưng cho đến nay, ma túy vẫn phải đứng ngoài ranh giới của Độc Lập. Cả xã không có người nào liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma túy. Đảng bộ và nhân dân xã Độc Lập lúc nào cũng nêu cao quyết tâm giữ cho địa bàn trong sạch, quyết không để cho ma túy, mại dâm, cờ bạc và số đề xâm phạm. Là một xã miền núi nhưng trong các đám cưới, đám tang từ nhiều năm nay đã không có người say rượu. Người chết không để quá 24 tiếng đồng hồ. Người đến giúp nhà đám không ai ở lại ăn cơm. Đám cưới không thách và chỉ làm gọn trong một ngày vv… Tất cả những chuyển biến đó đã và đang thấm sâu trong mỗi người dân để cùng xây dựng một xã Độc Lập thanh bình, văn minh và giầu mạnh. 3. Tuy nhiên, xã Độc Lập còn không ít khó khăn. Là một xã của huyện Kỳ Sơn không xa huyện lỵ và tỉnh lỵ, nhưng đường đến Độc Lập còn vô cùng vất vả. Chỉ 14km từ phường Đồng Tiến của TP. Hòa Bình đến ủy ban nhân dân xã Độc Lập mà phải đi xe máy gần hai tiếng đồng hồ. Đường đất dốc, mùa mưa bị cắt phá, đi lại nguy hiểm. Nhiều hôm, các cô giáo từ TP. Hòa Bình phải đi vòng Kim Bôi đến xã Đú Sáng mới sang được Độc Lập. Thế là thay vì đi 14km, họ phải đi hơn 40 km để đến trường dạy học. Nhưng gặp mưa lũ thì ngay cả đi vòng Kim Bôi cũng chịu vì lũ lớn không thể vượt qua ngầm được. Gặp ngày như thế học sinh đành phải nghỉ học. Mặt khác do đường đi lại khó khăn, nguy hiểm nên không ít lần thầy, cô giáo bị ngã xe phải nghỉ ở nhà điều trị. Nói ngay trong xã, 3 cán bộ chủ chốt là ông Nguyễn Quốc Bụ - Phó Chủ tịch HĐND, ông Nguyễn Hữu Thỉnh – Trưởng Công an xã, ông Nguyễn Văn Tình – xã đội phó nhà xóm Can cách trụ sở UBND xã 7km đường đèo dốc. Chả nhẽ cán bộ địa phương mà lại ăn nghỉ tại trụ sở. Nhưng, hàng ngày phải đi về 4 lượt thì quả là vất vả mà họ chỉ có đồng lương ít ỏi chứ làm gì có tiền đi đường. Mong các cấp, các ngành quan tâm nâng cấp, kiên cố hóa con đường từ quốc lộ 6 vào xã Độc Lập để không bao giờ xã Độc Lập trở thành cô lập. Đó là ước nguyện là khát khao của Đảng bộ, chính quyền và tất cả người dân xã Độc Lập hiện nay. Chúng ta cùng tin tưởng rằng một ngày không xa, con đường lên Độc Lập sẽ là một con đường nên thơ đến với động Can để du khách được ngồi bè, mảng trong lòng núi. Từ trường trung học cơ sở cho đến các xóm, tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng, lời ca, điệu múa sôi nổi mà đắm say chuẩn bị cho ngày Tết độc lập và khai giảng năm học mới. Niềm vui hân hoan nở hoa trên từng gương mặt người dân. Nhà nhà bài trí cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ nơi trang trọng với tất cả tấm lòng biết ơn và thành kính. Chia tay bà con nhân dân xã Độc Lập xuống núi, chúng tôi quyến luyến bởi được tình người níu lại

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều