Tiêu đề của website

Đội bóng chuyền nam Long An: Thầy từ chức, trò ra đi

HLV Nguyễn Văn Hải xin từ chức, vài cầu thủ đã tìm đến với những đội bóng mới, người ở lại hoang mang, thực sự lo ngại cho tương lai vô định của mình. Chỉ trong vòng 2 năm, đội bóng chuyền nam Long An đón nhận 2 cú sốc, ngày càng trở nên long đong hơn…

HLV Nguyễn Văn Hải xin từ chức, vài cầu thủ đã tìm đến với những đội bóng mới, người ở lại hoang mang, thực sự lo ngại cho tương lai vô định của mình. Chỉ trong vòng 2 năm, đội bóng chuyền nam Long An đón nhận 2 cú sốc, ngày càng trở nên long đong hơn…
Đội bóng chuyền nam Long An giờ đây không còn nguyên vẹn sau cú sốc về lực lượng đầu mùa bóng 2012. Ảnh: Q.TH
Nội bộ bất ổn! Thực ra trước tết Nguyên đán, HLV Nguyễn Văn Hải đã xin rút lui, không giữ cương vị HLV trưởng của đội bóng chuyền nam Long An nữa và rút về Sở VH-TT-DL. Theo ông Hải, sự việc đồng loạt các học trò của ông sau vòng 2 giải VĐQG 2011 nộp đơn xin nghỉ và đề nghị thay đổi HLV trưởng xuất phát từ sự xúi giục của một vài cá nhân trong đội. “Họ đều là học trò của tôi nhiều năm rồi, nhưng lại hành động rất trẻ con như thế, tôi chẳng còn gì để luyến tiếc. Tốt nhất, tôi xin rút lui. Tôi chỉ trở lại trừ phi những cầu thủ cố tình gây khó dễ cho tôi không còn ở đội nữa. Bằng không, tôi sẽ nghỉ hẳn huấn luyện”, ông Hải đã khẳng định như thế. Sau khi nộp đơn, hầu hết các cầu thủ đội nam Long An trở về quê và nghỉ Tết Nhâm Thìn trước thời hạn, chỉ còn sót lại duy nhất cây chuyền 2 Phạm Phước Tiến - người đã không viết lá đơn xin nghỉ - bơ vơ giữa sân tập. Tuy nhiên, chính Phước Tiến lại nằm trong diện tình nghi lớn nhất của HLV Nguyễn Văn Hải, tức là cầm đầu nhóm cầu thủ nổi loạn. “Sau sự việc các cầu thủ nộp đơn xin nghỉ, tôi thật không biết lý giải ra sao với thầy Hải và nhiều người nữa. Ai cũng nghĩ rằng tôi xúi giục các đồng đội bỏ tập, mặc dù tôi chưa hề viết lá đơn xin nghỉ nào hết. Chỉ đến khi các cầu thủ gọi và nói tôi rằng “tụi em về hết rồi, anh ở lại tập một mình nhé”, tôi mới biết đã xảy ra chuyện lớn. Sau đó, tôi đã gọi điện để khuyên giải nhiều người, kêu họ quay trở lại tập luyện vì dù sao chúng tôi cũng đang thuộc biên chế của Sở VH-TT-DL Long An, không thể nói nghỉ là nghỉ được liền. Cái gì cũng phải có phép tắc chứ”, cầu thủ Phạm Phước Tiến bày tỏ với chúng tôi. Những lời thanh minh của Phước Tiến sau sự thể đã rồi ấy không lay động được ông thầy cũ, anh đành chấp nhận về nhà nghỉ, không dám tới sân tập nữa. “Nhiều hôm ngứa ngáy muốn ra đập bóng mà lại ngại nên tôi ở nhà luôn cho đến khi HLV Ngô Quốc Bảo gọi trở lại tập. Tôi không làm chuyện xấu, chẳng việc gì phải hổ thẹn, dù rằng nhiều người chưa hiểu chuyện vẫn nghĩ rằng tôi đã cố tình làm khó chính thầy của mình”, Tiến nói thêm. Chạy trốn đất nghèo! Ông Hải rút lui, HLV Ngô Quốc Bảo được giao tạm quyền huấn luyện đội bóng. Vừa cầm quân, vị “phó tướng” này đã mất 2 vị trí quan trọng là cây chuyền 2 kỳ cựu Trần Thanh Tùng và phụ công Huỳnh Văn Tuấn - những người được Long An cho mượn và chuyển nhượng về đội Maseco TPHCM.
Cây chuyền 2 kỳ cựu Thanh Tùng của Long An đã gia nhập đội bóng khác. Ảnh: Dũng Phương
Ngày 14-1-2010, Tập đoàn Hoàng Long chính thức bàn giao lại đội bóng chuyền Hoàng Long Long An cho Sở VH-TT-DL tỉnh sau gần 6 năm tài trợ. Cú rút lui này đẩy “đội bóng nội hay nhất Việt Nam” trong vòng 10 năm qua vào thế bí, đến hiện tại vẫn chưa tìm được nhà tài trợ mới để chống lưng.
Đến hiện tại, quân số của đội nam Long An chỉ còn lại 12 cầu thủ. Sau khi HLV phó Ngô Quốc Bảo được đôn lên nắm toàn quyền chỉ đạo, những cầu thủ từng nộp đơn đã quay trở lại tập luyện, chuẩn bị cho Cúp bóng chuyền quốc tế Hoa Lư - Báo SGGP 2012 sắp khởi tranh. Trong tư tưởng của nhiều cầu thủ Long An, ra đi có lẽ là giải pháp “vẹn cả đôi đường” cho cá nhân và cho cả bóng chuyền nơi đây. Thế nhưng, xưa nay, ngoại trừ được xét vào diện cho mượn hoặc lãnh đạo ngành chấp thuận chuyển nhượng, cầu thủ Long An khó mà dứt hẳn áo để ra đi. Sự ràng buộc về pháp lý là rào cản lớn nhất đối với mọi đội bóng từ lâu vẫn luôn nhăm nhe “rút ruột” tài năng của đội bóng này. Thành ra, sau sự cố vừa qua, một số cầu thủ giỏi chuyên môn xin lãnh đạo cho chuyển nhượng đến đội bóng khác với mức phí rất cao, nhưng không được. Đi không xong, ở lại thì phải tiếp tục đợi chờ một phép màu nào đó xảy đến, nhiều cầu thủ đã rất hoang mang trong lòng. Có người thậm chí còn muốn xin nghỉ hẳn để chuyển sang nghề khác dễ kiếm sống hơn. Nhưng ở đây, nói nghỉ, nói đi đâu có dễ dàng như vậy được…

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều