Tiêu đề của website

Thể thao Việt Nam 1 năm nhìn lại: Không khéo, bóng chuyền sẽ giống bóng đá!

Khi mùa giải 2012 mới đi được nửa chặng đường, nhiều nguồn tin đã chỉ ra rằng năm tới nhiều đội bóng sẽ rút lui hoặc được chuyển giao. Tiềm lực tài chính mạnh như đội nam Tập đoàn Dầu khí quốc gia mà còn nằm trong diện phải tác hợp với nơi khác để tồn tại, thì nói gì đến những đội bóng không có sự đầu tư căn cơ. Không khéo, bóng chuyền sẽ lại giống bóng đá, tức là nhiều ông bầu chọn thời điểm để nói lời chia tay…

Khi mùa giải 2012 mới đi được nửa chặng đường, nhiều nguồn tin đã chỉ ra rằng năm tới nhiều đội bóng sẽ rút lui hoặc được chuyển giao. Tiềm lực tài chính mạnh như đội nam Tập đoàn Dầu khí quốc gia mà còn nằm trong diện phải tác hợp với nơi khác để tồn tại, thì nói gì đến những đội bóng không có sự đầu tư căn cơ. Không khéo, bóng chuyền sẽ lại giống bóng đá, tức là nhiều ông bầu chọn thời điểm để nói lời chia tay…
Sự nhạt nhẽo của sân chơi trẻ Giới chức bóng chuyền đã giật mình khi nhìn vào số lượng các đội bóng tham dự cúp các CLB trẻ toàn quốc 2012 kết thúc cách đây chưa lâu: chỉ có vỏn vẹn 13 đội bóng góp mặt, nghĩa là thiếu mất một nửa quân số theo quy định. Cúp này được xem là “giải VĐQG phiên bản 2.0” của 24 đội bóng đang chơi ở giải VĐQG (trước đây mang tên giải đội mạnh toàn quốc). 8/12 đội nam và 5/12 đội nữ là những con số biết nói, chỉ ra một dấu hiệu không mấy lạc quan của bóng chuyền Việt Nam trước khi bước vào mùa giải 2013 - thời điểm chắc chắn sẽ có nhiều cách tân so với trước đây. Rõ ràng, sự nhạt nhẽo của sân chơi của cầu thủ trẻ năm nay (tất nhiên là cả nhiều năm trước đây nữa) đã đẩy làng bóng chuyền Việt Nam vào tình thế chông chênh hơn bao giờ hết.
Không khéo, bóng chuyền sẽ lại giống bóng đá… Ảnh: Nhật Anh
Ngoại trừ các đội bóng ngay từ đầu đã xây dựng cho mình một hệ thống đào tạo trẻ bài bản như VTV Bình Điền Long An, Thông tin LVTrustbank, Thể Công, Tràng An Ninh Bình, Thái Bình, Long An, Quân đoàn 4, TPHCM, Quảng Ninh…, thì những cái tên như Đức Long Gia Lai, Vietsov Petro, Cao su Phú Riềng, Quân khu 9, CA Phú Thọ, Vĩnh Long, PKKQ… trên thực tế đã “nói không” với Cúp CLB trẻ - sân sau của chính họ. Bỏ Cúp CLB trẻ thì đồng nghĩa với việc hoặc các đội bóng nói trên không xây dựng mô hình đào tạo cầu thủ trẻ, hoặc không thể “vay mượn” được lực lượng từ những địa phương khác như trước kia, trong khi kể từ mùa bóng 2013, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) quy định 12 đội nam và 12 đội nữ dự giải VĐQG phải có tuyến kế cận. Nếu không đảm bảo được điều đó, các đội bóng sẽ không được dự tranh giải VĐQG. Như vậy, căn cứ trên số lượng các đội bóng dự Cúp CLB trẻ toàn quốc 2012, thì sẽ hình dung ra mùa bóng 2013 có bao nhiêu đội dự giải VĐQG. Giới chức VFV đang đau đầu tìm cách cứu vãn tình hình, nếu không muốn bóng chuyền lại đi vào vết xe đổ giống như bóng đá: các đội bóng chạy đua nhau để được… khai tử! Chính ông Nguyễn Bá Nghị - Phó chủ tịch VFV phụ trách chuyên môn - cũng phải thừa nhận rằng đây là thời điểm bóng chuyền Việt Nam rơi vào tình trạng “bong bóng”, rất dễ tan vỡ nếu điều hành không khéo. Nhiều HLV than thở cũng muốn làm tuyến trẻ, nhưng ngay từ vạch xuất phát, một số nhà đầu tư chỉ coi đây là bài toán thương hiệu nhất thời, không nghiêm túc nghĩ đến chuyện lâu dài, thành ra có muốn xây dựng cho đàng hoàng thì rất khó. Tiêu biểu trong đội hình “không cần VĐV trẻ” có Đức Long Gia Lai, Ngân hàng Công thương, Công an Phú Thọ… Ngay cả đội bóng có bề dày truyền thống và đào tạo trẻ đều đặn như Maseco TPHCM giờ đây cũng đứng giữa ngã ba đường, sau khi nhà đầu tư tuyên bố trả lại đội trẻ cho Sở VH-TT-DL trước khi vòng 2 giải VĐQG 2012 khởi tranh, không nhận nuôi nữa. Thiếu tiền ư? Chưa hẳn! Nuôi một đội bóng chuyền đầy đủ các tuyến từ lớn xuống nhỏ như VTV Bình Điền Long An và Thông tin LVTrustbank, Tràng An Ninh Bình năm nào nhiều thì tốn khoảng 7-8 tỷ đồng, còn vừa phải thì mất chừng 5-6 tỷ đồng. Mức kinh phí để duy trì một đội bóng trung bình dao động trong khoảng từ 2,5-4 tỷ đồng/năm. Bài toán kinh phí này không lớn hơn so với số tiền mà các doanh nghiệp bỏ ra để quảng cáo, tiếp thị thường niên. Kết thân với bóng chuyền thậm chí còn được lợi nhiều mặt khác nữa, chứ không riêng gì chuyện quảng bá hình ảnh cho doanh nghiệp. Thành ra, nói vì thiếu tiền mà mùa giải 2013 có nguy cơ vắng nhiều đội bóng dự tranh thì chưa hẳn, và bằng chứng là VTV Bình Điền Long An, Thông tin, Tràng An Ninh Bình, Thể Công, Thái Bình, Biên phòng vừa được bật đèn xanh tăng cường kinh phí, thậm chí có nơi chuẩn bị xây dựng cả Trung tâm đào tạo trẻ riêng biệt.
VFV đóng vai trò gì? Tổng thư ký VFV Trần Đức Phấn vẫn tại vị, không từ chức như nhiều người nghĩ sau khi để làng bóng chuyền trôi đi vô định và xảy ra quá nhiều biến cố trong 2/3 nhiệm kỳ ông điều hành. Đấy là vấn đề lớn nhất của VFV và mặc dù rất nhiều ủy viên trong BCH tổ chức này muốn giải quyết triệt để nhưng vẫn không thể làm nổi. Khi mọi thứ đã cắm rễ, đã ăn sâu vào đá rồi, thì có muốn cải tổ cũng khó, đấy là nói theo sự thừa nhận của chính những người đang làm bóng chuyền hiện nay. Chính vì “thượng tầng quản lý” của VFV không ổn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nên làng bóng chuyền Việt Nam có thời điểm rơi vào trạng thái hỗn loạn và mất phương hướng hành động. Quyền lực chỉ nằm trong tay một vài cá nhân, khiến sức mạnh tập thể (vốn là ưu thế trước đây) giảm sút đáng kể, giảm đến mức nhiều người tâm huyết bắt đầu tỏ ra chán nản, không còn đưa ra những ý kiến tư vấn mang tính chiến lược cho bóng chuyền nữa. Dấu ấn của VFV trở nên nhạt nhòa, trong cả năng lực quản lý lẫn điều hành hoạt động của làng bóng chuyền. Mỗi năm, dưới sự hậu thuẫn của Tập doàn Dầu khí quốc gia và đặc biệt là từ ông Chủ tịch Lê Minh Hồng, VFV có được nguồn kinh phí rất lớn, dư sức trang trải mọi hoạt động từ lớn đến nhỏ. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của VFV theo đánh giá của người trong giới, là rất mờ nhạt và không mang tính tập thể. Vì thế, chưa bao giờ dân bóng chuyền lại hy vọng Đại hội VFV nhiệm kỳ VI trong năm 2013 diễn ra sớm hơn dự kiến cả… nửa năm như lúc này! VIỆT HÙNG

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều