Tiêu đề của website

Vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG 2015: Tam nương đại chiến

Quá sớm để bàn về kết cục của vòng 2 giải VĐQG năm nay, thế nhưng, giới làm nghề cũng có thể hình dung ra cuộc chiến ở giải nữ vẫn chỉ xoay quanh “tam nương” VTV Bình Điền Long An, Thông tin LVPB và Ngân hàng Công thương.


Quá sớm để bàn về kết cục của vòng 2 giải VĐQG năm nay, thế nhưng, giới làm nghề cũng có thể hình dung ra cuộc chiến ở giải nữ vẫn chỉ xoay quanh “tam nương” VTV Bình Điền Long An, Thông tin LVPB và Ngân hàng Công thương.

VTV Bình Điền Long An (phải) tiếp tục có cuộc tái đấu với Thông tin LVPB.  Ảnh: Dũng Phương

Ở vòng 1, khép lại Cúp Hùng Vương, đội bóng Long An đã lên ngôi sau khi đánh bại các cô gái Thông tin ở chung kết. Song, nên nhớ rằng cuộc chạy đua ở vòng 2 mới thực sự đáng quan tâm, bởi lẽ cả 3 đội thuộc nhóm ứng cử viên hàng đầu đều có sự chuẩn bị lực lượng khá kỹ, sẽ dốc toàn lực để tìm kiếm danh hiệu. Ở đó, VTV Bình Điền Long An và NHCT là tham vọng hơn cả, trong lúc Thông tin LVPB đang có vẻ chững lại sau một giai đoạn độc chiếm các danh hiệu cao nhất.

Hôm rồi, ít ngày trước lúc dẫn quân ra Nha Trang chuẩn bị cho vòng đấu bảng, HLV Nguyễn Văn Hải của đội đang giữ danh hiệu vô địch vòng 1 thừa nhận cái khó nhất mà VTV Bình Điền Long An gặp phải trước thềm vòng 2 chính là lực lượng bị phân tán ở nhiều thời điểm: Ngọc Hoa khoác áo CLB Bangkok Glass chơi ở giải vô địch Thái Lan, Hà Ngọc Diễm giống như một “máy cày”, đấu hết giải trẻ đến VĐQG, trở về Vĩnh Long “trả nghĩa” bằng cách đưa đội này giành vé thăng hạng từ giải hạng A. Trong khi đó, chủ công trẻ Trần Thị Thanh Thúy cũng đánh hết giải lứa tuổi này đến giải mời khác…

Ông Hải cho rằng vì 3 vị trí chủ lực này thường xuyên vắng mặt, phải đến đầu tháng 11 mới thực sự hội đủ tinh binh, thành thử VTV Bình Điền Long An thử nghiệm đội hình hay đấu tập không nhiều. Nhưng bù lại, cả Hoa, Diễm lẫn Thúy đều thi đấu liên tục và không đến mức phải khó khăn khi nhập cuộc trở lại cùng các đồng đội. Bằng chứng là chỉ ít ngày trước khi bước vào vòng đấu bảng, 3 VĐV này đã lắp ghép đội hình tương đối ổn thỏa bên cạnh những Bích Trâm, Hồng Đào, Tuyết Hoa, Kim Liên, Kim Đính…

Đội trưởng Ngọc Hoa thừa nhận: “Lối chơi của đội về cơ bản đã được định hình và thiếu vắng tôi cũng như Hà Ngọc Diễm hay Thanh Thúy ở các chuyến tập huấn và thi đấu giao hữu vừa qua giúp BHL có điều kiện thử thách nhiều VĐV trẻ khác. Vì vòng 2 mang ý nghĩa quyết định và cạnh tranh rất căng thẳng, nên chúng tôi sẽ tập trung hoàn toàn tâm sức để đạt được mục tiêu đặt ra”.

Bàn đến danh hiệu vô địch chung cuộc, Ngọc Hoa cũng thừa nhận đấy là đích ngắm của đội VTV Bình Điền Long An, nhưng cuộc chiến không hề dễ dàng khi 2 đối trọng Thông tin LVPB và NHCT cũng tỏ rõ quyết tâm lấy cúp từ Nha Trang về miền Bắc. Có điều, đội bóng Thông tin có vẻ như đang quan ngại về lực lượng, khi các vị trí chủ chốt Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh không còn duy trì được thể lực để “cày ải” trong suốt 3 hay 5 ván đấu như trước kia nữa.

HLV Phạm Văn Long buộc phải trông đợi vào khả năng gây đột biến của phụ công Bùi Thị Ngà, cây chuyền 2 Linh Chi và tinh thần chiến đấu của các tay đập Trần Thị Thảo, Ly Linh, Vương Thị Mai và đặc biệt là khả năng chuyền 1, phòng thủ hàng sau của chủ công Âu Hồng Nhung vừa trở lại sau một thời gian dài nghỉ dưỡng thương.

Nhắc về Ngân hàng Công thương, đội bóng rất giàu tham vọng nhưng thường thất thế trong cuộc đua với Thông tin LVPB cũng như VTV Bình Điền Long An vài năm trở lại đây, nhiều nhà chuyên môn tiếc nuối thay cho họ. Sở hữu dàn tấn công giàu kinh nghiệm, dựa vào sức của Nguyễn Xuân, phụ công Kim Huệ, cây chuyền 2 Hà Thị Hoa và ở vòng 1 đã đón trở lại mũi tấn công khá sắc sảo Nguyễn Thu Hòa, nhưng vận may vẫn chưa mỉm cười với thầy trò HLV Lê Văn Dũng.

Nằm cùng bảng B với đội ĐKVĐ vòng 1 VTV Bình Điền Long An, khả năng NHCT đụng Thông tin LVPB ở bán kết là khá cao nếu như họ tiếp tục xếp thứ nhì ở vòng loại. Thử thách lớn nhất của thầy trò ông Dũng đương nhiên là “trận chung kết” bảng gặp đội bóng đến từ Long An tại thành phố biển Nha Trang.

Tính đến nay, giải bóng chuyền VĐQG đã 11 lần được tổ chức (bắt đầu từ năm 2004 khi còn mang tên gọi là Giải các đội mạnh toàn quốc). Năm 2008, sân chơi này đổi tên thành Giải VĐQG. Trong 11 lần tổ chức, Tràng An Ninh Bình và Thể Công là 2 đội bóng giàu thành tích nhất với 3 lần vô địch, Biên Phòng cũng nhanh tay có cho mình 2 chức vô địch vào các năm 2009 và 2011. Đức Long Gia Lai, Sanest Khánh Hòa, Bưu Điện Hà Nội cùng giành được 1 chức vô địch. Đến nay, Bưu Điện Hà Nội là phiên hiệu duy nhất trong số những đội vô địch đã bị xóa xổ.

Ở nội dung nữ, Thông Tin LVPB áp đảo với 8 ngôi vô địch (các năm 2004, 2005, 2006, 2008, 2010, 2012, 2013 và 2014), VTV Bình Điền Long An có 2 danh hiệu vào các năm 2009 và 2011, PVD Thái Bình vô địch năm 2007. Ngân hàng Công thương từng 7 lần lọt vào tốp 3 nhưng chưa một lần lên ngôi.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều