Tiêu đề của website

Trước vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG 2015: Thành bại nhờ... khán giả

Cuối tuần này, vòng 2 giải VĐQG 2015 bước vào thi đấu tại Nha Trang và TPHCM. Khi mà SEA Games 28-2015 đã đi qua thì lúc này, chắc chắn người hâm mộ sẽ được chứng kiến cầu thủ ra sân thi đấu hết mình không phải quá… “giữ chân”. Thế nhưng, nhà quản lý vẫn đang hồi hộp chưa biết liệu khán giả sẽ có đông đảo tới cổ vũ hay không.


Cuối tuần này, vòng 2 giải VĐQG 2015 bước vào thi đấu tại Nha Trang và TPHCM. Khi mà SEA Games 28-2015 đã đi qua thì lúc này, chắc chắn người hâm mộ sẽ được chứng kiến cầu thủ ra sân thi đấu hết mình không phải quá… “giữ chân”. Thế nhưng, nhà quản lý vẫn đang hồi hộp chưa biết liệu khán giả sẽ có đông đảo tới cổ vũ hay không.

Chất lượng sẽ quyết định

Tính 10 năm trở lại đây (từ năm 2005), Khánh Hòa (Nha Trang) và TPHCM đang cùng có 3 lần là chủ nhà của vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG. Năm 2008, sau khi thăng hạng, Sanest Khánh Hòa với sự xuất sắc của Ngô Văn Kiều đã gây sốc cho cả làng bóng chuyền Việt Nam khi thắng Thể Công đầy mạnh mẽ lúc đó, đoạt chức vô địch. Nhà tổ chức giải VĐQG 2008 còn nhớ, NTĐ Nha Trang năm đó chật kín khán đài cũng như các cửa ra vào luôn đông nghẹt người hâm mộ đứng trông luôn hò reo chỉ mong sao được theo dõi cầu thủ nhà thi đấu.

Khán giả cổ vũ bóng chuyền cuồng nhiệt không kém gì những trận bóng đá.

Thời khắc đội này lên ngôi vô địch, NTĐ đã bị “vỡ” theo đúng nghĩa đen. Khi đó, khán giả sung sướng tràn xuống kín sàn đấu để ôm cầu thủ hân hoan chúc mừng. Năm 2011, Khánh Hòa với chủ đích tạo một lần “vỡ” sân như thế bằng quyết tâm tổ chức vòng 2 giải VĐQG tại đây. Nhà tổ chức của phố biển Nha Trang chờ mong CLB Sanest Khánh Hòa lên ngôi cho thỏa ước. Tiếc rằng, dù Ngô Văn Kiều vẫn đấu tốt nhưng HLV Huỳnh Thúc Phong (khi ấy) cùng CLB Sanest Khánh Hòa không thể thắng nam Biên phòng tại chung kết, đành ngậm ngùi nhận HCB trên sân nhà.

Khi đó, khi trọng tài cắt còi khép lại trận chung kết, khán giả Nha Trang lũ lượt kéo nhau ra về trong tâm trạng buồn bực vì không có chiến thắng và lễ trao giải diễn ra trước các khán đài trống vắng. Bây giờ, Ngô Văn Kiều vẫn là chủ lực của S.Khánh Hòa và lần thứ 3 vòng 2 tiếp tục tổ chức tại đây. Tuy vậy, chắc chắn người dân phố biển Nha Trang sẽ không thấy được cảnh “vỡ” sân nếu S.Khánh Hòa vào chung kết do trận cuối cùng của nam lại tổ chức ở TPHCM.

Bóng chuyền TPHCM lâu lắm chưa có CLB nào lọt vào chung kết một giải VĐQG. Dễ nhận thấy, khi giải VĐQG tổ chức ở TPHCM thì không thu hút đông đảo người hâm mộ như ở Nha Trang. Năm 2009, giải được diễn ra tại NTĐ Quân khu 7 nhưng phần lớn cầu thủ tranh tài trước các khán đài khá ít khán giả. Năm 2012, NTĐ Rạch Miễu đã tổ chức vòng 2 nhưng Maseco TPHCM đấu không hiệu quả nên cũng khá vắng người xem. Bây giờ, Maseco TPHCM đang nổi lên là ứng cử viên vô địch năm nay nên nhà tổ chức mong mỏi người xem bóng chuyền thành phố sẽ tới NTĐ Rạch Miễu cổ vũ đông đảo.

Đông khán giả hay không có tác động tới 80% từ kết quả thi đấu từ đội chủ nhà. Mỗi đội đều có sự chuẩn bị riêng nhưng nếu tận dụng tốt thời cơ và cơ hội, chiến thắng cho chủ nhà sẽ không khó. Đội nhà vô địch trên sân nhà, ít nhất, cầu thủ mang lại niềm tin và hứng khởi cho người xem để mùa sau họ tiếp tục tới theo dõi cổ vũ.

Áp lực nhà tài trợ

Từng có ý kiến cho rằng, với bóng chuyền, nhà thi đấu đông hay vắng khán giả cũng không ảnh hưởng nhiều tới công tác tài trợ của các mạnh thường quân vì hợp đồng tài trợ giải đấu đã được ký kết theo gói dài hạn. Thực tế, điều ấy chưa hẳn đúng. Tại Việt Nam, bóng chuyền có thể là môn tập thể được theo dõi nhiều sau bóng đá. Tuy nhiên, nếu khán đài luôn trống vắng, nhà tài trợ cũng không mặn mà triển hạn hợp đồng.

Chưa một lần con số tài trợ cụ thể cho giải VĐQG được tiết lộ. Thương hiệu dầu khí như PV Oil đã tài trợ từ năm 2009 tới 2014 và thay đổi khá nhiều diện mạo cho một giải đấu, ít nhất từ tiền tổ chức, tiền thưởng tới cạnh tranh bảng biểu để trên sân. Bây giờ, thương hiệu này đã chia tay không làm nhà tài trợ chính (tài trợ chính giải VĐQG 2015 là Công ty PVGas) nhưng bóng chuyền vẫn yên tâm vì còn mạnh thường quân của ngành dầu khí. Tổng chi phí thưởng toàn giải 2015 do nhà tài trợ trả là 432 triệu đồng.

Giai đoạn đầu khi giải đội mạnh chuyển thành giải VĐQG, mức thưởng cho đội vô địch vài chục triệu đồng. Con số ấy đã tăng thành 100 triệu đồng. Sau hơn 10 năm, phần thưởng 100 triệu đồng đã không còn là cao nên tất cả chờ mong thưởng sẽ tăng thêm trong những mùa năm sau. Có được điều ấy, giải phải trông vào nhà tài trợ.

Vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG 2015 thi đấu từ ngày 14-11 với 2 bảng tại TPHCM (bảng A) và Khánh Hòa (bảng B). Vòng bảng thi đấu đến hết ngày 21-11. Vòng chung kết và đấu trụ hạng sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 28-11.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều