Tiêu đề của website

Trước giải Vô địch U19 nữ châu Á 2018: Cơ hội nào cho bóng chuyền Việt Nam

Sau 8 năm, giải Vô địch U19 nữ châu Á lần thứ 19 đã chính thức quay trở lại Việt Nam với một lứa VĐV mới, trẻ trung và rất nhiệt huyết. Cũng tại sân chơi này, Việt Nam từng đăng cai 2 lần trước đó vào các năm 2002 và 2010 tại TP. Hồ Chí Minh.


Giải đấu này từng là bệ phóng cho rất nhiều tên tuổi của bóng chuyền nữ Việt Nam như: Bùi Thị Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phạm Thị Yến… 8 năm trước, u19 Việt Nam nổi lên với Đinh Thị Trà Giang, Phạm Thu Hà, Đào Thị Bảy, Lê Thị Thanh Liên, Hà Ngọc Diễm, Đào Thị Nhung, Dương Thị Nhàn… với lợi thế sân nhà đã cán đích ở vị trí thứ 8 của giải đấu. Thế nhưng, phải tới năm 2016, tại giải u19 nữ châu Á được tổ chức tại Thái Lan, lứa VĐV trẻ mới với: Nguyễn Thu Hoài, Dương Thị Hên, Lưu Thị Huệ, Lưu Thị Ly Ly, Trần Việt Hương, Phạm Thị Nguyệt Anh, Đặng Thị Kim Thanh… lần đầu tiên trong lịch sử đưa bóng chuyền trẻ Việt Nam lọt vào top 4 của châu Á. Đáng nói là tại giải đấu này, đội tuyển U19 nữ Việt Nam mất đi hai chủ lực quan trọng là chủ công Đinh Thị Thúy và chuyền hai Đoàn Thị Lâm Oanh.

Đội tuyển U19 Việt Nam hướng đến vị trí cao.

Năm nay, do Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là nhà tài trợ chính của giải nên Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam lấy bộ khung Thông tin Lienvietpostbank làm nòng cốt với vị trí HLV trưởng Phạm Minh Dũng cùng 6 VĐV. Có thể dấu ấn tại giải Vô địch U23 nam châu Á 2015 của HLV trưởng Phạm Minh Dũng là chưa tốt khi chỉ giúp Việt Nam cán đích ở vị trí 15/16. Thế nhưng, khi đội tuyển nữ được thi đấu trên sân nhà, lại có sự góp mặt của nhiều VĐV sáng giá như: Bích Tuyền, Bích Thủy, Khánh Đang… bóng chuyền nữ Việt Nam được kỳ vọng cao hơn với mục tiêu không chỉ dừng lại ở top 4 như HLV Nguyễn Thúy Oanh, Bùi Huy Sơn 2 năm trước đã làm được.

HLV Phạm Minh Dũng cũng định hình bộ khung đội U19 Việt Nam sau khi chủ công Hoàng Phương Anh rút lui đội hình với 14 VĐV. Theo đó, bộ khung chính trong những buổi tập gần đây của đội tuyển U19 gồm: chuyền hai Đặng Thu Huyền (Thông tin LVPB), cặp phụ công Trần Thị Bích Thủy (HC ĐG Hà Nội), Phạm Thị Cẩm Linh (VTV BĐLA), cặp chủ công Bùi Thị Bích Phương (Thông tin LVPB), Đoàn Thị Mỹ Tiên (VTV BĐLA), đối chuyền Nguyễn Thị Bích Tuyền (Truyền hình Vĩnh Long), libero số 1: Đàm Thị Thùy Linh (Thông tin LVPB), libero số 2: Nguyễn Khánh Đang (VTV BĐLA). Bên cạnh đó, ở băng ghế dự bị, đội tuyển U19 Việt Nam vẫn còn một số gương mặt rất sáng giá như: chuyền hai Trần Nguyễn Quý Uyên, chủ công Hoàng Thị Kiều Trinh, phụ công Đỗ Thị Hiền…

Qua một số buổi tập với đội tuyển Việt nam thua 1-4, thua kinh Bắc 1-4, thắng U19 Úc 4-0 có thể dễ nhận thấy, bóng được dồn nhiều cho Bích Tuyền, Bích Thủy, Mỹ Tiên, Cẩm Linh. Vị trí của Bích Tuyền được khai thác triệt để từ hàng trước đến hàng sau, tuy nhiên khi vị tri này bị phong tỏa, lập tức đội tuyển U19 Việt Nam bị rối. Về đối thủ, Hàn Quốc được coi là ẩn số và chắc chắn họ rất muốn phục thù với trận thua đội tuyển U19 Việt Nam ở tứ kết với tỉ số 1-3 cách đây 2 năm. Trong khi đó, Thái Lan không có được sự mạnh mẽ như trước khi không còn Chatchu-On hay Pimpichaya…

Giải diễn ra tại Bắc Ninh từ 10- 17/6 với nhiều đội tuyển trẻ rất mạnh ở châu Á. Giải đấu tới đây chắc chắn sẽ đem tới nhiều cuộc so tài hấp dẫn và bùng nổ cho người hâm mộ bóng chuyền cả nước. Dù đội Việt Nam rơi vào bảng đấu với các đối thủ khá nặng ký.

Theo kết quả năm 2016, Liên đoàn bóng chuyền châu Á tiến hành bốc thăm chia bảng như sau:

Bảng A: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam

Bảng B: Hàn Quốc, Đài Loan, Kazakhstan, Ấn Độ.

Bảng C: Iran, Úc, Ma Cao, Hồng Kông 

Bảng D: New Zealand, Sri Lanka, Uzbekistan, Malaysia.

Các đội tiếp tục tranh vòng 2 và tiếp theo đó là tứ kết, bán kết, chung kết- để xếp hạng chung cuộc từ 1- 16.


Tác giả:TRẦN ANHNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều