Tiêu đề của website

Trót mang nghiệp vào thân

Làng bóng chuyền Việt Nam, cũng không thiếu những HLV, tận tụy với nghề đến cùng, bất kể đổi lại đôi khi chỉ là sự nghiệt ngã...

Một kiếp long đong


Làng bóng chuyền Việt Nam, cũng không thiếu những HLV, tận tụy với nghề đến cùng, bất kể đổi lại đôi khi chỉ là sự nghiệt ngã...

Một kiếp long đong

Bóng đá chứng kiến nhiều HLV bất ngờ rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp. Trong giới làm nghề huấn luyện của thể thao Việt Nam, cũng không thiếu trường hợp HLV bỗng dưng mất việc chỉ sau một thời gian ngắn cầm quân, thậm chí bị sa thải chỉ bằng 1 cái... tin nhắn điện thoại. Giữa thời buổi khó khăn hiện nay, tình huống xấu đó càng xảy ra thường xuyên.
Cứ ngỡ nghề huấn luyện sẽ ổn, vì lương thưởng nhiều khi không cao bằng học trò (dù trách nhiệm nặng nề hơn hẳn), cứng cáp về chuyên môn và có uy tín một chút là thoải mái theo đuổi niềm đam mê. Song, trời chẳng mấy khi chiều lòng người! 

Nghiệp HLV vinh quang nhiều, nghiệt ngã cũng lắm. 

HLV Nguyễn Mạnh Hùng và Trần Minh Khang nổi danh ở làng bóng chuyền không chỉ nhờ năng lực huấn luyện khá, mà còn vì cả hai đều... thay đội bóng xoành xoạch! Chỉ trong vòng 1 năm, ông Hùng mất việc đến 2 lần. Đầu tiên, đội nam dầu khí giải thể trước lượt về giải vô địch quốc gia 2013, ông Hùng buộc phải nhận giấy thanh lý hợp đồng.
Nửa năm sau, khi tưởng đã yên vị ở ghế HLV trưởng đội Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương, ông Hùng lại thêm một lần thất nghiệp vì đội bóng này cũng... giải tán. Quá khứ lẫy lừng (từng dẫn dắt các ĐTQG nam và nữ đoạt HCB ở SEA Games) cũng không cứu được ông khỏi vòng xoáy nghiệt ngã của nghề huấn luyện. Ông Hùng chua chát: “Số tôi long đong đến khổ. Đôi lúc, cứ như thể đấy là món nợ đời phải trả!”. 
Cũng trong giới làm nghề, bà Nguyễn Thúy Oanh rời đội bóng chuyền nữ Thông tin Liên Việt Postbank chuyển về làm đào tạo trẻ cho Ngân hàng Công thương. Thế nhưng, cuộc chia tay đó không dễ dàng như nhiều người nghĩ, vì nhiều người biết đội bóng mà bà Oanh từng gắn bó từ thời còn là VĐV đến khi trở thành HLV đã hắt hủi bà.
Cùng ngậm ngùi rời đội Thông tin Liên Việt Postbank còn có HLV Tuấn Kiệt - một trong những HLV trẻ từng được kỳ vọng sẽ sớm trưởng thành và dẫn dắt ĐTQG nữ. Ông Kiệt bỏ bóng chuyền, quyết tâm đi du học Mỹ ở tuổi suýt soát 40 với mong muốn cuộc đời sẽ sang trang khác, tươi tắn hơn và không bạc bẽo như nghề huấn luyện đối xử với mình.

Sinh nghề, tử nghiệp

Vài năm trước, làng bóng chuyền từng sốc nặng trước sự đột ngột qua đời của HLV Nguyễn Khắc Thùy ở đội Đức Long - Quân khu 5. Vị HLV xấu số này chịu quá nhiều sức ép thành tích, cộng thêm với sức khỏe không tốt, ông không trụ nổi và ra đi khi giấc mơ về một tương lai màu hồng còn dang dở.
Những đồng nghiệp của ông Thùy giật mình sau chuyện này, bắt đầu tự tạo cho mình một sự cân bằng cần thiết về tinh thần, bởi vì suy cho cùng, bóng chuyền cũng chỉ là một cuộc chơi không nhất thiết phải hao tâm, tổn sức đến cùng và vì cuộc đời còn rất nhiều điều khác để vui...
Vừa qua, trước thềm Cúp bóng chuyền nữ quốc tế - VTV Bình Điền 2014, bóng chuyền cũng rúng động khi chuyên gia Rong Han Yan của đội tuyển trẻ nữ quốc gia qua đời, dù ông mới cầm quân chưa đầy 1 tháng, được hứa hẹn sẽ giúp những gương mặt triển vọng của bóng chuyền nữ Việt Nam thăng tiến về nghề.
Rõ ràng, không thiếu những HLV chấp nhận sống chung với áp lực thành tích bất kể mình có bệnh lý tim mạch. Yêu nghề chỉ một phần, điều quan trọng hơn chính là kiếm tiền trang trải cuộc sống, và dù chẳng ai muốn “sinh nghề, tử nghiệp” thì đôi khi điều đáng tiếc đó vẫn xảy ra.
Làm nghề kiểu này, đúng là các HLV luôn cần... thuốc trợ tim!

LÊ HÙNG

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều