Tiêu đề của website

Tội lắm Khánh ơi

Là thành viên của ĐTQG Việt Nam, cũng là VĐV hàng đầu của bóng chuyền Long An, câu chuyện đi ở của Lê Quang Khánh trong thời gian qua đang là tâm điểm, gây nhiều tiếc nuối cho cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ.


Lê Quang Khánh công thần của bóng chuyền nam Long An.

Nếu từng quan sát từng bước đi trên con đường sự nghiệp của Lê Quang Khánh, chắc chắn sẽ ít ai có thể phủ nhận tài năng và sự cống hiến của anh với đội bóng quê hương. Ngay cả giới chuyên môn rồi các anh em trọng tài đều có chung một nhận định, Lê Quang Khánh là mẫu cầu thủ chuẩn mực từ tác phong thi đấu tới đời sống sinh hoạt.

Nhiều người cũng nói rằng, bóng chuyền nam Long An từng là một đế chế, thế nhưng việc rút lui của nhà tài trợ, đồng lương bèo bọt thuộc loại thấp nhất làng bóng chuyền khiến nhiều cầu thủ phải rứt áo ra đi, vậy mà một tài năng như Quang Khánh vẫn có thể bám trụ ở Long An trong nhiều năm là một điều hiếm thấy. Đúng hơn, nhờ tài năng và nỗ lực của Lê Quang Khánh mà trong suốt những năm qua, dù không có được sự đột biến nhưng bóng chuyền nam Long An vẫn giữ được vị thế cho riêng mình.

Tuy nhiên, mối lương duyên nào cũng phải đến hồi kết, nhất là khi ở tuổi 29, Quang Khánh cần phải tính đường dài cho tương lai và cả lo cho gia đình nhỏ của mình. “Thực sự tôi đã cố gắng hết sức, tôi cũng rất muốn gắn bó với bóng chuyền Long An nhưng không thể cố thêm được nữa. Trước mỗi giải đấu, lần nào lãnh đạo cũng hứa sau giải sẽ có nhà tài trợ. Nhưng anh em chúng tôi chờ hoài, chờ mãi, năm này qua năm khác nhưng rốt cuộc đâu rồi lại đó. Năm nay tôi đã 29 tuổi, lại dính chấn thương gối, chắc cũng chỉ cố cày thêm được 2-3 mùa giải nữa rồi giải nghệ. Giờ cũng có gia đình, sắp làm cha của hai con, tôi cũng phải suy nghĩ rất nhiều trước khi đi đến quyết định này.” Chủ công Lê Quang Khánh chia sẻ.

Việc cấm hoạt động bóng chuyền của Lê Quang Khánh đang gây ra luồng dư luận trái chiều.

Câu chuyện cũng tương tự với bốn VĐV đội xe đạp Đồng Tháp (một nam và ba nữ) cũng vướng những điều khoản lạ lùng trong hợp đồng với Trường Năng khiếu TDTT Đồng Tháp. Cụ thể, bản hợp đồng này có điều khoản: “Khi hết hợp đồng mà VĐV còn khả năng phát triển về chuyên môn và khả năng thi đấu đạt thành tích cao, VĐV phải ký hợp đồng tiếp tục khi có sự yêu cầu của Trường Năng khiếu TDTT để phục vụ cho ngành TDTT Đồng Tháp vì thành tích danh dự quê hương tỉnh nhà. Nếu VĐV không đồng ý ký hợp đồng tiếp tục thì phải đảm bảo không ký hợp đồng tập luyện, thi đấu thể thao cho bất cứ đơn vị tỉnh, thành, ngành nào khác...”.

Tay đua Phạm Thị Kim Loan (cựu tuyển thủ VN) của Đồng Tháp cho biết: “Tôi đã cống hiến suốt 10 năm và mang về không ít thành tích cho xe đạp Đồng Tháp. Giờ tôi đã 25 tuổi, hợp đồng với Đồng Tháp cũng hết hạn từ tháng 11-2014, nên tôi có nguyện vọng chuyển sang đội TP.HCM để vừa được chơi xe đạp và lo cuộc sống vừa có cơ hội học nghề chuẩn bị tương lai đời hậu VĐV. Nghề VĐV vốn gian khổ, đối với nữ cuarơ thì càng khó khăn hơn. Nhưng tôi lại vướng điều khoản “thòng lọng” trong hợp đồng cũ nên rất khổ tâm”.

Sau khi báo chí và các phương tiện tuyền thông vào cuộc, ông Phạm Duy Tiến - phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Đồng Tháp - cho biết: “Sở không có chủ trương “trói” VĐV bằng những điều khoản trên. Có lẽ nó tồn tại trong mẫu hợp đồng cũ, xuất phát từ giai đoạn lịch sử trước đây chưa được cập nhật”. Sau đó, phía Đồng Tháp đã đồng ý chấm dứt hợp đồng với những VĐV này.

Một câu chuyện gần đây trong làng bóng chuyền xảy ra với chủ công Từ Thanh Thuận, dù đã hết hợp đồng nhưng phía Sở Văn Hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Vĩnh Long nhất quyết không chịu thanh lý và chỉ khi báo chí vào cuộc, Thanh Thuận mới được giải cứu.

VĐV có thể yêu cầu hủy những điều khoản sai luật

Trao đổi với phóng viên về những điều khoản ràng buộc VĐV trong hợp đồng lao động, luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - khẳng định: “Các điều khoản này không đúng luật vì đi ngược nguyên tắc hợp đồng lao động là phải tự nguyện thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và lao động về việc làm có trả công. Nguyên tắc của pháp luật trong trường hợp bên mạnh thế (trường hợp này là bên sử dụng lao động) đưa vào hợp đồng các điều khoản bất lợi cho bên yếu thế (người lao động) thì khi giải thích các giao dịch này phải giải thích theo hướng có lợi cho bên yếu thế. Nếu các VĐV yêu cầu pháp luật can thiệp thì những điều khoản này hoàn toàn có thể bị hủy”.

 


Tác giả:HUY QUANGNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều