Tiêu đề của website

Thương lắm Ngọc Hoa, Kim Huệ

Lần đầu tiên sau 16 năm, bóng chuyền nữ Việt Nam bị đứng ngoài trận tranh HCV tại SEA Games. Đây là kết quả cay đắng khi trong khu vực, đội tuyển nữ lâu nay chỉ đứng sau Thái Lan. Với những người nắm rõ nội tình môn bóng chuyền, thì kết quả này của đội nữ là hệ quả tất yếu. Thế nhưng, đau xót nhất lúc này có lẽ chính là Ngọc Hoa và Kim Huệ, những người vừa bị cướp đi tấm HCB trong suốt sự nghiệp cầu thủ của mình.


Ngọc Hoa và Kim Huệ có kỳ SEA Games cuối cùng không trọn vẹn.

Phạm Thị Kim Huệ, người chị cả của bóng chuyền nữ Việt Nam, người duy nhất còn lại từ kỳ SEA Games 21, người mang về tấm HCB SEA Games đầu tiên, người chấp nhận gạt bỏ cái tôi cá nhân cũng nhiều luồng bình luận khen chê để lên tuyển ở tuổi 35 trong năm cuối cùng của sự nghiệp.

Nguyễn Thị Ngọc Hoa, VĐV bóng chuyền đầu tiên của Việt Nam có trình độ vượt ra khỏi vùng trũng Đông Nam Á, người đem lại cảm hứng cho hàng triệu người yêu mến bóng chuyền, cùng với việc xác lập kỷ lục cho kỳ SEA Games thứ 8 liên tiếp trong sự nghiệp cầu thủ.

Vậy mà, với lộ trình đưa bóng chuyền nữ đến Olympic Tokyo 2020 của ông Trần Đức Phấn và chuyên gia người Nhật Bản Hidehiro Irisawa, giờ đây Ngọc Hoa và Kim Huệ đến cái HCB “ao làng” SEA Games cũng không thể giữ nổi trong sự đau xót, tột cùng.

Ông Hidehiro Irisawa chính thức nắm đội tuyển nữ Việt Nam từ giữa tháng 4, chưa kể những chuyến viếng thăm đôi ba tuần trong năm 2016. Thế nhưng, trong suốt quá trình huấn luyện, đội tuyển nữ Việt Nam chỉ quanh quẩn với bài tập nhẹ nhàng dành cho bóng chuyền phong trào kiểu như: khởi động, sửa động tác, quay bóng, phát bóng… Cây chuyền hai Linh Chi cho rằng: “Các kỹ thuật của thầy chuyên gia rất tốt cho các VĐV, năm nay em nghĩ sẽ có một luồng gió mới và kỹ thuật chuyên môn của đội tuyển Việt Nam sẽ được cải thiện hơn.” Thật vậy, đó là một luồng gió mới giúp bóng chuyền nữ Việt Nam đổi màu huy chương nhưng theo cách mà chẳng ai muốn.

“Cười lên, cười lên…” thậm chí không cần phải quan tâm đến các mảng miếng kỹ thuật nhưng thua cũng phải cười và đó là câu nói quen thuộc trong suốt khoảng thời gian chỉ đạo, cũng như hội ý của ông Hidehiro Irisawa. Nhiều người tự hỏi, nếu đi Olympic dễ thế, có lẽ bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ ngồi cười cả ngày.

Trước thềm SEA Games 29 chưa đầy 2 tháng, tuyển bóng chuyền nữ có dấu hiệu rạn nứt nghiêm trọng, chuyên gia người Nhật Bản Irisawa làm việc thiếu chuyên nghiệp khi tự ý bỏ về nước. Tại thời điểm trên, lãnh đạo Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) còn khẳng định chuyện này không ảnh hưởng tới đội ở SEA Games. Tuy nhiên không lâu sau đó, Tổng cục TDTT bất ngờ mời lại ông Irisawa, và chuyên gia người Nhật tiếp tục được giao dẫn dắt đội tuyển bóng chuyền nữ.

Thực tế ngay tại cúp Quốc tế VTV Cup 2017, bóng chuyền nữ Việt Nam đã nhận lời cảnh báo với thất bại trước chính Indonesia. Tưởng như điều này sẽ giúp VFV tỉnh táo, có sự chuẩn bị tích cực hơn, nhưng một lần nữa, Việt Nam phải nhận trái đắng từ đối thủ vốn bị xếp ở “kèo dưới’” trong khu vực.


Tác giả:HUY QUANGNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều