Tiêu đề của website

Thị trường tiềm năng

Đúng là sau khi phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa, chủ công Đỗ Thị Minh và libero Nguyễn Thị Kim Liên “mở lối” xuất ngoại sang Thái Lan, bóng chuyền nữ Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà tuyển trạch trong khu vực. Mới nhất, phụ công dày dạn kinh nghiệm Phạm Thị Kim Huệ cũng được đánh tiếng sang chơi ở giải VĐQG Thái Lan…


Đúng là sau khi phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa, chủ công Đỗ Thị Minh và libero Nguyễn Thị Kim Liên “mở lối” xuất ngoại sang Thái Lan, bóng chuyền nữ Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà tuyển trạch trong khu vực. Mới nhất, phụ công dày dạn kinh nghiệm Phạm Thị Kim Huệ cũng được đánh tiếng sang chơi ở giải VĐQG Thái Lan…

“Ngoại binh” Ngọc Hoa chuẩn bị cho mùa giải mới cùng các đồng đội tại Bangkok Glass.

Thực ra, không phải đến khi Ngọc Hoa gây ấn tượng ở giải VĐQG Thái Lan, bóng chuyền Việt Nam mới được các quốc gia trong khu vực để ý. Trước đó, chủ công Ngô Văn Kiều từng tạo được cảm tình ở giải vô địch Indonesia và chính chủ công này mới được tính là “người mở đường” cho trào lưu xuất ngoại của bóng chuyền Việt Nam.

Tiếc là sau đó, khá nhiều VĐV nam và nữ được mời nhưng vì điều đó vẫn còn quá mới nên đa số các CLB đều không dám cho VĐV của mình xuất ngoại. Cho đến khi 2 CLB Bình Điền Long An và Thông tin LVPB chấp nhận cho Ngọc Hoa, Kim Liên và Đỗ Minh sang Thái Lan thi đấu ở giải VĐQG nước này, những người làm bóng chuyền Việt Nam mới nghiêm túc nghĩ đến chuyện xuất khẩu VĐV.

Trước đây, khi còn cơ chế thuê ngoại binh, các giải đấu ở Việt Nam khá sôi động và thu hút đông đảo VĐV của Thái Lan, Indonesia, Nga, Brazil, Fiji, Myanmar… và Việt Nam bỗng dưng trở thành “miền đất hứa”. Thế nhưng, khi nhận ra ngoại binh ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của lực lượng VĐV trẻ, giới chức quản lý quyết định dừng quy định thuê đối tượng này ở hệ thống giải thi đấu chính thức (cho phép thuê VĐV ngoại ở các giải mời hoặc mở rộng).

Rõ ràng, đấy là quyết sách đúng, bởi lẽ khi các VĐV trong nước và VĐV trẻ có được cơ hội thi đấu, trui rèn bản lĩnh, chất lượng của hệ thống giải quốc gia nói chung và các đội tuyển được nâng lên rõ rệt. Thậm chí, các VĐV của Việt Nam giờ đây lại trở thành tâm điểm theo đuổi của những giải đấu trong khu vực.

Thái Lan từ lâu vốn là “thị trường” nhập khẩu VĐV quen thuộc của bóng chuyền Việt Nam. Lúc này đây, chuyện diễn ra hoàn toàn ngược lại, tức là các VĐV Việt Nam trở thành ngoại binh ở giải đấu số 1 của nước này. Ở SEA Games 28 tại Singapore, trò chuyện với “kiến trúc sư” Kiattipong của bóng chuyền Thái Lan, ông này luôn ngợi khen trình độ chơi bóng của các VĐV Việt Nam, và ngoài Ngọc Hoa vẫn còn rất nhiều gương mặt trẻ đủ điều kiện để khoác áo các đội bóng xứ Chùa vàng, chẳng hạn là phụ công Bùi Thị Ngà, chủ công Trần Thị Thanh Thúy, Hà Ngọc Diễm… chưa kể những gương mặt xuất sắc hiện nay của bóng chuyền nam như Nguyễn Hữu Hà, Từ Thanh Thuận, Lê Quang Khánh, Nguyễn Hoàng Thương nếu được cho phép xuất ngoại, sẽ trở thành những vị trí chủ lực của các đội bóng ở các giải vô địch quốc gia trong khu vực.

Nghĩa là, nói như ông Nguyễn Bá Nghị - Phó Chủ tịch của LĐBC Việt Nam - giá trị của các VĐV Việt Nam không hề nhỏ, có điều chúng ta chưa đánh giá đầy đủ về “thị trường tiềm năng” của chính mình. Ra đi sẽ giúp VĐV rèn luyện trình độ và bản lĩnh thi đấu quốc tế, giúp ích rất nhiều cho các ĐTQG trong tương lai. Thậm chí, không đợi đến khi được mời, bóng chuyền Việt Nam cần thiết phải cho mượn hoặc liên hệ gửi VĐV của mình ra nước ngoài chơi bóng để phát triển hơn nữa về nghề nghiệp.

Hy vọng, tư duy mở ấy sẽ được các CLB trong nước và đặc biệt là giới chức bóng chuyền Việt Nam lưu tâm.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều