Tiêu đề của website

Thay đổi thể thức thi đấu giải VĐQG 2019 để đem lại sự công bằng

Sau hội thảo cách đây 2 năm đã đi đến thống nhất, giải bóng chuyền VĐQG sẽ rút ngắn xuống còn 8 đội theo lộ trình đến hết năm 2020. Ở thời điểm hiện tại, số lượng các đội bóng chuyền ngày càng giảm, nhiều đội cũng đang bấp bênh giữa việc tiếp tục duy trì hay phải dừng hẳn cuộc chơi. Song song với việc giảm số lượng các đội bóng tham dự sân chơi cao nhất của bóng chuyền Việt Nam thì một trong những vẫn đề quan tâm là thể thức thi đấu của bóng chuyền Việt Nam đã quá lỗi thời. Nhiều trận đấu có dấu hiệu xin cho bên cạnh việc bốc thăm chia bảng thường mang tính chất may rủi, thậm chí nhiều đội bóng trong vài năm không gặp nhau lần nào.


Thay đổi thể thức thi đấu giải VĐQG nhằm mục đích mang lại sự công bằng cho tất cả các đội bóng.

“Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã đưa ra phương án để xây dựng lại thể thức thi đấu và thời gian thi đấu cho hợp lý với giải VĐQG. Nếu chỉ chia bảng như hiện nay, có những đội bóng trong vài năm cũng không gặp nhau lần nào. Bóng chuyền Việt Nam còn nghèo, kinh phí các đội bóng còn hạn hẹp do vậy chúng ta không thể chơi theo dạng League như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… đang áp dụng. Nói đơn giản, nhiều đội bóng chế độ đãi ngộ còn rất thấp, nói gì đến kinh phí di chuyển máy bay sân nhà, sân khách. Hơn thế, điều kiện cơ sở vật chất của các đội bóng đã là đủ tiêu chuẩn để tổ chức thi đấu chuyên nghiệp hay chưa… Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại, bóng chuyền Việt Nam còn thiếu nhiều yếu tố để nói là chuyên nghiệp. Thế nhưng không vì vậy mà chúng ta không thể có một giải VĐQG với thể thức thi đấu hấp dẫn.” TTK Lê Trí Trường cho biết.

Thật vậy, một thực trạng của bóng chuyền Việt Nam nhiều năm nay đó là dấu hiệu xin cho nhưng chưa có biện pháp để giải quyết triệt để. Kẽ hở chính là nằm ở thể thức thi đấu lạc hậu. Đơn cử 10 đội bóng nam hoặc nữ sau khi bốc thăm được chia làm 2 bảng, vòng 1 chỉ có 5 đội bóng đó gặp nhau và vòng 2 cũng như vậy. Cuộc cạnh tranh chỉ nằm ở top đầu hoặc nhóm dưới, các đội bóng trụ hạng ở nhóm giữa gần như thiếu mục tiêu hoặc tính cạnh tranh. Thậm chí như năm 2018, bảng đấu với sự góp mặt của Sanest Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh và Tràng An Ninh Bình tỏ ra quá mạnh nhưng chỉ chọn ra có 2 đội vào bán kết. Tương tự ở nội dung của nữ, việc cạnh tranh tấm vé trụ hạng là thiếu công bằng với: Quảng Ninh, Hóa chất Đức Giang Hà Nội và Truyền hình Vĩnh Long.

Với những bất cập kể trên, sau buổi họp tổng kết năm 2018 giữa các thành viên trong ban chấp hành, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã quyết định thay đổi thể thức thi đấu của giải VĐQG. Theo đó, dựa vào kết quả giải VĐQG năm 2018, BTC sẽ tiến hành bốc thăm chia bảng dựa theo hạt giống như thường lệ. Tuy nhiên, sau khi kết thúc vòng 1, dựa vào kết quả sẽ chia lại bảng ở vòng 2, theo đó các đội hạng 2, 4 sẽ gộp với hạng 1,3,5 ở bảng còn lại. Với cách chia lại bảng như trên, tránh được tình trạng nhiều đội bóng như hiện nay là vay vòng 1, trả vòng 2, hay các đội có trình độ tương đương gần như sẽ phải gặp nhau để đánh giá rõ về thực lực tránh tình trạng chia điểm như trước đây.

Bóng chuyền đang ở trong giai đoạn khó khăn cả về tài chính lẫn tìm ra được những con người làm được việc, bởi vậy đã có những bất cập trong hoạt động của môn thể thao chỉ đứng sau bóng đá về số lượng người hâm mộ trên cả nước. Trước thời điểm Đại hội nhiệm kỳ mới (2015-2020), giới làm nghề đã rất trông đợi vào cuộc cải tổ thực sự, kể cả ở thượng tầng quản lý (tức VFV) lẫn hạ tầng (là các tỉnh, thành, ngành và doanh nghiệp tham gia đầu tư cho bóng chuyền). Trong đó, VFV phải thể hiện được vai trò “thủ lĩnh”, thay vì chịu cảnh bị động hoặc chạy đằng sau sự vụ như trước đây.


Tác giả:HUY QUANGNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều