Tiêu đề của website

Thay đổi HLV trong bóng chuyền: Bình thường thôi

Việc thay HLV tại một CLB là điều bình thường ở thể thao chuyên nghiệp. Tất nhiên, yếu tố ổn định nội bộ được cân nhắc để nhà quản lý chọn HLV sao cho phù hợp.


Thay người có toan tính

Rất nhiều trường hợp thay HLV nhanh và bất ngờ đã xảy ra tại nhiều đội bóng ở Việt Nam. Ngay trước mùa giải VĐQG 2017, lãnh đạo Trung tâm TDTT Ninh Bình đã bổ nhiệm HLV Trần Văn Thư thay thế HLV Nguyễn Mạnh Hùng làm HLV trưởng đội Tràng An Ninh Bình. Khi đội nam Tràng An Ninh Bình không đạt chức vô địch tại cúp Hoa Lư 2017, ông Hùng đã bị thanh lý hợp đồng và ông Thư lập tức ở vị trí cao nhất. Mới nhất, CLB nữ Thông tin LVPB cũng bổ nhiệm người mới làm HLV trưởng thay ông Phạm Văn Long.

Trong 6 năm qua, nữ VTV Bình Điền Long An đã thay HLV trưởng 3 lần. Khi HLV kỳ cựu Lương Khương Thượng chuyển xuống làm đào tạo trẻ, chuyên gia Thái Lan Aphisak được mời về huấn luyện. Năm 2013, ông Aphisak bất ngờ chia tay đội bóng. Lãnh đạo VTV Bình Điền Long An đã mời HLV Nguyễn Văn Hải đảm nhiệm vị trí HLV trưởng. Cuối năm 2015, ông Hải được gia hạn hợp đồng. Từ năm 2016 tới nay, ông Nguyễn Quốc Vũ là HLV trưởng CLB.

Giai đoạn từ 2010 tới 2014, thời điểm ngành Dầu khí đổ tiền không tiếc vào làm bóng chuyền, CLB nữ Xây lắp dầu khí Thái Bình Dương đã ra đời năm 2011. HLV Trần Minh Khang làm HLV trưởng đầu tiên. Sau 2 năm, năm 2013, đội bóng phải thay đổi và ông Khang làm giám đốc kỹ thuật còn HLV trưởng trao quyền cho HLV Nguyễn Mạnh Hùng. Đáng tiếc, chỉ 1 tnăm sau, năm 2014, đội bóng đã bị giải thể.

HLV Trần Minh Khang là trường hợp đặc biệt nhất. Giai đoạn năm 2008 tới 2010, một mình ông này làm HLV trưởng 2 đội Quân đoàn 4 (nam) và Cao su Phú Riềng cũ (nữ). Thú vị là 2 đội cùng thi đấu tại giải VĐQG. Năm 2009, khi NTĐ Quân đoàn 4 là một bảng tổ chức lượt về giải VĐQG, do đứng vai trò HLV trưởng 2 đội, ông Khang đã xoay trở... chóng mặt bởi vừa hò hét cầu thủ nam thi đấu xong lại tiếp tục chỉ đạo học trò nữ ra sân đập bóng.

Tất nhiên, khi không có 1 HLV trưởng riêng cho mỗi đội, thành tích của 2 đội trên tại giai đoạn đó không cao nên đơn vị phải tìm người mới đảm trách thay HLV kỳ cựu này. Hiện tại, nhiều đội bóng vẫn do HLV trưởng lâu năm chỉ đạo như nam Thể Công, nữ Thái Bình...  

Thay đổi HLV là thay đổi cách làm và tìm hướng đi mới cho đội bóng.

Ưu tiên cho sự ổn định

HLV Nguyễn Quốc Vũ đã phải làm việc không dưới 7-8 năm ở vai trò trợ lý qua các đời HLV trưởng ở đội VTV Bình Điền Long An thì bây giờ mới đứng vai HLV trưởng CLB. Hiện tại đội bóng này đang có sự ổn định chuyên môn và mạnh dần đều. Ông Vũ và lãnh đạo đội bóng đã mất nhiều năm tích lũy dần mới được như vậy. Nữ Ngân hàng Công Thương thật sự chơi nổi bật ở 3 mùa giải gần đây. Trước kia, đội bóng này luôn phập phù phong độ mỗi khi bước vào nhóm 4 độ cuối cùng tại giải VĐQG. Sự bật hẳn lên ở chuyên môn có hiệu quả từ việc lãnh đạo đội bóng thuê được HLV phù hợp về làm đào tạo trẻ. Vì thế, lứa VĐV trẻ được đưa ra thay thế các đàn chị hiệu quả hơn.

“Việc thay HLV là rất bình thường và ai giỏi chuyên môn giúp đội bóng tốt nhất thì sử dụng người đó. Bóng chuyền Việt Nam vẫn bị tâm lý thủ cựu là không chấp nhận đổi mới đội ngũ HLV. Những HLV lớp trước có tuổi thường huấn luyện qua yếu tố kinh nghiệm. Hiện nay, lứa HLV ở tuổi 60, 70 còn đi huấn luyện các đội bóng thi đấu giải VĐQG không ít. Chúng ta trân trọng sự tích lũy và kinh nghiệm của họ. Tuy nhiên, lúc này, số VĐV chuyển bước sang làm HLV và được đi học, được đào tạo tiếp thu nhiều kỹ thuật mới không ít. Đặc biệt, người trẻ tiếp cận với công nghệ internet để cập nhật thường xuyên hơn sự thay đổi ở bóng chuyền hiện đại thế giới. Tiếc rằng, nhiều đội bóng lại không tạo nhiều điều kiện để HLV trẻ phát huy năng lực. Có thể vì áp lực thành tích nên không ai muốn mạo hiểm trao vị trí cho người trẻ”, một chuyên gia bóng chuyền chia sẻ.


Tác giả:NGUYỄN ĐÌNH - SGGPNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều