Tiêu đề của website

Những người "tay nhanh hơn não" trên sân bóng chuyền

Công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ bởi tốc độ của các tình huống trong bóng chuyền diễn ra rất nhanh.


Các trọng tài biên bóng chuyền cần sự tập trung cao nhất trong suốt trận đấu. Ảnh: Ngọc Hà.

"Tay nhanh hơn não" là câu nói vui để miêu tả về trọng tài biên trong môn bóng chuyền. Các quyết định của họ được đưa ra rất nhanh, gần như ngay lập tức khi bóng chạm xuống khu vực đường biên của sân. "Công việc nhìn vậy nhưng rất căng thẳng, nhiều hôm về nhức đầu", anh Danh Tuấn - một trong 6 trọng tài biên tại giải bóng chuyền nữ quốc tế Cup VTV9 - Bình Điền 2017 chia sẻ.

Các trọng tài biên tại giải đều là người địa phương, thuộc biên chế trong ngành thể thao. Anh Tuấn là HLV bóng đá, đang nắm đội U15 của địa phương, các anh em khác là HLV võ thuật, điền kinh, bóng chuyền... Họ làm vì tình yêu và vì nhiệm vụ được phân công khi có giải đấu. Tiền công cho mỗi ngày làm việc của các trọng tài biên chỉ "đủ tiền café, ăn sáng".

"Là dân thể thao, cũng từng chơi bóng chuyền nên anh em đều nắm luật. Hơn nữa, chúng tôi thường làm trọng tài ở một số giải bóng chuyền trong tỉnh. Trước giải, nhóm trọng tài biên được tập huấn thêm hai ngày với các trọng tài nước ngoài. Chúng tôi rất hạnh phúc khi Tây Ninh lần đầu tiên tổ chức giải bóng chuyền quy  mô lớn như vậy", anh Tuấn nói.

Công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ bởi tốc độ của các tình huống trong bóng chuyền diễn ra rất nhanh. 4 trọng tài biên đứng đều 4 góc sân, phụ trách các biên ngang và dọc. Cúi thấp người, đôi mắt luôn nhìn chăm chăm vào các tình huống, tay cầm cờ để sẵn sàng phất lên là hình ảnh quen thuộc của các trọng tài biên bóng chuyền. Cả tổ trọng tài biên có 6 người, nhằm thay phiên nhau làm việc để giảm áp lực.

"Do đặc thù phải đưa ra quyết định rất nhanh, thỉnh thoảng cũng có sai sót. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng là của trọng tài chính. Nhiều tình huống khó, tôi liếc nhìn trọng tài chính mới đưa ra quyết định. Nhưng rất hiếm khi như vậy và chúng tôi thường tự đưa ra quyết định nhanh dựa trên những phản ứng như bản năng. Vì tập trung cao độ từng đường bóng diễn ra liên tục, anh em ai cũng bị căng thẳng, nhức đầu. Nhưng vì công việc và đam mê nên rồi cũng thấy quen. Hết giải lại thấy nhớ", người đàn ông 35 tuổi tâm sự.

Trọng tài Danh Tuấn tại giải đấu ở Tây Ninh. Ảnh: Ngọc Hà.

"Tại giải lần này, anh em chúng tôi thường áp lực nhất khi làm những trận đấu của đội 4.25 tới từ Triều Tiên. Họ thường khiếu nại trọng tài về các tình huống bóng trong hay ngoài sân, chạm tay hay chưa. Nhiều trường hợp, tôi nghĩ, đó là đòn tâm lý chiến của đội bóng này. Họ làm vậy để bắt vía các trọng tài, ai non tay là dễ bị dao động tâm lý", HLV đội U15 Tây Ninh nói thêm.


Tác giả:NGỌC HÀ - NGÔI SAONguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều