Tiêu đề của website

Ngọc Hoa chia sẻ sự chuyên nghiệp của bóng chuyền Thái Lan

Phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa đã góp phần không nhỏ giúp CLB Bangkok Glass (Thái Lan) hai năm liền vô địch quốc gia, đồng thời lên ngôi ở giải châu Á.


Phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa đã góp phần không nhỏ giúp CLB Bangkok Glass (Thái Lan) hai năm liền vô địch quốc gia, đồng thời lên ngôi ở giải châu Á.

Nguyễn Thị Ngọc Hoa là cái tên nổi bật nhất của làng bóng chuyền nữ Việt Nam suốt vài năm qua.

Ngọc Hoa là một trong những VĐV hiếm hoi của bóng chuyền nữ Việt Nam đạt đẳng cấp châu Á. Bangkok Glass đã mượn cô về thi đấu từ VTV Bình Điền Long An với tham vọng vươn cao. Cô đã dành cho Zing.vn một cuộc trao đổi về những điều thu nhận được trong thời gian tranh tài ở Thái Lan.

- Sau 3 năm thi đấu ở Thái Lan, chị thấy đâu là khác biệt lớn giữa các VĐV bóng chuyền của hai quốc gia?

- Tôi thấy nền bóng chuyền Thái Lan rất phát triển, họ có những cầu thủ chất lượng tốt và phân bổ khá đều ở các đội. Ngoài ra, đội ngũ hỗ trợ cho VĐV ở các đội bóng rất tốt. Đó là điều tôi tâm đắc nhất khi đầu quân cho đội Bangkok Glass. Tôi cũng mong muốn một điều là đến một ngày nào đó, các đội bóng ở Việt Nam cũng cải thiện được tình hình như vậy.

- Chị cảm nhận thế nào về sự chuyên nghiệp của bóng chuyền nữ Thái Lan?

 - Nếu nói về sự chuyên nghiệp của bóng chuyền nữ Thái Lan, tôi thấy nó xuất phát từ ý thức của các cá nhân trong đội bóng. Ở Việt Nam, nếu muốn chuyên nghiệp hơn thì điều quan trọng là phải xuất phát từ ý thức cá nhân, nếu có kỷ luật tốt thì chúng ta sẽ làm được nhiều điều hơn nữa để phát triển nền bóng chuyền Việt Nam.

- CLB Bangkok Glass đã làm gì để giúp chị hòa nhập nhanh với CLB mới? Chị ngại nhất điều gì khi sang đây thi đấu?

- Khi đến đội Bangkok Glass, tôi cũng gặp thuận lợi khi làm việc với HLV Kittipong Pornchartyingcheep, là thầy cũ của mình ở đội VTV Bình Điền Long An. Ngoài ra, BHL còn cử người hỗ trợ tôi trong cuộc sống vào những thời điểm mới đến. Qua 2 năm thi đấu cho đội Bangkok Glass thì điều tôi thấy ngại nhất đó là việc xa nhà thôi chứ còn những vấn đề khác thì đội bóng Thái Lan đã đáp ứng cho tôi đầy đủ.  

- Chị học được gì trong thời gian khoác áo Bangkok Glass?

- Tôi học được rất nhiều điều về sự quyết tâm, và sự đoàn kết và ăn ý của đội bóng Bangkok Glass. Tôi cũng mong các đội bóng ở Việt Nam, không chỉ riêng VTV Bình Điền Long An có thể tạo được nền tảng vững chắc như vậy.

Điều đặc biệt là ở đội Bangkok Glass, thầy Kittipong ít khi nào giữ cố định một đội hình trong suốt mùa giải. Vì chỉ đấu vào cuối tuần nên BHL, đặc biệt là thầy Kittipong, luôn nghiên cứu băng hình và lên chiến thuật cụ thể cho đối thủ sắp phải gặp. Từ đó BHL sẽ vạch ra một kế hoạch tập luyện cụ thể để phát huy được điểm mạnh của đội mình và có phương án khắc chế điểm mạnh của đối phương. Đó cũng là một trong những lý do quan trọng giúp đội Bangkok Glass có được chiến thắng tuyệt đối tại giải Thai League năm nay.

- Có nhiều VĐV bóng chuyền Việt Nam sang Thái Lan, Indonesia thi đấu nhưng số trụ lại thi đấu thường xuyên chỉ có mình chị. Theo chị đâu là nguyên nhân?

- Chắc có thể đó là điều may mắn đối với tôi thôi (cười)! Chứ còn nguyên nhân chính thì tôi vẫn chưa suy nghĩ đến hoặc đó là một cái duyên của tôi đối với đội bóng Bangkok Glass. Khi gắn bó với đội bóng này, tôi thấy rất là yên tâm nên cũng không nghĩ nhiều. Điều tôi quan tâm chính đó là mình phải nỗ lực hết mình, cố gắng nắm bắt được hướng dẫn và chỉ đạo của BHL trong lúc tập luyện và thi đấu để đạt hiệu quả cao nhất.

Ngọc Hoa là phụ công hay nhất của bóng chuyền Việt Nam hiện tại. VĐV sinh năm 1987 này đã khoác áo ĐTQG từ năm 2003 đến nay, tham dự hàng chục giải đấu lớn nhỏ. Năm 2014, cô được CLB ATTC (Thái Lan) mời sang thi đấu, góp phần giúp đội đứng hạng 3 ở giải VĐQG và giành siêu Cup Thái Lan. Bản thân cô nhận danh hiệu phụ công hay nhất giải. Hai năm nay, cô là thành viên của Bangkok Glass, cùng đội 2 lần VĐQG và một lên đăng quang ở Cup bóng chuyền các CLB châu Á 2015. Ở giải này, cô chia sẻ danh hiệu phụ công hay nhất cùng một tay đập khác của Trung Quốc.

- Các VĐV, HLV Thái Lan nói gì về khả năng của VĐV bóng chuyền Việt Nam?

- Các VĐV Thái Lan, đặc biệt là những đồng đội của tôi tại đội bóng Bangkok Glass rất vui khi có sự hiện diện của tôi và Thanh Thúy ở trong đội. Họ rất đoàn kết và xem chúng tôi như chị em nên tôi cũng cảm thấy rất thoải mái. Còn đối với HLV thì thầy Kittipong cũng rất thẳng thắn khi trao đổi và giúp cho tôi hoàn thiện được những kỹ chiến thuật chưa phù hợp. Đặc biệt là thầy còn giúp cho chúng tôi rèn luyện được sự hoạt bát và vui vẻ trên sân. Đó là điều mà tôi vẫn chưa thấy được ở các cầu thủ ở Việt Nam.

- Chị dự định sẽ thi đấu đến khi nào?

- Việc tiếp tục thi đấu đến khi nào thì tôi vẫn chưa có quyết định chính thức vào thời điểm này. Tuy nhiên, tôi đang tập trung vào việc cống hiến cho đội VTV Bình Điền Long An cũng như cơ hội quý báu là tham dự Giải vô địch bóng chuyền các CLB nữ thế giới cùng với đội Bangkok Glass. Đây là cơ hội mà bất kỳ VĐV nào cũng muốn trải nghiệm.

Bangkok Glass thống trị giải VĐQG Thái Lan khi đăng quang mùa 2015-2016 với thành tích 14 trận toàn thắng.

- Khán giả thường xuyên xem chị thi đấu nhưng không biết một số “bí mật”của chị. Chị có thể bật mí với mọi người đôi đều về bản thân mình?

- Sở thích của tôi là ăn uống và nghe nhạc. Thần tượng đầu tiên của tôi là cô Hà Thu Dậu và sau này là chị Phạm Thị Kim Huệ. Đây là những người đã giúp cho tôi học hỏi nhiều trên con đường nghề nghiệp của mình.

Đồ ăn Việt Nam thì tôi chỉ thích ăn những món do mẹ nấu và “ông xã” nấu mỗi khi không phải đi thi đấu. Còn khi ở Thái Lan thì tôi thích nhất là “Som Tam”, một món gỏi đu đủ nổi tiếng ở nước này. 

Đội bóng Bangkok Glass cũng là một trường hợp điển hình của việc đầu tư và phát triển thể thao chuyên nghiệp của Thái Lan. Không chỉ có đội bóng chuyền mà công ty Bangkok Glass, chuyên thiết kế và sản xuất các chai lọ thủy tinh hàng đầu Thái Lan, còn có một đội bóng đá nằm trong top 5 của Thai League.

Bằng việc tận dụng những nhà máy cũ tại khu vực ngoại ô Bangkok, công ty Bangkok Glass đã đầu tư một sân bóng đá và một nhà thi đấu trong nhà đủ tiêu chuẩn quốc tế để làm thể thao chuyên nghiệp.

Về chuyên môn, đội Bangkok Glass có hai phụ công có thể nói là ở tầm châu Á và thế giới là Pleumjit Thinkaow (Thái Lan) và Ngọc Hoa (Việt Nam) cộng thêm một số tuyển thủ và cựu tuyển thủ Thái Lan nên đội hình khá đồng đều. Điều quan trọng là đội Bangkok Glass quan tâm đầu tư vào đội ngũ hỗ trợ đội bóng như HLV thể lực, bác sĩ, chuyên gia hồi phục, chuyên gia dinh dưỡng, … giúp cho các cầu thủ được đáp ứng đầy đủ những điều kiện tốt nhất. Đội ngũ xây dựng hình ảnh đội bóng rất chuyên nghiệp nên cũng thu hút đông đảo người hâm mộ đến cổ vũ cho đội bóng.

Giải bóng chuyền chuyên nghiệp Thái Lan có 8 đội và thi đấu vòng tròn hai lượt trên sân nhà – sân khách trong khoảng 6 tháng. Mỗi đội bóng được thuê 3 ngoại binh và được sử dụng cùng lúc 2 ngoại binh trên sân. Các CLB bóng chuyền ở Thái Lan đều phải có sân nhà của mình. Một số đội bóng có hẳn sân riêng cho mình, và đó cũng là những đội có thành tích tốt cũng như lực lượng người hâm mộ đông đảo.

Ngoài ra, việc thi đấu vào cuối tuần cũng giúp cho các đội bóng có được thời gian chuẩn bị tập luyện, lên phương án chiến thuật cụ thể cho từng vòng đấu, khiến cho các trận đấu diễn ra hấp dẫn và kịch tính hơn. Các cổ động viên cũng sẵn sàng mua vé vào sân cũng như mua các áo đấu như những cầu thủ mà mình hâm mộ. Đó cũng là động lực để phát triển được thể thao chuyên nghiệp, đặc biệt là ở lĩnh vực bóng chuyền, ở Thái Lan.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều