Tiêu đề của website

Một thời để nhớ: Còn đâu bóng chuyền nữ Quảng Ninh.

Bóng chuyền vẫn được xem là một trong những môn thể thao “sở trường”, mang về nhiều thành tích cho thể thao Quảng Ninh khi tham gia thi đấu tại các đấu trường trong nước và khu vực. Thế nhưng, hiện nay nó đang đi xuống một cách thê thảm, khó có cơ hội vực dậy trong tương lai gần...


Bóng chuyền vẫn được xem là một trong những môn thể thao “sở trường”, mang về nhiều thành tích cho thể thao Quảng Ninh khi tham gia thi đấu tại các đấu trường trong nước và khu vực. Thế nhưng, hiện nay nó đang đi xuống một cách thê thảm, khó có cơ hội vực dậy trong tương lai gần...

Một thời để nhớ

Ngay sau ngày giải phóng Vùng mỏ (25/4/1955), phong trào bóng chuyền nam, nữ của Quảng Ninh đã sớm hình thành và phát triển mạnh mẽ. Nhưng cũng phải đến năm 1960, Quảng Ninh mới thành lập được các đội bóng chuyền nam, nữ và tham gia thi đấu ở giải hạng B miền Bắc. Và đến giai đoạn 1975- 1985, bóng chuyền nữ Quảng Ninh phát triển mạnh, trở thành “trung tâm” của bóng chuyền nữ cả nước với Đội bóng chuyền nữ Than Hòn Gai ( 5 lần vô địch toàn quốc) và nhiều danh hiệu xuất sắc khác. Lứa VĐV làm nên điều kỳ diệu ấy phải kể đến các tên tuổi như: Nguyễn Thị Cẩm, Lê Thị Thanh, Phạm Thị Nhâm, Nguyễn Thị Ái. Sau đó, bóng chuyền ở Vùng mỏ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn khi có nhiều CLB bóng chuyền ở các doanh nghiệp được thành lập, tạo nên một phong trào khá sâu rộng, sôi nổi...

Chuyền hai Trần Thị Yến đại diện Quảng Ninh lên nhận chức vô địch giải Bóng chuyền VĐQG năm 2000.

Thế nhưng, sau nhiều thăng trầm và thay đổi về cơ chế, các đội bóng chuyền trong tỉnh ngày càng bị thu hẹp và giải thể hoặc ghép lại với nhau. Đến năm 1998, Quảng Ninh chỉ còn lại 2 đội bóng chuyền là Bưu điện Quảng Ninh thi đấu ở giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc và đội nữ Công ty Than Uông Bí thi đấu ở giải A1. Mặc dù vậy, ở giai đoạn này, bóng chuyền Quảng Ninh vẫn để lại dấu ấn hoàng kim của mình bằng việc đoạt chức vô địch liên tiếp vào các năm 1999- 2000-2001 tại giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc, với một thế hệ các VĐV “vàng” như: chuyền hai Trần Thị Yến, các chủ công khét tiếng Bùi Lan Anh, Trần Thị Hiền, Bùi Thị Hương ... Với chiều cao trung bình 1m75, được coi là của hiếm lúc bấy giờ cùng một kỹ thuật điêu luyện, các cô gái vùng mỏ gần như không có đối thủ trên đấu trường quốc nội. Không những thế, Quảng Ninh còn đóng góp rất nhiều VĐV vào đội tuyển quốc gia đi tham gia thi đấu tại các giải trong khu vực và châu lục. Ở màu áo đội tuyển quốc gia các cô gái Vùng mỏ đã hoàn thành xuất sắc vị trí của mình, để lại ấn tượng thi đấu tốt. Có được bề dày thành tích đó phải nói đến công lao của lớp HLV dày dạn kinh nghiệm, tâm huyết với nghề như Trần Đào, Nguyễn Ngọc Mạnh (tức Mạnh hói), Ngô Đức Hinh v.v... Họ là những người đã dày công tìm kiếm, đào tạo nên một thế hệ vàng cho bóng chuyền Quảng Ninh trong đó tiêu biểu nhất là HLV Nguyễn Ngọc Mạnh, người đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 và HLV Vũ Đình Chiến, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen...

Vật vã tìm lại mình

Đó là thời điểm đỉnh cao của bóng chuyền nữ Quảng Ninh. Nhưng đến thời điểm hiện nay thì môn thể thao này chỉ còn là sự “vang bóng một thời”... Kể từ ngày đăng quang ngôi vô địch 3 lần liên tiếp bóng chuyền Vùng mỏ không làm được gì nhiều ở tại các giải đấu trong nước nữa, và rồi do Bưu điện Quảng Ninh không tiếp tục tài trợ kinh phí, đội bóng được chuyển về Công ty TNHH giải trí quốc tế Tuần Châu (Hạ Long) với cái tên khác: Đội bóng chuyền nữ Tuần Châu - Quảng Ninh. Với thương hiệu mới cùng sự nỗ lực của chủ công Trần Hiền, bóng chuyền nữ Quảng Ninh cũng có thêm một HCB tại giải bóng chuyền đội mạnh năm 2005. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ sau một thời gian ngắn ngủi, “duyên nợ” giữa doanh nghiệp này và đội bóng đã kết thúc, đội bóng quay lại với cái tên đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh...

Các cô gái trẻ Quảng Ninh vật vã ngày trở lại. Ảnh Trân Trần

Việc thiếu vắng nhà tài trợ nhưng từ mùa giải năm 2009, đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh đã được tỉnh cấp cho 1,5 tỷ đồng, một khoản kinh phí được xếp vào loại khá tươm so với một số đội bóng cùng giải đấu. Dù số tiền tài trợ không hề ít, thế nhưng mức lương của các VĐV đội 1 cũng chỉ có hơn 2 triệu đồng khiến các cô gái nơi đây vô cùng chán nản. Những VĐV có chuyên môn lần lượt rời đội chuyển hướng khác, tuyến trẻ thì bao năm không tìm được ai thay thế các đàn chị khiến đội bóng này lao dốc không phanh, cực điểm là việc xuống hạng năm 2013.   

Bóng chuyền nữ Quảng Ninh đã từng một thời là niềm tự hào của người dân Vùng mỏ. Nhưng với thực trạng và cơ chế như hiện nay thì việc làm sao “tìm lại được chính mình” quả là bài toán nan giải. Ngoài vấn đề về tài chính thì có lẽ lãnh đạo đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh lúc này nên quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chuyên môn đặc biệt là HLV, bởi năng lực nội tại mới là chìa khóa quyết định cho sự phát triển.  

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều