Tiêu đề của website

Kẹt ở cơ chế

Bóng chuyền đang nỗ lực học theo bóng đá, bóng rổ cách tự tạo ra một cơ chế thông thoáng để hoạt động, tự tin hơn khi dấn thân vào công tác vận động tài trợ và hướng đến một môi trường hoạt động đầy tính chất xã hội hóa.


Ở đó, dần dà sự ảnh hưởng của ngành TDTT không tồn tại nữa để thay thế bằng một “bộ cánh” chuyên nghiệp thực thụ, với bộ máy quản lý và điều hành đúng chất một CLB thể thao chuyên nghiệp, tự quyết định chiến lược cũng như nguồn kinh phí sự nghiệp. Tất nhiên, những nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp khi đã dấn thân vào thể thao thì điều đầu tiên phải là tuân thủ pháp luật, tôn trọng những nguyên tắc trong cuộc chơi của thể thao nói chung.

Đội bóng quân đội với nhiều quy chế mang tính chất cục bộ.

Bóng đá và bóng rổ đang làm rất tốt điều này, vì vậy bóng chuyền mới theo đuổi một tương lai khá khẩm hơn hiện nay, khi giải VĐQG vẫn còn nhùng nhằng chuyện lên - xuống hạng, quy chế chuyển nhượng chưa thông suốt, luật chơi còn nhiều kẽ hở… Nổi bật vẫn là sự độc quyền về cơ chế của các đội bóng quân đội. Điều đáng ngạc nhiên là, chẳng hạn ở CLB nữ Thông tin Lienvietpostbank, Ban huấn luyện hoàn toàn có quyền đề xuất tuyển VĐV, kể cả mời chào VĐV giỏi từ nơi khác về đầu quân, nhưng riêng những VĐV của đội bóng này phải tuân thủ quy định quá nghiệt ngã là phải phục vụ 15 năm trước khi muốn đi đâu đó. Ràng buộc này vô tình ngăn cản nhiều VĐV của Thông tin LVPB mất cơ hội kéo dài sự nghiệp, hoặc phải nghỉ vì lý do không đáp ứng được chuyên môn cao của đội bóng hoặc không làm vừa lòng HLV trưởng, lãnh đạo đội. Khi trở thành cái gai trong mắt, nhóm VĐV này đi không được mà ở cũng chẳng xong, thậm chí còn bị ảnh hưởng nặng nề khi bị trả đũa bằng tài chính. Luật bất thành văn tồn tại ở đội bóng này từ lâu và khiến giới làm nghề chỉ còn biết than vãn vì dù rất muốn mượn người, muốn ký hợp đồng với VĐV phù hợp với lối chơi của CLB cũng không được, trong khi quân của họ có thể bị đội bóng này “bắt” mất lúc nào không hay.

Giới chức quản lý bóng chuyền Việt Nam cũng đành chào thua trong câu chuyện này. Mặc dù muốn tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cả về cơ hội lẫn luật chơi để giúp làng bóng chuyền phát triển mạnh hơn nữa, nhưng đành chịu một khi các đội bóng quân đội không thích. Thậm chí, đã có người trong giới bóng chuyền đề đạt nguyện vọng nên loại các đội bóng thích “đóng cửa tự chơi” này khỏi giải VĐQG vài mùa và nếu không thay đổi cơ chế, quy định lỗi thời của mình, thì loại vĩnh viễn luôn, để nhường cho cuộc chơi một sự lành mạnh thực sự.

Tất nhiên, bao lâu nay, chuyện này được đưa ra bàn luận nhiều lần, qua nhiều thời kỳ lãnh đạo của các vị quản lý Liên đoàn Bóng chuyền, tuy nhiên tất cả đều không thành, và bóng chuyền Việt Nam cứ phải chấp nhận một cuộc chơi khá úp mở về cơ chế quản lý đội bóng, chuyển nhượng VĐV... Điều này cũng đẩy Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam vào thế kẹt, bởi lẽ khi họ không giải quyết được vấn đề thì đương nhiên, các thành viên khác (đội bóng) không còn đặt nhiều niềm tin và sự kỳ vọng vào mình nữa.


Tác giả:LÊ HÙNGNguồn: SGGP
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều