Tiêu đề của website

Hãy yêu bóng chuyền nữ bằng cái nhìn tích cực và có văn hóa

Bóng chuyền là môn thể thao của những người đẹp, do các người đẹp phô diễn. Cứ nhìn chiều cao của Ngọc Hoa, Kim Huệ, Thanh Thúy, Đoàn Xuân… thì thầm nghĩ chẳng mấy chốc dân tộc ta sẽ hoá rồng về sức vóc


Bóng chuyền là môn thể thao của những người đẹp, do các người đẹp phô diễn. Cứ nhìn chiều cao của Ngọc Hoa, Kim Huệ, Thanh Thúy, Đoàn Xuân… thì thầm nghĩ chẳng mấy chốc dân tộc ta sẽ hoá rồng về sức vóc. Trên sân NTĐ Vĩnh Phúc lanh lảnh tiếng la hét cứu bóng, thất thanh yểm hộ, gọi tên nhau tấn công, thảng thốt bâng quơ khi khích lệ đồng đội, nó cứ như rót vào ta cái nồng nã mềm mại của lưng của mắt của mồ hôi của làn da của cái bím tóc lắc lư. Mà với tiếng con gái của đội tuyển nữ Việt Nam, lanh lảnh như kim, nhọn hoắt như dùi nhưng vẫn nghe một chút gì đấy như là yếu đuối dễ thương cần sự che chở.

Các VĐV bóng chuyền luôn phải đối mặt cần kề với chấn thương.

Giữa một đội bóng chân dài lồng ngồng, lọt thỏm là hai cô bé libero nhỏ xíu cao chừng trên dưới mét sáu, nhưng mà rất cân đối, rất xinh, và đặc biệt là rất nhanh nhẹn, rất dũng cảm. Cô làm sáng bừng cả sân thi đấu bằng những cú cứu bóng thần sầu. Thì nhiệm vụ của libero là chỉ được ở hàng sau và chỉ cứu bóng đỡ bóng thôi mà. Nhưng hai cô bé này thì còn trên cả cứu bóng, bởi sau khi cứu bóng cô đưa bóng rất khéo về nơi cần đến là vị trí chuyền hai. Có những cú bay cá lộn hai vòng, tay úp sát sàn, người trôi như tấm thảm, và... bóng rơi vào bàn tay đang úp trên sàn, nẩy lên đúng tầm đồng đội.

Mảnh mai như thế, dịu dàng như thế, trắng trẻo như thế, mà xinh, mà đẹp, nhiều em đẹp cỡ hoa hậu... nhưng cũng rất mạnh mẽ khi cần thiết. Nhìn các cô gái chân dài lăn lộn xoay vòng vòng trên sân vừa thấy thương vừa thấy phục. Những bím tóc lắc lư, những tiếng hét con gái chói tai, những giọt mồ hôi nồng nàn trên má, trên áo và cả trên sàn thi đấu làm nhiều người rưng rưng xúc động. Tất nhiên không tránh khỏi cả những lời bình vô văn hoá, nhiều khi đến cả tai các VĐV của một vài kẻ phàm phu. Người ta thấy chạnh lòng ái ngại, thương xót nhưng hình như các cô gái ấy đã quen rồi. Thì cái xã hội này là thế, bên cạnh cái thanh cao là kề cận thấp hèn, bên cạnh sự trắng trong là u mê cục súc... biết làm sao được.

Phạm Thị Kim Huệ vẫn rất được nhiều khán giả yêu mến.

Dù đã ở tuổi 34, nhưng vẫn rất nhiều người "mê" Phạm Thị Kim Huệ, tay đập thần sầu từng là đội trưởng Bộ tư lệnh Thông tin và cả đội tuyển quốc gia. Có người mê quá còn bảo đến cả dang đi, kiểu... kẹp tóc cũng đẹp. Nhiều khán giả thì thích vẻ nhí nhảnh của Linh Chi, nhưng cũng có người thích khuôn mặt buồn thi thoảng cười tươi của Ngọc Diễm.

Khán giả Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận hôm nào cũng đến xem rất đông, có người còn mang cả trống rồi mặc áo cờ đỏ sao vàng. Họ mang đến một sinh khí "cổ vũ" bóng chuyền, chứ không chỉ "xem" bóng chuyền. Mỗi pha bóng ghi điểm của đội tuyển Việt Nam họ lại hò reo cùng những tràng pháo tay không ngớt, họ cùng nhau hát quốc ca… khiến bầu không khí trở nên cuồng nhiệt hẳn lên. Nhưng khán giả Việt Nam mình cũng kỳ cục lắm, mỗi khi tuyển Việt Nam mình bị đối thủ dẫn điểm, thi thoảng trong NTĐ lại xuất hiện những câu kiểu như HLV: “thay chuyền hai đi, đánh thế à…” Nhìn sang khán giả Thái Lan, dù thắng hay thua thì họ luôn tỏ ra văn minh, họ luôn động viên và âm thầm dõi theo đội bóng. Đáp lại tình cảm của khán giả, các cô gái Thái phần nào cũng cảm thấy thoải mái, họ tươi cười nhưng cũng rất quyết tâm, họ cảm nhận được khán giả cần họ và những cô gái ấy luôn yêu nghề và nỗ lực hơn trong tập luyện.

Thể thao là thế, vui buồn lẫn lộn, nụ cười rồi cũng rớt cả nước mắt. Mà nước mắt con gái, buồn đến thắt lòng...

 

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin
Phạm Thị Kim Huệ

Phạm Thị Kim Huệ

Ngày sinh: 03/08/1982
Quê quán: Hà Nội
CLB: Ngân hàng Công thương
Vị trí: Phụ công
Số áo: 5
Tiêu điểm
Xem nhiều