Tiêu đề của website

Giá trị tài năng

Năm ngoái, phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa trở thành VĐV bóng chuyền Việt Nam đầu tiên khoác áo một đội bóng nước ngoài thi đấu ở giải các CLB nữ châu Á. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, bởi Ngọc Hoa đã cùng CLB Bangkok Glass giành ngôi vô địch để năm nay, đại diện cho châu Á dự Cúp các CLB nữ thế giới tại Philippines.


Năm ngoái, phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa trở thành VĐV bóng chuyền Việt Nam đầu tiên khoác áo một đội bóng nước ngoài thi đấu ở giải các CLB nữ châu Á. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, bởi Ngọc Hoa đã cùng CLB Bangkok Glass giành ngôi vô địch để năm nay, đại diện cho châu Á dự Cúp các CLB nữ thế giới tại Philippines.

Từ lâu, người thủ lĩnh của đội bóng Bình Điền Long An và cả đội tuyển nữ quốc gia đã trở thành tấm gương cho thế hệ VĐV sau noi theo, cả về phẩm chất đạo đức lẫn tài năng chuyên môn. Sau Ngọc Hoa có vài VĐV cũng đến Thái Lan thi đấu, nhưng đạt đến thành công như cô (vô địch quốc gia Thái Lan, vô địch châu Á) thì chưa ai làm được.

Ngọc Hoa (20) và Thanh Thúy (6) trong màu áo CLB Bangkok Glass (Thái Lan)

Trong cuộc hành trình đến giải các CLB nữ thế giới 2016, Ngọc Hoa vẫn được đánh giá là mũi tấn công xuất sắc nhất của đội bóng số 1 Thái Lan. Càng nhìn Hoa chơi bóng ở nước ngoài, càng thấy tiếc nuối cho làng bóng chuyền của chúng ta. Bóng chuyền Việt Nam đâu có thiếu nhân tài, thậm chí là xuất sắc như Ngọc Hoa, Kim Huệ, Phạm Thị Yến, Nguyễn Hữu Hà, Từ Thanh Thuận, Nguyễn Hoàng Thương… nhưng họ thiếu những cơ hội tranh tài ở đỉnh cao châu lục và thế giới.

Chính ông Shanrit Wongprasert (Thái Lan), một người giàu kinh nghiệm và uy tín trong làng bóng chuyền thế giới, cũng đã khẳng định nếu như các CLB, đội tuyển bóng chuyền Việt Nam có thêm những cơ hội thi đấu quốc tế, VĐV được tạo điều kiện xuất ngoại khoác áo đấu của những CLB ở châu Á và châu Âu, trình độ sẽ tiến bộ rõ rệt. Bóng chuyền Thái Lan từng phát triển theo hướng đó, sau khi đã dày công xây dựng nên nền tảng vững chắc từ các CLB địa phương cho đến các cấp độ đội tuyển, nên họ đã vô địch châu Á đến 2 lần chỉ trong chưa đầy 5 năm.

Giải vô địch bóng chuyền quốc gia (trước đây còn mang tên là Giải đội mạnh toàn quốc) từ lâu đã thành “tấm áo chật chội” đối với Ngọc Hoa và những “cao thủ” của Việt Nam. Nhưng vì vướng mắc cơ chế, sự tự ti nên giới quản lý bóng chuyền địa phương và quốc gia cũng không dám mạnh dạn tung quân đi du đấu, vừa để học nghề, cũng vừa để rèn luyện bản lĩnh trận mạc, tiếp thu những lối đánh mới rất có ích cho ĐTQG khi bước vào các sân chơi SEA Games, Asiad…

Giới làm nghề càng nhìn thấy Ngọc Hoa chơi xông xáo và thông minh trong đội hình của CLB Bangkok Glass càng thấy tiếc cho chính cô, cho giá trị của một tài năng phải ẩn mình ở vùng đất thiếu cơ may phát triển đến tột cùng đỉnh cao. Giá như bóng chuyền không có giai đoạn khựng lại vì giới quản lý thiếu đồng thuận. Giá như những người tâm huyết được nói và làm đúng theo định hướng phát triển mới, mọi chuyện đã khác rồi và bóng chuyền Việt Nam không tụt hậu quá xa so với Thái Lan - quốc gia từng ngang bằng về trình độ với chúng ta hơn 1 thập niên trước.

Tháng 9 và tháng 10 ngoài sự kiện Ngọc Hoa trở thành VĐV đầu tiên của bóng chuyền Việt Nam dự một giải cấp thế giới, nhiều đội bóng trong nước cũng bước vào các cuộc tranh tài quan trọng: CLB Thông tin LVPB sẽ đấu ở giải CLB châu Á 2016, đội tuyển nữ dự Cúp vô địch châu lục 2016, CLB nam TPHCM vừa kết thúc Cúp các CLB châu Á 2016 ở vị trí thứ 7, trong khi đội tuyển nam đến giữa tháng sẽ tập trung trở lại để thi đấu vòng loại giải vô địch thế giới 2017 khu vực Đông Nam Á. Trông thì nhộn nhịp thật đấy, nhưng người trong giới vẫn cho rằng bóng chuyền Việt Nam vẫn cần một cú hích cực lớn để vươn lên…

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều