Tiêu đề của website

Đầu xuân ghé hội bóng chuyền...

Xem bóng chuyền ở hội làng giờ đã không còn hiếm. Thậm chí, giờ nó đã thành một món ăn tinh thần phải có ở đầu xuân trong bất kỳ hội làng nào của khu vực miền Bắc…


Xem bóng chuyền ở hội làng giờ đã không còn hiếm. Thậm chí, giờ nó đã thành một món ăn tinh thần phải có ở đầu xuân trong bất kỳ hội làng nào của khu vực miền Bắc…

Đua nhau mời tuyển thủ

Ngay từ mùng 4, mùng 5 tết âm lịch, khắp nơi đã diễn ra hội làng truyền thống và đấu bóng chuyền phải có. Ở phía Bắc, các huyện ngoại thành Hà Nội (chủ yếu vùng Đông Anh) tổ chức bóng chuyền hội làng nhiều nhất. Xa hơn là Bắc Ninh. Sự háo hức của người dân với bóng chuyền đậm chất làng quê đó là: đập bóng ăn điểm sướng tưng bừng rồi, là động lực thôi thúc các xã ở Đông Anh mời gọi cầu thủ về đấu hội.

Những đội bóng có uy tín ở giải VĐQG như Thể Công, Biên phòng, Công an Phú Thọ, Ninh Bình… luôn được ưu tiên trên nhất. Hội làng có chất riêng từng nơi. Tiền treo cao chỉ một phần, phần còn lại là uy tín tổ chức lâu năm ở địa phương ấy nên cầu thủ của đội bóng trên (trong đó không thiếu các tay đập của ĐTQG) chưa nghỉ tết đã được đánh tiếng và nhận không dưới 5, 6 “sô”.

Điển hình là hội Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Diễn ra từ mùng 6 âm lịch và ngoài hội vật truyền thống, tại đây đều mời các hảo thủ bóng chuyền nam miền Bắc dự, khai hội. Mới nhất, các xã Vân Hà, Thiết Úng (Đông Anh) vừa kết thúc thi đấu bóng chuyền hội làng và ai nấy đều hả hê khi tận mắt được thấy có cầu thủ vừa chơi SEA Games mới đây “chiến đấu” ở làng mình.

Đó là chuyện của nam. Bóng chuyền nữ cũng là phần không thể thiếu ở hội làng. Trong ngày khai xuân 2014 ở làng Phù Khê (Bắc Ninh) hôm 13-2, lần lượt các cô gái Thông tin, NH Công Thương, Giấy Bãi Bằng… tề tịu tranh tài như một giải tứ hùng khép kín. Trong những đội được mời, nữ Thông tin là đắt “sô” nhất.

Dễ hiểu, đây là đội bóng được khán giả các làng quê biết nhiều nhất nên hâm mộ nhất. Do vậy, sau những màn giới thiệu từ chiếc loa rè thường trực ở hội làng, cầu thủ nữ lao ra sân thi đấu nên liên tục nhận được tràng pháo tay tán thưởng.

Thưởng cho xứng công

Nếu hỏi tiền thưởng ở hội làng như thế nào, câu trả lời sẽ rất khó đoán. Đánh bóng chuyền hội làng, các VĐV mê nhất là được một vài nơi ở Bắc Ninh mời. Ở đây, khán giả cổ vũ rất đông và trao thưởng không tiếc tay. Giải cao nhất ở hội làng thuộc địa phận Bắc Ninh có mức… 100 triệu đồng (đối với nam) còn của nữ khoảng 30 triệu đồng dành cho nhà vô địch.

Tất nhiên, đắt sắt ra miếng. Chỉ một số địa phương cố định, có uy tín đã đánh tiếng mời từ trước tết và được một số đội cam kết có những tay đập hạng sang góp mặt thì thưởng mới cao tới vậy. Còn nhớ, vài năm trước, hay tin đội nam Sanest Khánh Hòa ra miền Bắc tập huấn sớm chuẩn bị cho giải toàn quốc, nhiều nhà tổ chức hội làng không ngại mời tham dự. Sự háo hức bởi người dân rất mong chờ được thấy Ngô Văn Kiều ở bên ngoài chứ không phải qua màn hình tivi.

Với nữ, giải ở Phù Khê khá to. Ngoài tiền thưởng, nơi đây còn chứng kiến khán giả trao luôn các giải phụ như hoa khôi hội làng, chủ công hội làng… tới 10 triệu đồng/giải. Nhưng, như đã nói ở trên, sự định danh được bóng chuyền hội làng phân biệt rất cụ thể đó là ai nổi tiếng sẽ mời nhiều, để phục vụ đông đảo khán giả là bà con trong vùng. Vì thế, có thể giải thưởng ít nhưng nếu đắt “sô” và giành chiến thắng nhiều thì khoản thu nhập của nhiều đội sẽ không nhỏ chút nào.

Và dù cầu thủ nữ hay nam, khi chứng kiến một quả đập trái phá sướng con mắt đã không thiếu khán giả lao ngay vào sân dúi tiền thưởng “nóng” ở cạp quần, động viên cầu thủ. Đó là nét riêng của hội làng.

NGUYỄN ĐÌNH


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều