Tiêu đề của website

ĐẮK LẮK ANH HÙNG, HẢI DƯƠNG THẤT THỦ

Cách đây tròn 25 năm, trên báo Thể thao Việt Nam, mình từng coi bóng bàn là một trong số ít đặc sản của Hải Dương. Bên cạnh đó, khán giả yêu bóng chuyền cả nước cũng biết tỉnh Hải Dương có nhiều danh tài của môn chơi này.


HLV Nguyễn Thu Hương bên cạnh cha mình - ông Nguyễn Thanh Thưởng

Trong số ấy, người tiêu biếu mà tôi biết là ông Nguyễn Thanh Thưởng, dân Thanh Hà, nơi vải thiều ngon có tiếng. Ông Thưởng nguyên là VĐV của bóng chuyền Việt Nam tham dự GANEFO 1963, thi đấu cùng những đồng đội trứ danh như Đào Hữu Uyển, Quản Trọng Hải, Lê Đình Phụng…và đã được coi là tay bỏ nhỏ xuất sắc nhất. Sau khi nghỉ thi đấu, ông Thưởng là Trưởng phòng thi đấu của Tổng cục TDTT, đã nhiều phen tham gia các giải hạng A toàn quốc (khi ấy chưa có giải đội mạnh) trong vai trò giám sát. Nhà ông Thưởng có 4 cô con gái (1 giáo viên, 2 bóng chuyền và 1 ngân hàng). Hai con gái ông Thưởng là Nguyễn Thu Hương và Nguyễn Tâm Anh là thành viên đội BTL Thông tin, chị chủ công, em chuyền hai lẫy lừng với nhiều giải vô địch trong nước và các SEA Games. Bóng chuyền Hải Dương còn chủ công Nguyễn Thị Thanh Thúy, nhiều lần được khen là tay đánh xuất sắc nhất tại giải A1, đi SEA Games trong vai trò chủ công, cùng Thanh Thúy còn các cô gái giỏi dang như Thu Hằng, Minh Thư, Hà Thu… và một ông giám đốc thể thao yêu bóng chuyền và bóng bàn là Vũ Khắc Lùng. Tóm lại đây là một truyền thống bóng chuyền không đến nỗi nào và nếu so sánh hơi khấp khểnh thì bóng chuyền tỉnh Đông chỉ thua sút so với Thái Bình, mới đây nhất vẫn còn có chủ công Lê Thị Hồng được lên tuyển tham dư SEA Games 28. Vậy mà hôm rồi, bóng chuyền tỉnh Đông thất thủ trước đội bóng mới lên hạng là Đắk Lắk, thật đúng là một thông tin gây sự chú ý. Tuy nhiên, có điều đặc biệt từ hiện tượng này lại là sự kiện nữ HLV của đội bóng chuyền Đắk Lắk non trẻ chính là một "công dân" Hà Nội gốc Hải Dương, đó là Nguyễn Thị Thu Hương, cô chị cả của gia đình ông Thưởng, là chủ công có biệt danh Hương “cảnh sát”. Hấp dẫn ở chỗ một cô gái Hải Dương cầm quân đưa đội bóng non trẻ ở Tây nguyên lâm trận và giành thắng lợi trước đội bóng của chính quê hương mình. Kinh điển hơn, Nguyễn Thu Hương cùng các VĐV trẻ Đắk Lắk còn có chiến thắng địa chấn trước Tiến Nông Thanh Hóa với tỉ số 3-1 ngay sau đó.

HLV Nguyễn Thu Hương đang hết mình vì bóng chuyền Đắk Lắk

Người viết từng có 15 năm ở Đắk Lắk, và ra đi với cái tên Ama Lâm, một bút danh khá quen thuộc. Đắk Lắk chưa có truyền thống bóng chuyền, dù năm 1978, mình tham gia đội bóng chuyền nam trong tư cách thành viên BHL, trong đội có hai cầu thủ tài giỏi từ phía Bắc bổ sung, hay nhất là Lê Thanh, từng khoác áo đội bóng chuyền Sông Hồng nổi tiếng khi xưa. Năm ấy, tại giải bóng chuyền miền Trung, đội tuyển bóng chuyền của chúng mình chỉ xếp dưới hai đội Bình Định và Phú Khánh và cũng là giải cao nhất mà bóng chuyền nơi xứ sở cà phê có được. Đắk Lắk từng có các nhà vô địch Pencak Silat, cờ vua và một VĐV chạy cự ly vừa, có lẽ chỉ có thế. Trận thắng trước Hải Dương hôm rồi và sau đó là Thanh Hóa sẽ là liều thuốc quý để từ đây sẽ vươn lên, tất nhiên nếu được kiện toàn bộ máy và bổ sung lại lực lượng. Bên lề trận thắng lịch sử này, mình bỗng nhớ lại cái biệt danh mà dân hâm mộ dành cho Thu Hương, chẳng phải yếu tố dữ dằn làm nên tên ấy mà thực tế là khi xưa. Thu Hương có người yêu là một chiến sỹ cảnh sát, vì thế mới có biệt danh này. Nhắc đến cô con gái, mình lại nhớ về ông Thưởng với một kỷ niệm khó quên.

Đó là khi phóng viên Ama Lâm xuống Hải Dương theo dõi giải bóng chuyền vô địch quốc gia hạng A (chưa có đội mạnh), ông Thưởng là giám sát. Một hôm, nhân buổi chiều rảnh rỗi, mấy anh em trọng tài, HLV rủ nhau chơi bóng độ bia theo các kiểu rất vui. Và có trận đấu rất lạ: bên này chỉ có 2 người là ông Thưởng phòng thi đấu của Tổng cục TDTT và gã nhà báo Ama Lâm, bên kia là 5 người. Vào trận, ông Thưởng gọi gã nhà báo “Niu ơi, mày cứ chốt chỗ số 2 cho tao, dưới này anh bắt hết nhé”. Thể rồi ông “bốc” hết giao bóng và tay phóng viên cứ việc chuyền lên khá dẻo, đội hai người thắng đám đông kia rồi họ cùng chia nhau 2 két bia, và chuyện nở như ngô rang!

Đắk Lắk chưa chắc đã trụ hạng nếu không biết cách củng cố ở vòng hai. Tôi tin rằng tỉnh Đắk Lắk rồi sẽ có những tính toán cho đội bóng chuyền nữ non trẻ của mình để khỏi phụ lòng trông mong của cả tỉnh, hôm nay thì HLV Hương “cảnh sát” và học trò lại miệt mài ra sân, giấc mơ trụ hạng sẽ chắp đôi cánh mới cho họ.


Tác giả:NGUYỄN LƯUNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều