Tiêu đề của website

Chia tay HLV Lương Khương Thượng

Đất miền Nam không có nhiều địa chỉ mạnh về bóng chuyền nữ. Thế mà lại nổi lên một thế lực VTV Bình Điền Long An nằm trong tốp 3 của bóng chuyền nữ Việt Nam suốt hơn 30 năm nay. Người đã viết nên câu chuyện khác thường này là HLV Lương Khương Thượng, với những câu chuyện trở thành giai thoại trong môn thể thao của các cô gái chân dài...


HLV Lương Khương Thượng đặt trọng trách lên HLV Nguyễn Quốc Vũ phải tiếp tục chèo lái vì sự phát triển bóng chuyền VTV Bình Điền Long An. 

Ít ai biết, người tạo dựng nền móng vững chắc cho đội bóng chuyền nức tiếng miền Nam lại là một chàng trai gốc Bắc. Năm 1972, chàng trai quê Quảng Ninh tên là Lương Khương Thượng lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi. Sau vài tháng huấn luyện ở quân trường, anh được vinh dự đứng vào hàng ngũ sư đoàn 308 oai hùng, tham chiến tại chiến trường khốc liệt nhất năm 1972, đó là Thành cổ Quảng Trị.

Sau đó, sư đoàn 308 kéo về đóng tại Vĩnh Linh, và trong thời gian này họ được tiếp xúc với đội bóng chuyền Thể Công vừa đi tập huấn từ Triều Tiên về (làm nhiệm vụ giao lưu với cơ sở). Đến năm 1975, một bộ phận của sư đoàn 308 nhập vào sư đoàn 341 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng này trở thành một bộ phận của Quân đoàn 4. Để tham gia một giải bóng chuyền trong nội bộ quân đội năm 1976, Quân đoàn 4 tổ chức tuyển người và Khương Thượng, với những bài học từ các tay đập lừng danh, đã vinh dự được đứng vào đội ngũ đội Quân Đoàn 4, mà sau đó nhanh chóng trở thành một đội cực mạnh của bóng chuyền Việt Nam. Trong thời gian này, anh tranh thủ đi học Trường TDTT đóng ở trường đua Phú Thọ (tiền thân của Trường ĐH TDTT 2). Đến năm 1981 khi hoàn thành khóa học, anh ra quân và được giữ lại trường. Năm 1985, Khương Thượng đang là phó phòng tuyên huấn quản lý sinh viên của Trường ĐH TDTT 2 và được biệt phái về giúp đội bóng chuyền nam Long An. Vừa hoàn thành chỉ tiêu giúp đội này trụ hạng A1, ông Bảy Nô (lúc ấy là giám đốc Sở TDTT Long An) đã đề nghị anh gầy dựng phong trào bóng chuyền nữ. Chính quyết định đó đã giúp HLV người Quảng Ninh trở thành người thầy có nhiều ảnh hưởng nhất đến thành tích của bóng chuyền tại địa phương này.

Thời gian đầu nhận công tác, ông gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và xây dựng lực lượng VĐV. Danh hiệu đầu tiên là chức VĐQG chỉ đến vào năm 1993 nhưng cũng kể từ thời điểm đó, đội bóng chuyền Dệt Long An, tiền thân của VTV Bình Điền Long An bây giờ gặt hái được vô số thành tích như VĐQG năm 1996, top 3 Grand Prix Cup, Salonpas Cup và nhiều danh hiệu cao quý khác để trở thành một trong những cái tên đáng gờm trong làng bóng chuyền Việt Nam.

Vai trò quan trọng của HLV sinh năm 1952 này một lần nữa được khẳng định khi ông quay lại dẫn dắt Bình Điền Long An vào năm 2006 sau một thời gian khủng hoảng của đội bóng này. Và ngay lập tức, với tài điều quân khiển tướng của mình, ông đã giúp đội bóng xếp thứ 2 tại Đại hội TDTT toàn quốc trước khi bước lên đỉnh vinh quang với chức VĐQG năm 2009 và 2011.

Năm 2011, vì sức khỏe không đảm bảo, HLV Lương Khương Thượng nghỉ dẫn dắt đội 1 và chuyển sang công tác đào tạo năng khiếu. 32 năm gắn bó với bóng chuyền Long An, có thể nói, người thầy 66 tuổi này đã để lại dấu ấn sâu đậm trong thành công có được của đội bóng cho đến ngày hôm nay.

Có thể, HLV Khương Thượng không phải là người duy nhất mang lại thành công cho bóng chuyền Long An nhưng nếu xét từ quá trình tìm kiếm VĐV cho đến việc huấn luyện họ để trở thành những nhà VĐQG thì phía Nam chỉ có mình ông. Người thầy này luôn dành thời gian lặn lội về các địa phương để tuyển chọn tài năng trẻ cho Bình Điền Long An mà VĐV với chiều cao kỷ lục 1m89 trong làng bóng chuyền Việt Nam Trần Thị Thanh Thúy là một ví dụ điển hình.

Trong lễ mừng công của đội bóng VTV Bình Điền Long An ngày hôm qua, cũng là buổi tiệc chia tay HLV Lương Khương Thượng. Bóng chuyền VTV Bình Điền Long An đã ghi nhận HLV Lương Khương Thượng như người thầy đáng trân trọng - như chứng nhân lịch sử đặc biệt. Suốt từ buổi sơ khai đến tận bây giờ, người thầy ấy đã dãi nắng dầm mưa đào tạo nên những lứa học trò xuất chúng, làm rạng danh nền thể thao Việt Nam.

Được thành lập năm 1986, giành quyền thăng hạng năm 1990, với dàn tinh binh gồm Nguyễn Thị Hộ, Ngô Thị Vàng, Trần Thị Cẩm Thúy, Lê Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Hoa, Trịnh Thị Thu Dung, Nguyễn Thị Kim Thoa, Huỳnh Kim Anh Thư... Ba năm sau (1993) chính những cô gái này mang về danh hiệu vô địch quốc gia đầu tiên cho bóng chuyền miền Tây Nam Bộ.

Tên tuổi nữ Long An từ đó nổi như cồn và được giới hâm mộ biết đến, yêu mến. Đội bóng trở thành một thế lực mới khi liên tục giành được vô số thành tích, trong đó có danh hiệu VĐQG lần thứ nhì vào năm 1997, ba lần giành ngôi á quân (1995, 1998, 1999); ba lần đoạt hạng 3 toàn quốc (1992, 1994 và 1996), lọt vào Top 3 các giải đấu quan trọng như Tiger Grand Prix Cup, Cúp Thăng Long, Cúp TP.HCM, Cúp Salonpas… trong suốt thập niên 90.

Sau khi tham gia ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền nữ VN dự SEA Games 1993, ông Lương Khương Thượng giã từ nghiệp huấn luyện để về lại Trường ĐH TDTT 2 giữ nhiệm vụ trưởng phòng đào tạo. Và khi VTV Bình Điền Long An khủng hoảng HLV, ông đã nhận lời quay lại để dẫn dắt đội dự Đại hội TDTT toàn quốc 2006 (đoạt HCB), VĐQG 2009, 2011 và rất nhiều danh hiệu cao quý khác... Ông Lương Khương Thượng cho biết: “Dù đã có nhiều đội bóng mời chào như Vietsov Petro, Cao su Phú Riềng, Vĩnh Long, Maseco TP.HCM… nhưng ở VTV BĐLA người ta có cái tình. Có lẽ, cả đời tôi sẽ gắn bó với bóng chuyền nơi đây, cho tới khi tôi không thể cố được nữa.”!

 


Tác giả:HÀ HƯNGNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều