Tiêu đề của website

Trai Nam Bộ trên sân Bóng chuyền miền Bắc.

Lịch sử bóng chuyền Việt Nam ngay từ ngày đầu mới thành lập đã ghi nhận nhiều gương mặt xuất sắc đến từ đội tuyển bóng chuyền Thể Công và nhiều tỉnh, thành khắp cả nước. 


Lịch sử bóng chuyền Việt Nam ngay từ ngày đầu mới thành lập đã ghi nhận nhiều gương mặt xuất sắc đến từ đội tuyển bóng chuyền Thể Công và nhiều tỉnh, thành khắp cả nước. Trong số những gương mặt của đội tuyển bóng chuyền suốt từ ngày đầu tiên ấy cho đến khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, có một gương mặt, người trai miền Nam tập kết và thành viên duy nhất của đội bóng là người miền Nam: chủ công Lâm Dũng.

Chủ công Lâm Dũng (người cầm cúp) trong đội hình đội tuyển bóng chuyền nam Trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT Trung ương năm 1963

Những trang sử vàng của Thể thao Việt Nam đã ghi nhận sự đóng góp của nhiều nội dung Olympic, trong đó có bóng chuyền, môn thể thao phát triển khá sớm tại Việt Nam. Năm 1957, đội tuyển bóng chuyền nam nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức ra đời, thành phần chủ yếu là các cầu thủ Thể Công cùng một số gương mặt xuất sắc đến từ Hà Nội và một số tỉnh, thành khác. Ngay từ ngày ấy, đội tuyển bóng chuyền Việt Nam đã lần lượt tham gia giải bóng chuyền 4 nước Việt-Trung-Triều-Mông (Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ), tiếp theo là những kỳ tập huấn, thi đấu ở nhiều nước anh em. Cứ như thế, bóng chuyền Việt Nam đã xây dựng, tồn tại và phát triển cùng với đất nước.

Năm 1960, theo chủ trương của ngành TDTT, một trung tâm huấn luyện lớn được ra đời tại Nhổn, gọi là Trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT TW (THL), ban đầu gồm một số tổ, đội thể thao thuộc những môn cơ bản nhất là bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh, thể dục, bơi lội, bắn súng.., trong đó đội bóng chuyền nam đa số chính là Thể Công. Trong đó, cái tên Lâm Dũng được nhắc đến một cách thân thương bởi anh quê ở miền Tây Nam Bộ, là bộ đội tập kết, lại mang trong mình dòng máu miền Nam giữa lòng miền Bắc yêu thương. Những người Thể Công thuộc lớp đầu tiên gia nhập THL gồm các anh Lý Đức Kim, Phạm Quang Tuyến, Nguyễn Đức Tín, Bùi Huy Giang, Phạm Thanh Lãng và Lâm Dũng. Họ trở nên các thành viên chủ chốt của đội nam bóng chuyền Việt Nam. Lâm Dũng tính bộc trực và xởi lởi, anh kể: “Mình con nhà nông, khi lớn lên là xung phong tòng quân, vào bộ đội ở “trỏng” thấy anh em chơi bóng chuyền cũng thích rồi xáp vô, sau khi ra tập kết càng mê bóng chuyền rồi được triệu tập lên Thể Công từ hồi nào không biết”.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, chúng tôi chứng kiến một trận đấu của đội bóng chuyền Trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT Trung ương với đội Bưu điện Hà Nội, trong đội hình bóng chuyền của Trường huấn luyện khi ấy, có một tay đánh mang dáng dấp khỏe chắc, nước da bánh mật và có giọng miền Nam ấm áp. Chủ công này thường được bố trí đứng số 4 đầu trận, anh chơi quyết liệt và luôn ra đòn mạnh mẽ, chẳng ngại những tay chắn đối phương và mỗi khi ra đòn lại kèm theo một tiếng hô rất độc đáo. Từ đó, hễ đội bóng Trường huấn luyện xuất trận ở đâu là người ta nhìn thấy Lâm Dũng…

Đội bóng của Lâm Dũng hồi đó đã đặt chân lên nhiều miền đất khác nhau. Năm 1960, họ đi Mông Cổ dự giải bóng chuyền Việt-Trung-Triều-Mông. Năm sau lại đi Triều Tiên dự giải thể thao 12 nước XHCN anh em và cuối năm, giải Việt-Trung-Triều-Mông đã diễn ra trên sân nhà, Lâm Dũng vẫn là một trong các mũi chủ công của đội. Đầu năm 1962, bóng chuyền Việt Nam đi Campuchia thi đấu giao hữu, năm sau, 2 đội bóng chuyền của Việt Nam được tập huấn dài ngày tại Trung Quốc để đi dự Đại hội TDTT các nước không liên kết, tổ chức ở Jakarta. Kết thúc Ganefo 1963, Lâm Dũng được cùng nhóm VĐV có thành tích tốt vinh dự vào Phủ Chủ tịch thăm Bác và báo cáo thành tích với Bác Hồ. Năm 1965, cả đoàn thể thao THL và nhiều VĐV cừ khôi của miền Bắc lại bắt tay vào chu kỳ huấn luyện rất quan trọng để chuấn bị cho kỳ thi đấu tại Ph’nompenh, Campuchia trong khuôn khổ Đại hội thể thao Tiểu Ganefo châu Á. Chính tại Campuchia năm 1966, sự bộc trực và giàu cá tính của tay đánh Lâm Dũng được bè bạn nhắc đến như một kỷ niệm vui. Phản ứng trước lối cầm còi thiên vị vô lối của một trọng tài bóng chuyền người Iraq, anh đã thẳng thắn “vạch mặt” ông ta ngay bên cạnh sân thi đấu, một việc làm mà ngày ấy đã được xem là hiếm có, sau đó Ban tổ chức đã tìm hiểu và thừa nhận sự thực này rồi treo còi ông trọng tài kia đến hết giải.

Tôi có may mắn quen biết anh Lâm Dũng trong những ngày theo đoàn TTVN tập huấn dài ngày ở Thượng Hải, Trung Quốc. Trong đoàn TTVN gần 200 con người năm ấy chỉ có 2 đại diện của miền Nam ruột thịt là Lâm Dũng và VĐV nhảy xa Vũ Đức Thượng. Họ được tập thể yêu mến vì cả hai mang theo khát vọng làm sao nhanh chóng được trở về quê hương khi miền Nam được giải phóng. Anh Dũng chơi bóng rổ trong nội dung bổ trợ rất sôi nổi, thi thoảng anh ngồi một mình “đi” vài câu cải lương Nam Bộ rất đúng điệu và làm chúng tôi xúc động lắm.

Thế rồi miền Nam giải phóng, bẵng đi một năm sau, khi được vào Nam và tới thăm Sở TDTT TP Hồ Chí Minh, sau khi gặp anh Trương Tấn Bửu - Giám đốc Sở, tôi đã đến gặp anh Lâm Dũng là trưởng bộ môn bóng chuyền. Anh Dũng hồ hởi lắm và cho biết hiện tại anh đang cố gắng bắt tay xây dựng phong trào bóng chuyền ở thành phố này. Anh cho biết về những điển hình ở đội Công nhân Hóa chất và tại đơn vị Quân đoàn 4, sau đó quả nhiên đó là 2 đội bóng chuyền vào loại mạnh của làng bóng chuyền Việt Nam. Họ xem anh như người có công đầu trong những ngày trứng nước vậy.

Anh Lâm Dũng được nhiều người quý mến. Cựu danh thủ Nguyễn Thanh Thưởng vốn là đồng đội tại CLB Thể Công ngày nào kể với tôi, anh Lâm Dũng chơi bóng rất vô tư và quyết liệt, tỏ rõ “chất Nam Bộ” và trong sinh hoạt cũng thế, có gì góp ý thẳng và không bao giờ vòng vo. “Khi ở Thể Công, Lâm Dũng luôn mong ngày về quê hương miền Nam sau giải phóng”-anh Thưởng nói. Tôi cũng biết rằng do nhiều lần cùng đoàn BCVN đi tập huấn và thi đấu ở nhiều nước, anh thân thiết và coi nữ cầu thủ bóng chuyền Đoàn Xuân Lịch như em gái. Chính bà mẹ chị Lịch, cụ Hy- người phụ nữ Hà thành nổi tiếng với món chả cá Lã Vọng đã làm mối cô gái Hà Nội xinh đẹp là Thúy Hồng cho chàng trai bóng chuyền người Nam Bộ. Sau đó, anh chị sống rất hạnh phúc và sinh hạ được 2 cô con gái nay đều đã trưởng thành.

Anh Lâm Dũng-nhà thể thao miền Tây Nam Bộ đã ra đi cách đây 4 năm, để lại cho chúng tôi những hình ảnh đẹp và bài học hay, đó là điều mà người viết ghi nhận khi cố gắng tìm lại những ấn tượng ngày nào mà sân bãi miền Bắc đang nóng lên cùng các cầu thủ BCVN.

 

AMA LÂM


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều